ClockThứ Tư, 23/10/2019 05:45

Tìm kiếm thị trường thay thế: Vừa quảng bá, vừa xây dựng sản phẩm phù hợp

TTH - Thị trường khách luôn có sự dịch chuyển với chu kỳ phát triển khoảng 5 năm, nên việc chủ động tìm kiếm thị trường thay thế là điều cần đặt ra cho ngành du lịch Huế.

Sản phẩm thủ công truyền thống cần đổi thay để tồn tại

Mỗi thị trường sẽ có những nhu cầu du lịch khác nhau (trong ảnh: Khách Thái Lan tham quan Đại nội Huế)

Sớm triển khai

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi thị trường khách sẽ có những đặc trưng, nhu cầu về ăn uống, hình thức trải nghiệm du lịch riêng... Tùy vào khả năng đáp ứng nhu cầu của điểm đến mà du khách có thể ở lại lâu, hay ít hơn. Một đặc trưng rất quan trọng nữa, thị trường khách luôn có sự chuyển dịch về điểm đến, ít tập trung vào một điểm trong thời gian dài.

Theo ông Trương Thành Minh, Chủ tịch Hội Lữ hành, minh chứng cho điều này là thời gian qua lượng khách Hàn Quốc đến Huế giảm so với trước. Tổng lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam vẫn không thay đổi, nhưng đang chuyển dịch về hướng Nam Trung bộ và Đông Bắc bộ nhiều hơn. Điều đáng mừng cho du lịch Huế là sự trở lại của thị trường khách Thái Lan thời gian qua, phần nào giữ được tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến Huế.

Ông Đỗ Ngọc Cơ, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Xanh Việt cho rằng, với sự chuyển dịch của khách Hàn Quốc, đòi hỏi Huế phải tìm được thị trường thay thế. Thị trường tiềm năng nhất hiện nay đối với Huế trong vòng vài năm tới là ở khu vực ASEAN. Gần đây, ngoài khách Thái Lan, khách Malaysia và Lào cũng đang có xu hướng đi du lịch nhiều hơn. Về đặc trưng của dòng khách này, khu vực miền Trung nói chung và Huế nói riêng được đánh giá sẽ thu hút.

Lãnh đạo ngành du lịch nhìn nhận, Huế chưa thể có những nghiên cứu mang tính định lượng về biến động các thị trường khách đến Huế hiện tại và trong 5 năm, 10 năm hay xa hơn. Chưa có những dự báo tốt, nên sẽ rất khó để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu. Để có những nghiên cứu, định hướng thị trường khách cần khá nhiều kinh phí. Với thị trường muốn hướng đến, phải đến tận điểm đến mới có nghiên cứu, dự báo chính xác. Huế đang cố gắng phục vụ những thị trường đang có, còn khai phóng những thị trường mới thì chưa triển khai.

Theo một doanh nghiệp đang khai thác khá thành công thị trường khách Thái Lan, yếu điểm của doanh nghiệp Huế là không đi để tìm hiểu, nghiên cứu thị trường. Để xây dựng những sản phẩm, tour tuyến phù hợp trước hết phải am hiểu, làm hài lòng bằng những sản phẩm mà khách đang cần. Dù các doanh nghiệp có tìm hiểu thông tin tại các website, nhưng chỉ khi đi đến thị trường mới giúp doanh nghiệp tính toán được hình thức vận chuyển, chi phí tour phù hợp…

Du khách quốc tế đến tham quan lăng Tự Đức

Xây dựng sản phẩm khách cần

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế phân tích, Tổ chức Du lịch thế giới chỉ ra rằng, du lịch sẽ luôn phát triển dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra. Địa phương, đất nước nào ổn định và an toàn sẽ thu hút khách. Do đó, để làm du lịch đã đến lúc người phương Đông, trong đó có Việt Nam phải học cách ăn dao nĩa, chứ không chỉ ăn đũa truyền thống. Tính hội nhập càng lớn, cơ hội mở ra càng nhiều, nhưng thách thức mang lại không phải nhỏ nếu thiếu sự chủ động.

Tại hội chợ ITB Asia Singapore 2019 diễn ra từ 16 – 18/10, ngoài quảng bá, giới thiệu du lịch đến các thị trường truyền thống ở Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, ngành du lịch còn nhắm đến các thị trường tiềm năng ở Nam Á, Trung Đông và ASEAN. Quảng bá được xem là bước đi “khởi động” đầu tiên để đưa những thị trường khách mới đến với Huế.

Nhưng, phải nhìn nhận lại, Huế đã sẵn sàng cho việc đón những thị trường Trung Đông và Nam Á chưa. Các thị trường này đa phần theo đạo Hồi. Ông Đỗ Ngọc Cơ cho biết, điển hình như khách Malaysia đang có xu hướng đến miền Trung. Với thị trường này, họ ăn những món ăn Halal. Khi đến các nhà hàng, phải có gắn chứng nhận đảm bảo món ăn Halal họ mới sử dụng, tuyệt đối không sử dụng thịt heo. Ở Huế, hiện nay chưa có nhà hàng nào chuyên về các món ăn Halal, nên sẽ rất khó giữ chân khách.

“Hay với khách Ấn Độ, tuyệt đại đa số người dân Ấn Độ sẽ ăn bốc, dùng tay phải để ăn, tay trái cầm cốc để uống nước. Nhưng ở Huế cũng chưa tìm ra được nhà hàng chuyên về khách Ấn Độ. Hay xu hướng của giới nhà giàu Ấn Độ muốn đi du lịch kết hợp với đám cưới và trăng mật. Những nơi họ chọn phải đẳng cấp thật sự, những cơ sở vật chất sang trọng bậc nhất và ở Huế khó có thể đáp ứng được nhu cầu”, ông Cơ nhận định.

Theo dự báo, khách Lào sẽ đi du lịch nhiều hơn. Đặc trưng của khách Lào là tắm biển và vui chơi giải trí, song du lịch biển ở Huế chưa phát triển xứng tầm. Ở Đảo Ngọc (Lăng Cô) được đánh giá có khả năng xây dựng tour phục vụ khách Lào, nhưng để dòng khách này ở lại, cần có thêm một số nhà hàng, điểm nghỉ trưa… Do đó, khi đến Huế, khách Lào chủ yếu tham quan Đại Nội, chợ Đông Ba, nghe ca Huế, tham quan chùa Thiên Mụ và di chuyển đến nơi khác, nên chỉ ở Huế đúng một đêm.

Chỉ khi có sự chủ động, vừa xây dựng được các dịch vụ, sản phẩm mang tính đón đầu và có sự quảng bá tốt hơn, Huế mới có thể nắm thế chủ động trong “cuộc chơi” cạnh tranh về thị trường du lịch.

QUANG SANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top