La Chử là ngôi làng cổ của xứ Thuận Hóa. Các nhà nghiên cứu cơ bản thống nhất làng ra đời vào thời Trần, tuy niên đại còn có ý kiến trái chiều. Lê Nguyễn Lưu trong “Văn khắc thời Tây Sơn ở Huế” cho rằng, “thành lập vào đời Trần không lâu sau khi Ngự sử trung tán Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý năm 1307” (in trong Cố đô Huế xưa và nay, NXB Thuận Hóa, 2005, tr.656 ). Trần Đại Vinh ở “Làng văn vật Thừa Thiên Huế” (NXB Thuận Hóa, 2017, tr.144) giả định “thành lập cuối thế kỷ XIV dưới đời mạt Trần”. Hà Xuân Liêm tại bản thảo “Làng La Chử - địa chí và văn hóa” (2003) ước đoán làng ra đời khoảng năm 1342, đời vua Trần Dụ Tông (1341-1368).
Ao làng - một miền ký ức của tuổi thơ. Ảnh minh họa: D. Trương
Khu dân cư của làng nằm giữa con sông nhỏ, dân làng quen gọi là Hói, ranh giới tự nhiên của hai làng - La Chử và Phụ Ổ và cánh đồng. Đường chạy dọc hói từ đầu đến cuối làng, dân làng gọi là đường Bến. Làng có 4 phường, 28 xóm và hầu như xóm nào cũng có thể vào bằng đường bến hay đường đồng. Mỗi xóm dài trung bình 330m và đều được đào ao. Vị chi cả làng có đến 28 cái ao.
Ao làng tôi không nằm trong phương thức “vườn ao chuồng” nhằm xóa đói giảm nghèo, bởi nó là mương thoát nước ra đồng hay xuống hói khi mưa, rộng cỡ 1m và sâu trên dưới 5 tấc gì đó. Ao xóm trước nằm trước đường xóm sau!
Không có điều kiện đi khắp làng khi mưa bão nên chẳng rõ, riêng ở phường Trung nơi tôi sống, xóm nào cũng ngập khi mưa to, kéo dài; cao hay thấp, dài hay ngắn tùy xóm. Dân số gia tăng, nhà cửa mọc lên như nấm, tốc độ bê tông hóa quá nhanh và tràn lan, rồi mạnh ai nấy làm, người này làm được người kia cũng vậy không bị nhắc nhở, xử lý… khiến ao làng dần biến mất hay chỉ còn trong ký ức người cao tuổi. Nước lút thì lội, ai cũng biết và làm vậy, còn làm sao cho hết ngập là việc của người khác; người đó là ai đi hỏi ông hàng xóm!
May mắn trước cơn bão số 5 và trận lũ vừa rồi, xóm tôi đổ lại bê tông đường xóm, có chừa rãnh thoát nước nên “sau cơn mưa trời lại sáng !”.
Lạ là lúc lập làng, người biết đôi ba chữ thánh hiền hiếm lắm, nhưng sao các cụ vẫn biết và đúc kết “nước chảy chỗ trũng”, đào ao phục vụ cộng đồng. Bây giờ hễ mưa nước không biết “đi đâu về đâu” cũng là sự lạ. Khi nào tôi mới ra khỏi ao làng đây hở trời!
Hà Xuân Huỳnh