Cách đây không lâu, ngành y tế triển khai chiến lược “thu hút khách du lịch đến Việt Nam nghỉ dưỡng và chữa bệnh”. Thừa Thiên Huế tiến đến xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu và hiện có Bệnh viện Trung ương Huế là địa chỉ y tế hàng đầu quốc gia. Vì vậy, chủ trương của tỉnh là phải xây dựng được chiến lược “Kết hợp du lịch với nghỉ dưỡng và chữa bệnh cho du khách nước ngoài”.
Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết số 11 - NQ/TU xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, trong đó có chỉ tiêu hoàn thành phục hồi Thái y viện triều Nguyễn - một địa chỉ khám chữa bệnh gắn kết du lịch. Tuy nhiên những chiến lược hay những chỉ tiêu, mục tiêu nêu trên chưa đạt hiệu quả đề ra, người Việt hàng năm chi khoảng 2 tỷ USD để ra nước ngoài chữa bệnh, du khách đến Việt Nam chủ yếu là tham quan còn chữa bệnh thì rất ít.
Mọi chuyện có thay đổi được không? Theo suy nghĩ của tôi, việc này sẽ thay đổi sau đại dịch COVID-19 chấm dứt. Bằng chứng rõ nét nhất trong đại dịch COVID-19 xảy ra cả thế giới khủng hoảng, số người mắc lên đến hơn cả triệu, hàng chục ngàn người chết, trong khi đó, Việt Nam chỉ có 251 người nhiễm bệnh (thống kê đến ngày 8/4/2020), đứng thứ 96 trên thế giới về số ca nhiễm và là 1 trong 3 nước có trên 200 ca nhiễm bệnh mà chưa có người tử vong, rồi hàng triệu người Việt khắp nơi trên thế giới nào là lao động hợp đồng nước ngoài, du học sinh, bà con Việt kiều ở những nơi đất nước phát triển, ngành y tế hiện đại cũng ào ạt đổ về Việt Nam để tránh dịch bệnh, hay trường hợp ông ty phú Johnathan Hạnh Nguyễn thuê nguyên chuyên cơ riêng chở con gái - bệnh nhân thứ 32 về nước dù phải tốn kém hàng trăm nghìn USD, mà với số tiền này con gái ông có thể đến bất cứ quốc gia nào có nền y tế tiên tiến, hiện đại nhất thế giới để chữa bệnh nhưng ông vẫn kiên quyết đưa con gái ông về nước vì ông tin vào ngành y tế Việt Nam.
Nhiều người bạn thân của tôi hiện là chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Mỹ, Canada, Úc cho hay: “Cả thế giới đều đang đánh giá rất cao năng lực y tế Việt Nam. Là người Việt Nam, tôi cảm thấy rất tự hào và hãnh diện về điều này. Tiếc là do bận quá nhiều công việc, chúng tôi và gia đình không kịp về Việt Nam tránh dịch, giờ ở nước ngoài cũng cảm thấy bất an, phải cách ly triệt để trong nhà. Hiện nay chúng tôi ổn, nhưng thời gian tới không biết thế nào. Chắc sau này, chúng tôi sẽ về Việt Nam đầu tư. Nếu có thiên tai địch họa, dịch bệnh xảy ra ở Việt Nam cũng an toàn nhất”.
Em gái con cô ruột của tôi, Diệu Linh, giảng viên Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội - hiện đang làm tiến sĩ ở Anh sốt ruột, nói: “Em cứ tưởng ở Anh ổn lắm, nhưng sau sự việc bùng phát dịch bệnh nhiều, số người chết tăng cao, nhất là nước họ đang chật vật với hệ thống y tế khiến cả nhà em lo lắng vô cùng. Em đang ở trong nhà, thực phẩm chỉ trữ được khoảng 1 tháng. Nếu hết không biết ra ngoài và mua ở đâu vì hiện nay dịch bệnh đang bao vây, thực phẩm cũng khan hiếm”.
Sau khi dịch bệnh kết thúc, ngành du lịch phát triển trở lại, chắc chắn Việt Nam sẽ là điểm đến an toàn nhất, du khách sẽ đến nhiều hơn, trong đó chiến lược “Kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng và chữa bệnh cho du khách nước ngoài” sẽ mang lại hiệu quả cao, nhất là người Việt sẽ nhìn nhận lại ngành y tế Việt Nam để không còn bỏ tiền tỷ ra nước ngoài chữa bệnh như trước đây.
Gia Hân