ClockThứ Bảy, 18/07/2020 11:29

Bánh gói lá đon của mạ

TTH - Những đợt giỗ kỵ hay những bữa cơm đoàn viên, lễ Tết, trên mâm cơm nhà chồng tôi không bao giờ thiếu những dĩa bánh gói Hương Cần (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) xanh mướt.

Bánh ít ngũ sắc - bắt mắt, dẻo thơmSắc màu bánh phất

Để có những mẻ bánh gói lá đon (từ địa phương, tên thường gọi là lá dong), mạ chồng tôi đã phải chuẩn bị từ một đến hai hôm trước mới kịp. Trong khu vườn nhỏ được mạ và ông nội chăm chút kỹ càng, từng đám lá đon mọc lên mơn mởn, phiến lá xanh và to một cách kiêu kỳ. Mạ đội nón ra vườn, tay cầm dao, thoăn thoắt cắt từng chiếc lá. Đủ lá rồi, mạ đem vào rửa thật sạch. Sau đó gọt bớt đường sống giữa của lá đon để dễ gấp khi gói bánh.

Bột bánh là một công đoạn cầu kỳ khi phải pha tỉ lệ bột gạo và bột lọc sao cho thật chuẩn, đạt độ mềm, dai và thơm khi bánh được hấp chín. Thêm vào đó, lượng nước cho vào cũng phải khéo để không bị đặc hoặc lỏng quá, dẫn đến thành phẩm kém ngon. Khuấy cái nồi bột cũng không khác gì “luyện công”, tay phải đều, phải dẻo để bột tơi, hòa quyện cùng nước cho ra chất bột sánh mịn, sền sệt vừa đủ.

Với nhân bánh, mạ sẽ đi chợ vào buổi sáng sớm, lựa những mẻ tôm sáo còn nhảy tanh tách vì thịt tôm sẽ ngọt, chắc, khi rim lên sẽ không bị teo lại. Với thịt heo, mạ lựa vạc vai heo để làm nhân bánh. Sau khi sơ chế, thịt heo được đem đi luộc, tôm thì xào chín rồi bóc vỏ. Tiếp đó, cả hai cùng được cho lên thớt vằm mịn. Xong đâu đó, mạ phi hành thơm nức, đổ tôm, thịt vào xào với “đồ màu”, thêm hành lá cho thơm và tăng sự bắt mắt của màu sắc.

Những ngày cả gia đình có đông đủ thành viên, tôi và bé em chồng sẽ ngồi gói bánh giúp mạ. Mạ bày tôi quét dầu lên lá, đặt bột ở đoạn nào trong lá đon, bỏ chừng nào nhân bánh là vừa, rồi vặn ba vòng đầu này, gấp đầu kia phiến lá sao cho chiếc bánh ra hình hài mái ngói. Vậy mới đúng chuẩn đẹp mắt và bánh chắc tay, không bị quấn lá trở ngược ra khi hấp. Bánh đã gói xong được mạ xếp ngăn nắp vào nồi đem đi hấp. Tôi hay quấn quanh mạ ở dưới bếp nên thường được ăn những cái bánh đầu tiên, vừa mới “ra lò”, còn nóng hôi hổi.

Cái lệ khi ăn bánh gói là phải dùng nước mắm ruốc ngon, dằm vô ít trái ớt xanh, đỏ cay cay và thơm nồng. Khi lần giở chiếc bánh gói, đầu tiên sẽ bắt gặp màu xanh nhạt của lá đon còn ươn ướt, nằm trên bề mặt bánh, sau đó là lớp bánh màu trắng, nhìn thấy được màu đỏ của tôm sáo vùng đầm phá, màu nâu trắng của thịt nạc mỡ đã được vằm vào nhau. Mùi thơm đặc trưng của lá đon trở dậy, xộc thẳng vào mũi kích thích khứu giác, tiếp đến là mùi thơm của bột và mùi bùi ngậy của nhân bánh. Trên bàn ăn, khi có bánh gói sẽ không bao giờ thiếu một đĩa thịt ba chỉ luộc vừa tới. Tôi thường không chấm bánh trực tiếp vào nước mắm, mà sau khi lột bánh bỏ vào chén sẽ gắp miếng thịt luộc rồi mới chấm nước mắm ruốc, sau đó, quét miếng thịt đó trải dài chiếc bánh để vị mặn mà, cay the vương đều trên bánh. Mỗi miếng bánh đưa vào miệng là vị mềm mịn của bột bánh hòa quyện vị béo ngậy của nhân bánh, thêm một chút mỡ màng của miếng thịt luộc và vị cay nồng của nước chấm.

Mỗi bận vợ chồng tôi trở vào Nam, mạ lại nhét thêm gói bánh vào hành lý. Ở xa quê, những khi hấp bánh ăn, chúng tôi lại như được nhìn thấy bụi lá đon phe phẩy trong gió trước hiên nhà, thấy bóng dáng mạ tất tả đi chợ, hì hục làm bột, làm nhân bánh. Tôi cũng không biết mạ đang gói những chiếc bánh nhỏ hay là gói ghém yêu thương vào trong ngọn lá đon màu xanh ngăn ngắt đó nữa!

PHƯỚC LY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top