Du khách tham quan di sản Huế ngày Tết. Ảnh: MC
Những ngày đầu năm mới, nhiều gia đình, du khách trong và ngoại tỉnh tranh thủ thời gian đến tham quan, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, hiện vật được trưng bày ở các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật.
Với đặc thù là đô thị có rất nhiều bảo tàng, trung tâm nghệ thuật, khu trưng bày như Huế… những ngày Tết Nguyên đán phải luôn mở cửa, đồng nghĩa nhiều cán bộ, nhân viên gần như không có được kỳ nghỉ trọn vẹn, phải thay nhau trực đón khách.
Tuyến đường Lê Lợi, một trong những tuyến đường được mệnh danh là “phố bảo tàng” với nhiều bảo tàng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị (thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế)… những ngày đầu năm mới khách đến du xuân, tham quan nhộn nhịp.
Theo ghi nhận, ngoài khách trong tỉnh, có rất nhiều khách thập phương cũng như khách quốc tế, trong đó, phần nhiều tập trung vào nhóm khách trẻ và khách gia đình.
Những ngày Tết Nguyên đán, bảo tàng mở cửa, cán bộ, nhân viên thay nhau trực để đón, phục vụ khách tham quan
Ngày mồng 3 Tết, bên ngoài trời mưa tầm tã, nhưng bên trong không gian trưng bày Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng đông đúc khách đến mua vé, để tham quan những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của vị danh họa nổi tiếng thế giới, được giới nghệ thuật gọi là “bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Huế đang trực bán vé, hướng dẫn cho khách ở Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng vừa kịp bán vé cho một nhóm khách trẻ, ngay lập tức di chuyển sang hướng dẫn cho một nhóm khách gia đình từ miền Nam.
Chị kể, ngày mồng 1 Tết, lượng khách đến bảo tàng thưa vì thường ngày đầu năm người ta đi lễ chùa, thăm người thân. Qua ngày mồng 2 trở về sau, lượng khách bắt đầu đông lên. Trung bình, mỗi ngày trung tâm đón gần cả trăm lượt khách. Công việc đầu năm dù bận rộn, nhưng chị Vân cho biết “nghề đặc thù, nên cũng quen rồi”. Năm nay, chị Vân trực 4 buổi và coi như đón Tết ở cơ quan.
“Không riêng gì Tết, những ngày lễ khi người ta nghỉ để đi chơi càng đông đúc thì mình phải đi làm, để phục vụ khách. Niềm vui đi trực tết là thấy nhu cầu hưởng thụ văn hóa của khách tăng lên, lượng khách tìm đến trung tâm nghệ thuật đông đúc, ai cũng vui tươi”, chị Vân chia sẻ.
Nói về thời gian cho gia đình trong những ngày tết, chị cho biết, vẫn muốn có những giây phút bên người thân vào mấy ngày đầu năm, “nhưng vì công việc, nên gia đình thông cảm, và sẽ dành thời gian để bù lại sau”.
Vào công tác ở Bảo tàng Lịch sử tỉnh được 3 năm, cũng là chừng ấy cái Tết Nguyên đán, chàng trai trẻ Dương Vĩnh Hậu đảm nhận công việc trực trong những ngày Tết để phục vụ khách tham quan.
Hậu kể, cũng như nhiều bảo tàng khác, Bảo tàng Lịch sử tỉnh mở cửa xuyên Tết để phục vụ khách. Đặc biệt, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bảo tàng trưng bày triển lãm chuyên đề “Việt Nam - Đất nước, mùa Xuân” nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023), 55 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, vì thế lượng khách đến tham quan khá đông.
“Đã làm cán bộ ngành bảo tàng thì việc đi làm trong những dịp Tết như thế này là bình thường. Và niềm vui của mình trong những ngày trực là được đón nhiều khách, được giới thiệu, hướng dẫn cho du khách hiểu hơn về văn hóa, lịch sử và những chuyên đề, hiện vật mà bảo tàng đang trưng bày”, Hậu tâm sự.
Trong khi đó, anh Phi Hùng, cán bộ của Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng cho biết, không chỉ làm việc xuyên Tết, những ngày ra Tết đối với anh và nhiều đồng nghiệp khác sẽ rất bận rộn. “Hết trực Tết ở không gian trưng bày, những ngày đầu tháng Giêng sẽ có rất nhiều lễ hội, vì thế phải chuẩn bị những phần việc để làm các triển lãm, trưng bày từ khá sớm nên gần như không có Tết. Công việc này nó như thế, quen rồi”, anh Hùng nói.
Bài, ảnh: N. MINH