|
Ông Bình vừa phát triển kinh tế, vừa đóng góp cho phong trào Hội NKT tại địa phương |
Trong khu vườn được chăm bón xanh tốt, ông Bình kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của mình. Là cựu chiến binh, những thương tích của ông là dấu ấn của một thời oanh liệt, chiến đấu vì độc lập, thống nhất. Nhớ như in từng vết thương và trận đánh, ông kể: “Tôi bị thương nhiều lần, trong đó nặng nhất là lúc làm nhiệm vụ ở Phú Lộc. Một mảnh rocket đâm trước ngực, xuyên vào màng phổi gần cuống tim. Lúc ấy, sự sống và cái chết chỉ cách nhau có vài cm”.
Sau khi dưỡng thương và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, ông lại bị hai viên đạn đại liên bắn vỡ gối và xuyên bàn chân. Sau đó là 5 năm dài đằng đẵng bị đưa từ nhà tù này sang nhà tù khác. Mãi đến năm 1973 ông mới được thả tự do.
Hòa bình lập lại, dù di chứng từ những vết thương cũ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, ông Bình vẫn cùng gia đình từ vùng Kim Long lên Dương Hòa lập nghiệp. Tại đây, ông nên duyên cùng vợ và lèo lái gia đình vượt qua những khó khăn, gian khổ. Sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, những ngày trái gió trở trời, ngực ông nhói đau. Đôi chân thì không còn vững vàng nữa, di chuyển, đi lại khó khăn. Dù vậy ông vẫn không nản lòng. Từng chút một, ông cần mẫn khai hoang vùng đồi, tạo lập nên khu rừng keo bằng mồ hôi và công sức của mình trên đôi chân khập khiễng.
“Đi chậm hơn người khác thì tôi kiên trì từng chút, từng chút một. Những con dốc, những đoạn rừng trơn trượt thì mình dựa vào sức của cây, của từng tảng đá trên đường đi. Mệt thì nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục cố gắng, đối với tôi, khó khăn nào cũng có thể vượt qua cả, chỉ cần mình nỗ lực không ngừng nghỉ”, ông chia sẻ.
Quả thật như lời ông Bình nói. Đã không làm thì thôi, một khi quyết tâm thì ông Bình làm rất chỉn chu và bài bản. Ông cho hay: “Thông thường, mỗi rừng keo phải mất từ 5 - 8 năm mới cho thu hoạch. Dù cần giữ trâu bò và tránh keo gãy đổ lúc trồng năm đầu, phát cỏ và chăm sóc những năm sau đó, nhưng đối với tôi, càng làm việc tôi càng thấy mình sống có ích và hạnh phúc”.
Không chỉ trồng và chăm sóc 9ha rừng keo, ông còn phân bổ thời gian hợp lý để tranh thủ làm thêm khi có người cần. Dù tuổi đã cao, đôi chân không lành lặn, nhưng kinh nghiệm dày dạn và sự thuần thục giúp ông đạt hiệu quả công việc chẳng kém ai. Vừa tham gia đội trồng, thu hoạch keo, ông còn mua giống, trồng và chăm sóc vườn bưởi da xanh. Cần mẫn hàng chục năm trời, kinh tế của ông ngày càng vững vàng, riêng rừng keo đã cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Vừa chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, ông Bình còn góp sức cho phong trào Hội NKT. Là Chi Hội trưởng Chi Hội NKT xã Dương Hòa, ông nhiệt thành với công tác hội, gắn kết các hội viên để trao đổi, chia sẻ phương cách làm ăn, tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Dữ, Chủ tịch Hội NKT TX. Hương Thủy cho biết: “Không chỉ vượt khó khăn để phát triển kinh tế, ông Nguyễn Văn Bình còn đóng góp công sức cho hoạt động phát triển phong trào hội tại địa phương. Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần nhiệt huyết và nghị lực của ông. Tin rằng, không chỉ là tấm gương sáng tại Dương Hòa, nghị lực của ông Bình cũng sẽ truyền cảm hứng để nhiều NKT cùng chung cảnh ngộ học hỏi và có thêm động lực để vươn lên”.