“Chị, lúc nào rảnh gửi bài thơ giúp em với”. Bạn nhắn với tôi như vậy. Bạn là cộng tác viên của báo, thường gửi nhờ tôi nộp bài giúp. Đối với tôi, bạn là người bạn, là đồng nghiệp gắn bó, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi cùng tôi qua những năm tháng tác nghiệp trên vùng cao A Lưới, trên nhiều “nẻo đường” xa xôi của các huyện Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền… Cách đây 6 năm, đối với tôi, bạn trở thành một cộng tác viên đặc biệt. Bạn không may mắc căn bệnh ung thư. Nhưng sau nỗi bàng hoàng và sợ hãi, bạn nhanh chóng lấy lại tinh thần. Vì để đảm bảo sức khỏe, bạn không còn “chinh chiến” đường xa, nhưng vẫn miệt mài với những trải nghiệm sâu lắng, để từ đó viết rất nhiều tản văn, truyện ngắn chan chứa cảm xúc về tình yêu con người, cuộc sống.
Khi sức khỏe tốt hơn, thỉnh thoảng bạn lại đồng hành cùng tôi trong những chuyến tác nghiệp xa, tích lũy thực tế và cảm xúc. Không ít lần tôi chứng kiến bạn tặng người khác những cử chỉ “nho nhỏ” nhưng ấm áp, khiến người đối diện nở nụ cười. Nhiều lúc tôi và những người xung quanh phải “đuổi theo” để “kịp” với tinh thần sống và kết quả làm việc của bạn. Tinh thần sống ấy cũng là sự khích lệ để tôi vượt qua những phút yếu đuối, nản lòng.
Mới đây bạn nhập viện, thực hiện ca mổ. Thật không may, diễn biến của căn bệnh khiến bạn phải chuẩn bị “bước vào” ca mổ tiếp theo, mà theo dự liệu của bác sĩ, ca mổ này phức tạp hơn, nguy hiểm hơn và có thể gặp nhiều biến chứng. Đang hơi bất ngờ bởi từ trước tới nay bạn chưa bao giờ làm thơ, tôi lại tiếp tục nhận tin nhắn: “Trước khi vào phòng mổ, sợ gây mê xong không hồi ức được, sợ không thể tỉnh lại nên em viết bài thơ dặn mọi người lúc đó nhớ gọi em dậy…”.
Tôi lập tức mở bài thơ, tít bài là “Hãy đánh thức tôi”. Tôi đọc một mạch những dòng thơ đầu tay trong cuộc đời bạn - những xúc cảm chân thật nhất tự đáy lòng, của một người chuẩn bị bước vào “cuộc chiến sinh tử” với bệnh tật - trân quý và khát khao cuộc sống. Nước mắt tôi cứ thế lặng lẽ tràn ra. “Hãy đánh thức tôi/Để tháng ngày trôi đi không cần lời hẹn…”.
Bất giác nhớ lại, những lúc lười biếng, từng không ít lần “lùi lại” hoặc để “trôi” luôn công việc mà lẽ ra mình phải thực hiện hoặc có những “ghi chú” cần góp tay giúp đỡ một số trường hợp người già cả neo đơn, bệnh tật ngặt nghèo…, từ lâu vẫn chưa thực hiện, tôi “giật mình”. Những khát khao của bạn, của những người mắc căn bệnh hiểm nghèo, phải “đối mặt” với sự mong manh sinh tử, là lời “nhắc nhở” quý giá đối với bản thân tôi và tất cả mọi người, phải biết trân quý quỹ thời gian cuộc đời. Việc hôm nay đừng hứa hẹn, đừng để đến ngày mai, nhất là những việc làm có ý nghĩa, có ích…
Quỳnh Anh