Nhà ở ven sông...
Suốt thời thơ bé, hình ảnh bến nước sông quê nằm soải dài phơi mình trong nắng gió đồng nội đối với tôi có sức quyến rũ lạ kỳ. Ở khúc sông ấy, biết bao trưa hè nắng nóng, tụi con nít trong xóm chúng tôi thường trốn mẹ ra sông tắm mát, chỉ rứa thôi mà niềm hân hoan vỡ giòn như bọt nước. Cũng có khi, nước sông rửa sạch những lằn roi của trò nghịch dại, rồi tôi nhanh chóng quẹt nước mắt cười toe ngụp lặn cùng chúng bạn. Chúng tôi thích chơi đánh trận giả, chơi trốn tìm trên những tán si rậm rạp ven sông. Chơi chán thì nằm vắt vẻo trên những cành sung to hái quả chấm với muối ớt ăn ngon lành. Cái vị chan chát của sung hòa quyện với vị mặn của muối, vị cay của ớt không làm sao quên được. Có đứa ăn nhanh quá nghẹn cả cổ, nước mắt, nước mũi trào ra vội chạy xuống sông vục lấy nước uống ừng ực, vừa uống vừa ho sặc sụa, để rồi nhìn nhau ôm miệng cười khoái chí. Rong chơi dưới nắng hè gay gắt nên da đứa nào cũng đen sạm, vậy mà khúc sông quê những trưa về chẳng bao giờ vơi bớt tiếng cười trẻ nhỏ.
Bên bến sông quê, những sớm mai đầy nắng, thấp thoáng bóng mẹ, bóng chị ra sông giặt giũ. Mặt nước sông trong xanh và sạch, dân trong làng già trẻ, trai gái sau giờ đồng áng lại ra sông tắm giặt, chuyện trò rôm rả. Tất cả họ, từ trong vô thức vẫn coi nơi ấy là chốn sinh hoạt mang tính cộng đồng từ bao đời… Nơi đây, họ thủ thỉ tâm sự cùng nhau chuyện nhà cửa, chuyện xóm làng, sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn trong đời thường còn nhiều vất vả.
Nhớ những đêm trăng sáng, khi cây lúa bước vào thì làm đòng, đêm đêm, người dân quê tôi vẫn mang chiếc gàu sòng ra sông tát nước. Ánh trăng tròn vành vạnh tan loãng dưới lòng sông lấp loáng. Họ nhịp nhàng tay gàu múc nước mà tôi cứ ngỡ như đang “múc ánh trăng vàng đổ đi”. Cuộc sống thanh bần, đạm bạc, canh nông thuần chất êm ả giống như một bức tranh quê mộc mạc quá đỗi thân thương.
Thời gian trôi qua, tuổi thơ lớn dần theo năm tháng, dòng sông quê vẫn âm thầm chở nặng phù sa bồi đắp cho cánh đồng làng quê thêm trù phú, vẫn hiền hòa theo từng con nước nhưng dường như man mác nỗi buồn chi lạ. Ngày nay, hình ảnh gắn bó giữa con người với bến sông quê ít nhiều đã phai nhạt, bởi giờ đây nước sông cũng bị ô nhiễm, đa số người dân đã sử dụng nước máy để tắm và sinh hoạt hàng ngày. Bến nước bên sông vắng lặng, không còn in dấu chân của các bà, các chị, của con trẻ nô đùa. Hình ảnh chiếc thuyền neo đậu bến sông cũng dần biến mất, tất cả chỉ còn neo giữ trong giấc mơ vừa gần gũi vừa xa xôi...
Nguyệt Tú