Đang cùng đồng đội thay mắt xích hỏng cho xe PT 76, Đại úy Nguyễn Bá Thiện, Đại đội Tăng 1 cho biết, đây chỉ là một trong rất nhiều sự cố mà xe tăng gặp phải trong quá trình hành quân huấn luyện. Với những sự cố như: hỏng mắt xích, hỏng đường cung cấp nhiên liệu, két mát, hệ thống làm mát,… các thành viên kíp xe phối hợp tự khắc phục tại chỗ. Nắm chắc được kỹ thuật, phát hiện và khắc phục kịp thời khi có sự cố xẩy ra , nhờ đó, những “con cưng” của tiểu đoàn luôn đảm bảo “sức khỏe” để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ từ diễn tập sẵn sàng chiến đấu cho đến cơ động cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
Những chiếc xe tăng luôn được bảo quản nghiêm ngặt, kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện xử lý hư hỏng
Với kinh nghiệm 24 năm làm “bác sĩ” xe tăng, Đại úy chuyên nghiệp Đoàn Mạnh Cường chỉ cần nghe những tiếng động, tiếng rung xóc lạ là cũng có thể bắt “bệnh” cho xe. “Bao nhiêu năm đi làm là bấy nhiêu năm gắn bó với những cỗ xe tăng của tiểu đoàn. Ngoài vận dụng những kiến thức chuyên ngành vào thực tế, mỗi lần khắc phục xong sự cố tôi đều trao đổi cùng đồng đội và ghi vào nhật ký để tích lũy thêm kinh nghiệm”, đại úy Cường chia sẻ. Đại úy Cường cho biết thêm, do cấu tạo phức tạp với nhiều bộ phận nên để mỗi chiếc xe hoạt động tốt mọi lúc, mọi nơi, đòi hỏi những người thợ phải nắm chắc nguyên lý hoạt động và tình trạng kỹ thuật của xe. Thường thì mỗi chiếc xe tăng phải có 6-7 người lính thợ theo dõi, chăm sóc và mỗi người chỉ đảm đương một hệ thống trên xe, như những bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, ngoài chuyên khoa của mình, mỗi người thợ đều biết nhiều việc để khi cần thiết có thể khắc phục ngay tại chỗ, hạn chế tối đa việc điều động thợ từ đơn vị.
Rời khu kỹ thuật của xe PT76, chúng tôi bắt gặp những lính thợ của xe M-113 mặt lấm lem bụi, trán đẫm mồ hôi đang chui vào gầm để kiểm tra và sơn lại xe. Với họ, mặt có lấm lem vì bụi, tay có chai sần vì suốt ngày làm việc với những “khối sắt khổng lồ” hay mồ hôi ướt đẫm lưng áo cũng chẳng ngại, chỉ ngại xe “dở chứng”. Sau khi kể về những thành tích của chiếc M – 113 cũng như những lần cùng đồng đội toát mồ hôi khắc phục sự cố trên đường cơ động, Đại úy Dương Minh Tuấn, Đại đội trưởng Đại đội Thiết giáp 2 phấn khởi giới thiệu về bộ kích nâng xích tháo bánh tì xe tăng – thiết giáp của Đại úy chuyên nghiệp Đặng Đôn Dũng, lái xe M – 113. Trước đây, quá trình thay thế bánh tì thường xuyên phải cắt mắt xích rất khó khăn, tốn rất nhiều thời gian và sức lực thì giờ đây với sự hỗ trợ của bộ vam chống xích kết hợp đầu kích chuyên dụng để tháo bánh tì được thực hiện đơn giản, nhanh gọn, đảm bảo an toàn. Không chỉ dễ sử dụng, tiết kiệm sức người, bộ kích còn sử dụng được cho nhiều loại xe tăng, xe thiết giáp bánh xích. Đây là một trong những sáng kiến đơn giản nhưng mang lại hiệu quả lớn, hỗ trợ rất nhiều cho những người lính thợ trong công việc. Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là một trong những điểm sáng của đơn vị. Những người lính thợ đã không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề. Nhờ thế, những người lính thợ vẫn xử lý tốt các sự cố khi trên thao trường hay bên ngoài doanh trại.
Trung tá Ngô Thế Hùng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 3 cho biết: Trải qua quá trình phục vụ chiến đấu, huấn luyện nhiều năm, tình trạng kỹ thuật của xe đã xuống cấp nhiều. Để đảm bảo cho xe tăng hoạt động đạt hiệu quả cao, đòi hỏi tình trạng kỹ thuật của xe phải hoàn chỉnh tuyệt đối. Do đó, đơn vị luôn chú trọng khâu bảo quản xe, thường xuyên lau chùi, kiểm tra để kịp thời phát hiện những sự cố thông thường, tránh những hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật của đơn vị đều được đào tạo chuyên ngành bài bản, có thâm niên kinh nghiệm trong việc sửa chữa các loại xe tăng, thiết giáp nên khi xảy ra sự cố có thể phối hợp để khắc phục tại chỗ, tiết kiệm được nhiều thời gian và kinh phí cho đơn vị.
Viết tiếp truyền thống vẻ vang của ngành tăng, bộ đội tăng thiết giáp hôm nay vẫn không hề ngại khó, ngại khổ để người và xe luôn sẵn sàng khi có nhiệm vụ.
Bài, ảnh: THANH THẢO