Du khách tham quan làng gốm Phước Tích
Chưa có tour riêng
Về làng hoa giấy Thanh Tiên (Phú Mậu, Phú Vang), từ đầu ngõ, đoàn đã được nghệ nhân Thân Văn Huy ra đón. Sau vài phút làm quen, uống trà xanh, nghệ nhân bắt đầu giới thiệu về không gian, cách bài trí ngôi nhà cổ điển hình của Huế. Sau đó, đoàn khách di chuyển ra ngôi nhà rường nằm phía sau, tiếp tục uống trà, ăn trái cây, xem tài liệu. Tham gia trải nghiệm làm hoa giấy là khâu cuối cùng và du khách có thể mang sản phẩm về như một món quà lưu niệm.
Nghệ nhân Thân Văn Huy cho biết, với tất cả các đoàn khách, câu sau cùng ông luôn nói là: “Tôi rất cảm ơn quý ông, quý bà đã đến trải nghiệm làng hoa giấy Thanh Tiên. Tôi mong rằng sau chuyến đi này, ông bà giúp tôi quảng bá một làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một”. Nghe thế, du khách rất “sướng”, họ thấy chủ nhà tôn trọng và ai cũng hứa sẽ quảng bá giúp. Có thể sự lan tỏa của hoa giấy Thanh Tiên là từ đó, từ tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách của gia chủ.
Bạn Nhữ Vân Trang, sinh viên Trường đại học Văn hóa Hà Nội, rất ấn tượng với làng nghề, bởi sự thân thiện của chủ nhà. Kỹ thuật làm hoa giấy khá đơn giản và khi về nhà có thể tự làm. Cách di chuyển về làng nghề cũng độc đáo, bằng thuyền rồng, sau đó đi bộ trên đường làng xanh mát, cảm giác rất thú vị.
Đánh giá của hướng dẫn viên, hoa giấy Thanh Tiên duy trì được lượng khách nhất định là nhờ chủ nhà đã tự xây dựng được quy trình đón khách. Tiếc là mỗi buổi tham quan, trải nghiệm làng nghề chỉ kéo dài trong vòng 2 giờ đồng hồ, nếu thêm một vài hoạt động nữa sẽ hấp dẫn hơn, khách sẽ ở lại lâu hơn.
Như vậy đã là thành công với làng hoa giấy Thanh Tiên vì có khách thường xuyên. Trong khi đó, đa số các làng nghề và cộng đồng sống trong làng nghề ở Huế còn rất “chật vật” trong bảo tồn, chứ chưa nói đến phát huy để phục vụ du lịch. Ông Nguyễn Đình Ân, Giám đốc Công ty CP Huế Của Ta cho biết, ban đầu, doanh nghiệp có đưa khách đến, nhưng một số làng nghề khá đơn điệu, chỉ trưng bày bán sản phẩm, lâu dần thấy không hiệu quả, giảm tần suất đưa khách đến, kéo theo người dân thu nhập thấp và không hợp tác nữa. Một khó khăn khách quan là, thời gian lưu lại ở Huế của khách khá ngắn, họ ưu tiên tham quan di sản hơn.
Cũng theo ông Ân, các doanh nghiệp thấy đầu tư không có lợi, dẫn đến một số nhà hàng kết hợp giữa ăn uống và trải nghiệm làng nghề theo hình thức miễn phí. Điều này khiến các làng nghề và cộng đồng mất nguồn khách.
Muốn xây dựng du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, cần đảm bảo đời sống của người dân
Hình mẫu
Các làng nghề hiện đón khách rất “tự nhiên”. Khách đến tham quan, ngồi ở giữa nhà, xung quanh nuôi heo, gà, mùi hôi làm ảnh hưởng, thậm chí, nhiều khi chủ nhà không mặc áo để tiếp khách. Khi tìm hiểu, thì việc “tự nhiên” cũng dễ hiểu vì kinh phí thu được của người dân từ du lịch không bao nhiêu, dẫn đến thực tế khách đến nhưng người dân cứ làm việc của mình.
Nghệ nhân Thân Văn Huy chia sẻ, muốn làng nghề phát triển phải xây dựng một hình mẫu chuẩn để vận hành. Làm sao đó, thôn xóm phải thể hiện nét quê, truyền thống. Quy hoạch vùng du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, khi đô thị hóa sẽ làm mất cảnh quan khu vực quanh làng nghề.
Theo các doanh nghiệp, mỗi làng nghề cần xây dựng cho mình một sản phẩm điển hình, có tính độc đáo riêng. Như ở Phước Tích, nổi tiếng với nghề gốm, cái độc đáo là chất đất. Trước đây, Phước Tích nổi tiếng với lu, vại thì nay cần có sản phẩm khác thay thế phù hợp, chứ không thể lấy các mẫu mã của gốm Bát Tràng để sản xuất. Nghề chằm nón cũng có nghiên cứu để phù hợp khi phục vụ khách, bởi trải nghiệm làm nón khó và muốn hoàn thành một sản phẩm mất nhiều thời gian mà các công đoạn không có gì khác biệt.
Điều cần có của một du lịch cộng đồng gắn với làng nghề hình mẫu, ngoài trải nghiệm làng nghề cần có trải nghiệm nghề làm nông, đánh bắt cá trên sông, dịch vụ homestay... Muốn làm du lịch cần có nhà ăn, nhà vệ sinh, có nhân viên phục vụ chuyên nghiệp. Bởi như thông tin của nghệ nhân Thân Văn Huy, nghệ nhân từng tính đến xây dựng chuỗi dịch vụ, đã kêu gọi đầu tư nhưng không có ai hợp tác. Điều này cần có cơ chế hỗ trợ nào đó cho phù hợp.
Theo nghệ nhân Thân Văn Huy, muốn làng nghề phát triển, trước tiên phải cho thật nhiều người biết về làng nghề. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ làng nghề tham gia các hoạt động, sự kiện để quảng bá. Nhà nước cũng cần có hỗ trợ về công nghệ làm hàng lưu niệm, như hoa sen giấy để nếu để trong một cái hộp có nhạc sẽ thu hút người mua.
UBND tỉnh vừa công bố danh sách các làng nghề cần bảo tồn lâu dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng đề án phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch; đào tạo nghề, truyền nghề và xây dựng nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề. Theo đó, có 13 làng nghề tiêu biểu cần được bảo tồn lâu dài, gồm: Làng nghề gốm Phước Tích, đệm bàng Phò Trạch, rèn Hiền Lương, nghề nón lá Huế, dệt zèng tại huyện A Lưới, hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian làng Sình…
Bài, ảnh: Đức Quang