ClockThứ Hai, 02/05/2022 21:26

Thu hút du khách đến với khu di sản

TTH.VN - Những ngày này, Quần thể Di tích Cố đô Huế nườm nượp đón khách tham quan. Đây là tín hiệu vui cho thấy sức hút của di sản Huế sau thời gian vắng khách do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để tăng sức hấp dẫn cho di tích, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trưng bày, triển lãm… thú vị.

Tôn vinh những người biên soạn, xuất bản và lưu trữ sáchHợp tác phát triển di sản văn hóaSẽ điều chỉnh tạo thuận lợi cho khách tham quanDi tích Huế đón khách tham quan từ ngày 1/10

Sức hút từ các chương trình nghệ thuật

Khởi động chuỗi hoạt động mùa hạ, giữa tháng 4, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức chương trình nghệ thuật “Âm sắc Huế” tại Ngọ Môn và sân Đại triều điện Thái Hòa. Chưa bao giờ một chương trình nghệ thuật diễn ra tại Đại Nội thu hút đông đảo người dân và du khách đến thế. Hàng ngàn người chen nhau trước sân Đại triều điện Thái Hòa để thương thức chương trình.

Đại Nội sôi động với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống 

Ngoài tái hiện các nghi tiết thuở xưa, như: lễ đổi gác, súng lệnh, hỏa pháo, chương trình giới thiệu những tiết mục kinh điển của Nhã nhạc, múa cung đình. Khán giả còn được thưởng thức nhiều tiết mục nghệ thuật đương đại với sự tham gia trình diễn của nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh đến từ TP. Hồ Chí Minh. Sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại mang đến bữa tiệc nghệ thuật đặc sắc, mãn nhãn người xem.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, thật bất ngờ khi khán giả đến xem chương trình quá đông. Điều đó cho thấy, chương trình tạo được ấn tượng tốt với người xem. Sự khởi động này góp phần “hâm nóng” sức hấp dẫn của di tích sau đại dịch.  

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút khách du lịch đến tham quan khu di sản Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức trình diễn và tái hiện các hoạt động nghệ thuật. Ngoài các suất diễn tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, du khách khi tham quan Hoàng cung được trải nghiệm miễn phí tái hiện các nghi thức và hoạt động chốn cung đình xưa qua các chương trình nghệ thuật diễn ra hàng ngày, như: Lễ đổi gác, chương trình Âm sắc cung đình và Huế xưa, biểu diễn ca Huế, trích đoạn tuồng cung đình… tại Ngọ Môn, Sân Đại triều Điện Thái Hòa, Cung Trường Sanh và Nhật Thành Lâu.

Những ngày này, các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế biểu diễn liên tục phục vụ du khách. NSND Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế chia sẻ: “Trong khi mọi người đi chơi lễ thì nghệ sĩ chúng tôi biểu diễn liên tục phục vụ du khách, tuy nhiên, đây là niềm vui của cuộc đời nghệ sĩ. Sau thời gian dài vắng khách do đại dịch COVID-19, ai cũng hứng khởi khi du lịch tái khởi động, khách đến thăm di tích ngày càng đông”.

Sau khi tiếp nhận hai cổ vật mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình do Công ty CP Tập đoàn Sunshine đấu giá thành công tại nước ngoài và hiến tặng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mở cửa miễn phí cho người dân, du khách tham quan Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế từ ngày 17/4 đến 17/5 nhằm đưa di sản đến gần hơn với công chúng. Sự trở về của chiếc mũ quan đại thần và áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn bổ sung vào nguồn cổ vật của một bảo tàng vốn có bề dày lịch sử gần 100 năm gắn bó mật thiết với quần thể kiến trúc cung đình Huế.

Từ đó đến nay, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế thu hút lượng lớn khách tham quan. Nhiều người dân và du khách đến từ các tỉnh, thành khác rất quan tâm giá trị của hai cổ vật trên và đến tham quan tại bảo tàng. Trong ngày 1/5, suốt từ 9h đến 14h, khách tham quan quá đông và thuyết minh viên hầu như không được nghỉ. Nhiều đoàn học sinh, sinh viên cũng đến tìm hiểu, trải nghiệm di sản tại bảo tàng.

Khách tăng mạnh

Từ chính sách mở cửa linh hoạt trong công tác phòng chống dịch COVID-19, lượng khách đến tham quan khu di sản thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế tăng mạnh. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, từ đầu năm đến ngày 30/4, tổng lượng khách tham quan di tích đạt trên 214 ngàn lượt, doanh thu trên 29 tỷ đồng. Riêng trong ngày 1/5, có 13.418 lượt khách đến tham quan di tích, trong đó có 185 khách quốc tế, doanh thu hơn 1,9 tỷ đồng.

Du khách xem triển lãm tại vườn Thiệu Phương

Sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, đây là những tín hiệu phục hồi khả quan từ du lịch, tạo đà cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng các chương trình, hoạt động và sản phẩm dịch vụ hấp dẫn phục vụ du khách.

Đến tham quan Đại Nội, bà Hoàng Thị Kim Tuyết, du khách đến từ Đồng Nai cho hay, sau thời gian dài không được đi du lịch do dịch COVID-19, thật vui khi tôi được đến thăm xứ Huế yên bình, ngắm thành quách, cung điện. Hoàng cung thâm nghiêm nay thật sôi động với những chương trình giới thiệu nghệ thuật cung đình, tái hiện nghi tiết thuở xưa. Điều đó càng làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của di tích.

Để thu hút du khách sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã xây dựng kế hoạch đón đầu, chuẩn bị cho cả một giai đoạn. Từ ngày 1/4 đến hết ngày 1/6, trung tâm giảm 50% giá vé thuyết minh hướng dẫn tại các điểm di tích cho đoàn khách từ 20 người trở lên; giảm 50% giá vé xem biểu diễn Nhã nhạc và múa cung đình tại Nhà hát Duyệt Thị Đường.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, sau dịch, nhu cầu đi du lịch ngày càng tăng, trung tâm phối hợp với Sở Du lịch tổ chức đón các đoàn khách số lượng lớn, kết nối với các đơn vị lữ hành để tăng cường quảng bá, giới thiệu về Quần thể Di tích Cố đô Huế. Đồng thời, chỉnh trang lại cảnh quan sạch đẹp hơn, tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật, tạo không khí sôi nổi. Ngoài các chương trình nghệ thuật, triển lãm “Mỹ thuật và di sản” đang được trưng bày tại vườn Thiệu Phương, các hoạt động trưng bày hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Tàng Thơ Lâu cũng góp phần kích cầu, tăng sức hấp dẫn cho khu di sản.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão
Phát huy thế mạnh trong thu hút đầu tư, kinh doanh

Với lợi thế cách Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô khoảng 40km, đồng thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, có QL1A và đường sắt Bắc- Nam đi qua, đặc biệt có Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài và Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài nên Hương Thủy hội tụ gần như đầy đủ các yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giao lưu thương mại với các vùng, miền trong nước cũng như quốc tế.

Phát huy thế mạnh trong thu hút đầu tư, kinh doanh
Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
Chuyện “hoa hồng”

Cuối tháng 10 vừa rồi, cảng Chân Mây đón tàu du lịch Celeberity Millennium của hãng Royal Caribbean với hơn 3.000 du khách và thuyền viên. Đây được biết là chuyến tàu du lịch quốc tế thứ 30 cập cảng Chân Mây tính từ đầu năm 2024. Sau khi cập cảng, một nửa du khách và thuyền viên đã chọn tham quan Huế, nửa còn lại tham quan Đà Nẵng, Hội An.

Chuyện “hoa hồng”
80% du khách APAC tiếp tục ưu tiên du lịch và chi tiêu cho du lịch trong năm 2025

Nền tảng tìm kiếm thông tin du lịch Skyscanner vừa công bố một báo cáo mới tiết lộ xu hướng du lịch năm 2025 tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC), trong đó nổi bật là các vấn đề về xu hướng du lịch, chi tiêu cho du lịch, sở thích về điểm đến, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong du lịch và du lịch bền vững.

80 du khách APAC tiếp tục ưu tiên du lịch và chi tiêu cho du lịch trong năm 2025
Return to top