ClockThứ Hai, 24/10/2022 14:03

Doanh nghiệp du lịch chưa được “tiếp sức”

TTH - Là lĩnh vực đòi hỏi cần nguồn lực để giúp doanh nghiệp phục hồi, tuy nhiên các doanh nghiệp du lịch cho biết đang gặp khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay.

Du lịch Huế tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 16 năm 2022APEC hợp tác thúc đẩy du lịchĐể lữ hành “làm chủ” du lịch Huế - kỳ 1: Yếu & thiếu - làm gì cũng khó

Doanh nghiệp đang cần vốn để nâng cấp sản phẩm, triển khai sản phẩm mới

“Khát” vốn dịp cuối năm

Cuối năm, chị Hồ Diệu Hằng, Giám đốc điều hành Khách sạn Sapphire Huế, có ý định sửa chữa, nâng cấp lại cơ sở vật chất của khách sạn sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đây cũng là giải pháp để nâng chất lượng dịch vụ, sẵn sàng phục vụ khách trước khi bước vào năm 2023, nhưng chị cho biết đang cần một khoản kinh phí trên dưới 3 tỷ đồng.

Theo chị Hằng, thời gian qua, lãi suất ngân hàng tăng so với trước, trong khi đó các chính sách vay ưu đãi, khách sạn không biết làm như thế nào để tiếp cận. Trước đó, phía Hội Nữ doanh nhân thông báo có nguồn vốn ưu đãi cho các hội viên, nhưng doanh nghiệp cũng không tiếp cận được. Nguồn vốn hiện đang rất khó nên ý định nâng cấp cơ sở vật chất của khách sạn khả năng sẽ không thể thực hiện kịp cuối năm nay.

Tương tự như Khách sạn Sapphire Huế, thông tin từ Hội Lưu trú tỉnh, hầu hết các khách sạn đều đang rất cần nguồn vốn, nhất là với các khách sạn vừa và nhỏ. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, hầu hết các khách sạn không thể phục vụ khách. Đối với các khách sạn, khi không có khách, cơ sở vật chất xuống cấp còn nhanh hơn khi có khách. Thời gian qua, các khách sạn nâng cấp một phần để đón khách. Tuy nhiên, để cơ sở vật chất đảm bảo như thời điểm trước xảy ra dịch bệnh cần phải sửa chữa, nâng cấp thêm rất nhiều.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Du lịch Huế phân tích, nhìn chung, đối với các doanh nghiệp lưu trú thuộc các tập đoàn lớn, nhu cầu nguồn vốn không bằng những doanh nghiệp đơn lẻ. Những doanh nghiệp mà ông quen biết hiện chưa tiếp cận được những gói vay ưu đãi của Nhà nước đã ban hành trước đó. Các doanh nghiệp chủ yếu tự xoay nguồn vốn qua bạn bè, người thân. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn nên chỉ sửa lại một số chi tiết nhỏ đã hư hỏng, xuống cấp quá nghiêm trọng.

Một số thực tế về việc “khát vốn” dẫn đến các ý tưởng, những mô hình có thể tạo thành sản phẩm mới, hấp dẫn không thể triển khai kịp thời; hay dự án đang triển khai giữa chừng phải tạm ngưng. Một doanh nghiệp lữ hành bộc bạch, công ty có chiến lược mở rộng sản phẩm tại phá Tam Giang, nhu cầu cần tối thiểu 20 tỷ đồng tiền vốn. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng hết giới hạn tín dụng, lãi suất cao, những điều kiện ràng buộc quá khó khăn, khiến công ty chưa thể triển khai mở rộng dự án.

Hơn hai năm xảy ra dịch bệnh, khó khăn không kém cạnh là các hãng xe du lịch. Nhiều xe đã được bán đi thời điểm dịch bệnh bùng phát để chi trả các khoản; nhiều xe gần 2 năm không hoạt động thường xuyên cũng cần được tu sửa, kiểm tra máy móc, nâng cấp lại nội, ngoại thất…

Ông Phạm Văn Sinh, Giám đốc Công  ty TNHH MTV Sinh An Thịnh, một trong hãng xe du lịch có tiếng ở Huế cho biết, mùa du lịch nội địa vừa qua, công ty đã vận hành cơ bản trở lại. Nhưng hiện tại, số lượng xe và cả chất lượng xe quả thật thấp hơn thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh. Dự báo khách quốc tế thời gian đến có nhiều tín hiệu khả quan, trong khi đó nhu cầu đòi hỏi ngày càng chất lượng về dịch vụ… Điều này đòi hỏi phải có kinh phí để nâng cấp lại xe và bổ sung thêm số lượng.

Khó tiếp cận

Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành du lịch giải tỏa “cơn khát” vốn để có nguồn lực đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất cho sự phục hồi. Tuy nhiên, để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trên là không dễ một chút nào.

Hội Lưu trú cho biết, theo các điều kiện của gói vay ưu đãi, doanh nghiệp phải chứng minh lãi suất trong 3 năm vừa qua. Qua 2 năm bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp bị tê liệt, việc chứng minh được lãi suất là điều khó vô cùng. Việc kiểm tra báo cáo tài chính, năng lực, tài sản đảm bảo để thế chấp… hiện nay đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang là trở ngại để có thể tiếp cận nguồn vốn cho vay.

Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết thêm, rõ ràng, các chính sách mới được ban hành là rất tốt nhưng khi triển khai thì thủ tục còn rườm rà, điều kiện khắt khe nên thực tế doanh nghiệp tại địa phương rất ít tiếp cận. Trên thực tế, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn hầu như không hỏi Hiệp hội để có những tư vấn, hay gỡ khó để có thể tiếp cận gói hỗ trợ theo Nghị định 31.

Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế cho biết, liên quan đến các chính sách vay vốn ưu đãi, các ngân hàng công khai rất rõ ràng. Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm, room tín dụng (là giới hạn cho vay của một ngân hàng) của các ngân hàng đang rất tiết kiệm; ưu tiên cho các khách hàng cũ và các lĩnh vực kinh doanh thiết yếu. Các lĩnh vực mới và còn những rủi ro như du lịch thì ngân hàng đang rất thận trọng và không cấp khoản vay mới. Đây là thực tế và bức tranh chung của các ngân hàng. Việc này cũng mang tính khách quan vì đáp ứng hai yêu cầu vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát.

Ngoài ra, một trở lực khác khiến các doanh nghiệp khá dè chừng là tình hình phục hồi du lịch hiện nay. Bên cạnh một số thị trường đã quay lại Huế và có tín hiệu phục hồi tốt thì một số thị trường vẫn chưa quay trở lại, hoặc có thì lại rất ít ỏi. Điều này khiến các doanh nghiệp không dám vay để đầu tư nâng cấp dịch vụ. Ông Phạm Văn Sinh cho hay, đối với người kinh doanh du lịch, lãi suất ngân hàng 10% hay cao 12-13% cũng không phải áp lực quá lớn nếu hoạt động kinh doanh đã vào “guồng”. Chỉ khi các hoạt động chạy đều thì các doanh nghiệp đủ tự tin vay vốn để đầu tư.

Thời điểm dịch bệnh xảy ra, hơn 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở Huế chủ yếu vừa và nhỏ nên những khó khăn vẫn đang còn hiện hữu. Vì vậy, vai trò của những “bà đỡ” như vốn vay ưu đãi lúc này là vô cùng cần thiết.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước khi giải thể

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, giải thể doanh nghiệp (DN) đã trở thành một lựa chọn bất đắc dĩ của nhiều chủ DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, việc không nắm các quy định pháp luật về giải thể DN, nhất là tuân thủ các nghĩa vụ thuế liên quan khiến thời gian thực hiện thủ tục giải thể DN kéo dài.

Doanh nghiệp cần hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước khi giải thể
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Return to top