Huế là điểm đến có thế mạnh về văn hóa nên được khách miền Bắc lựa chọn
Thị trường lớn
Thời gian qua, Nhà hàng nổi sông Hương và Nhà hàng Nam Châu Hội Quán liên tiếp đón những đoàn khách từ các thị trường miền bắc sử dụng dịch vụ ăn uống khi đến Huế. Đây là kết quả hợp tác của đơn vị quản lý hai nhà hàng này với các doanh nghiệp ở thị trường Hà Nội sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Giám đốc Công ty CP Du lịch Huế cho hay, thị trường phía bắc có mức chi tiêu thường cao hơn khoảng 30% so với các thị trường khác trong cả nước. Nhu cầu của khách phía bắc là tham quan, nghiên cứu văn hóa, kết hợp ăn uống và nghỉ dưỡng. Đây là nhu cầu mà Huế cơ bản đáp ứng được. Xét về lợi thế cạnh tranh ở mức chi tiêu và chi phí vận chuyển bằng đường bộ, Huế có nhiều lợi thế. Ngoài Huế, thường khách phía bắc sẽ kết hợp tour ở ba địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.
Theo một nghiên cứu thị trường độc lập của Công ty Du lịch Phong Lan Việt mới đây cho thấy, ngay trong những giai đoạn xảy ra dịch bệnh và giai đoạn phục hồi hiện tại, tỷ lệ khách ở thị trường miền Bắc chiếm hơn 60% thị phần khách nội địa ở cả ba miền đến Huế. Bên cạnh khách đi tour, tỷ lệ khách đi tự do bằng xe cá nhân tăng mạnh và chiếm đa số thời gian qua.
Bà Hồ Thị Sương Lan, Giám đốc Công ty du lịch Phong Lan Việt thông tin, khách nội địa từ Đà Nẵng trở vào thường có xu hướng đi ở các thị trường phía nam nhiều hơn, các tour có thời gian ngắn, hoặc trung bình. Còn khách miền Bắc có xu hướng đến các địa phương đặc trưng văn hóa, có biển, thời gian đi tour dài ngày. Bên cạnh loại hình du lịch văn hóa kết hợp với nghỉ dưỡng với thời gian tour dài ngày, Huế cũng là điểm đầu tư của nhiều nhà đầu tư miền Bắc nên khách kết hợp các chuyến vào kiểm tra đầu tư và nghỉ dưỡng dài ngày.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch nêu định hướng, thị trường phía bắc, nhất là vùng Đông Bắc bộ với tam giác “Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh” là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị lớn của cả nước. Với lượng khách du lịch khoảng 20 triệu - 23 triệu khách/năm cùng với khả năng kết nối các đường bay thẳng từ Cát Bi, Vân Đồn đến các tỉnh miền Trung, giao thông đường bộ thuận lợi đặc biệt là hệ thống đường ven biển đang trong quá trình hoàn thiện, Quảng Ninh và Hải Phòng là thị trường mục tiêu quan trọng của du lịch Thừa Thiên nói riêng và 5 địa phương miền Trung nói chung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam) hiện tại và trong thời gian đến đối với thị trường khách nội địa.
Trong khi đó, phía ngành du lịch Hải Phòng và Quảng Ninh đánh giá, miền Trung nói chung và Huế nói riêng có hệ thống sản phẩm du lịch rất đa dạng, phong phú như du lịch biển, đảo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe. Với xu thế du lịch xanh, du lịch thiên nhiên, 5 địa phương miền Trung tiếp tục hứa hẹn sẽ tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu, điểm cần đến của khách du lịch thời gian tới.
Mở rộng kết nối
Theo Sở Du lịch, sự kết nối giữa Huế và Hà Nội đã được triển khai nhiều năm qua. Sau khi du lịch trở lại, đã có những kết nối bằng các tour caravan, tour của các nhóm hội ở Hà Nội với Hiệp hội Du lịch tỉnh… Từ năm 2018, ngành du lịch đã có sự kết nối đầu tiên với các thị trường Đông Bắc. Mới đây, ngành tiếp tục kết nối với hai thị trường trọng điểm Hải Phòng và Quảng Ninh bằng bản hợp tác mới, hỗ trợ phục hồi bằng cách đưa khách đến cho nhau.
Bà Hồ Thị Sương Lan phân tích, kết nối giữa Huế với một số thị trường ở phía bắc gặp một số khó khăn, như chi phí và lịch trình của đường hàng không; xu hướng lựa chọn du lịch nghỉ dưỡng gắn với biển, nhưng ở Huế chưa cung ứng tốt nhất về nghỉ dưỡng biển; một yếu tố ảnh hưởng lâu dài là sự hợp tác 2 chiều. Trong khi khách vào Huế khá tốt, thì chiều ngược lại đến các địa phương trên chưa tương ứng. Điều này có lý do khách quan là khách Huế thường chọn đi miền Nam nhiều hơn. Thời tiết, địa hình miền Bắc được cho là ảnh hưởng đến sự lựa chọn của khách lớn tuổi ở Huế và miền Trung.
Ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, trong quá trình kết nối khách, ngành sẽ cố gắng quảng bá, nâng cao chất lượng các sản phẩm sẵn có để phục vụ khách tốt hơn. Đặc biệt là đẩy mạnh, mở rộng khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với suối thác, suối khoáng nóng để phục vụ khách. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục mở rộng liên kết với 4 tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam; kết nối các doanh nghiệp để xây dựng tour tuyến chung đến tất cả các địa phương có tính bổ trợ cho nhau…
Cũng theo thông tin từ ngành du lịch, gần đây, nhiều ngành du lịch ở các địa phương đã đến Huế tham quan, đặt mối liên kết đầu tiên. Trong thời gian đến, ngành sẽ tổ chức các đoàn khảo sát, kết nối doanh nghiệp mở rộng ra nhiều thị trường mới, nhất là phía Tây Bắc và vùng đồng bằng Bắc bộ.
Tháng 4/2022, ngành du lịch 5 tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với 2 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025. Theo đó, các bên sẽ liên kết theo nguyên tắc cùng có lợi để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Nội dung liên kết, hợp tác tập trung vào 3 lĩnh vực: Quản lý Nhà nước về du lịch, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch và hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG