ClockChủ Nhật, 30/06/2024 07:36

“Biệt dược đỏ” cứu người

TTH - Người thuộc nhóm máu hiếm chiếm tỷ lệ khoảng 0,04% - 0,07% dân số. Máu hiếm được ví như “biệt dược đỏ” phục vụ điều trị cho những ca bệnh “đặc biệt” mà không loại thuốc nào có thể thay thế được.

Tôn vinh người hiến nhóm máu hiếm Rh âmCho đi và không nhận lại

 Người mang nhóm máu hiếm luôn sẵn sàng tương trợ cộng đồng

Không quản ngày đêm

Mới đây, bệnh nhân (BN) Ngô V.T. (68 tuổi) ở TP. Huế bị viêm dạ dày, xuất huyết cấp tính vào Phòng Cấp cứu hồi sức, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Được chỉ định truyền hồng cầu khối, trong khi ông T. có nhóm máu O Rh (-). Nhận tin báo từ Trung tâm Huyết học truyền máu, 4 thành viên của câu lạc bộ (CLB) Nhóm máu hiếm tỉnh lập tức có mặt.

Chị Ngô Thị Quỳnh Trang, con gái ông T. xúc động: “Bác sĩ gọi vào cho biết ba thuộc nhóm máu hiếm, phải tìm người có nhóm máu tương đồng. Bốn anh chị em trong nhà khác nhóm máu với ba nên mọi người lo lắm. Sau anh trai quyết định đăng lên mạng xã hội tìm kiếm, may mắn được giới thiệu đến các anh chị CLB Nhóm máu hiếm Huế. Ơn trời, sau khi được truyền 4 đơn vị hồng cầu khối, giờ sức khỏe ba đã ổn định hơn. Gia đình chúng tôi rất biết ơn các anh chị không quản ngày nghỉ, vượt mấy chục cây số đến cho máu”.

Trong số bốn tình nguyện viên đến hiến máu hiếm cho ông T. có hai người ở Phong Điền. Tuy bộn bề công việc, nhưng họ đã vượt quãng đường hàng chục cây số đến BV từ sớm. Chị Trần Thị Diệu Ly ở Phong Sơn, Phong Điền tâm sự: “Lần nào nhận được thông tin mình cũng thu xếp tức tốc vào ngay, bởi cứu người là việc quan trọng. Mình đồng cảm và thấu hiểu với người bệnh có nhóm máu này, bởi bản thân đã trải qua tình cảnh như vậy”.

 Nữ thành viên nhóm máu hiếm đi hiến máu cứu người tại BVTW Huế

Được thành lập từ năm 2008, đến nay, CLB Nhóm máu hiếm ở tỉnh có gần 90 thành viên, trong đó 35-40 người thường xuyên hoạt động. Tuy khác nhau về công việc, độ tuổi nhưng mọi người luôn sẵn sàng hiến máu tương trợ người bệnh. Với họ, việc tiếp nhận các cuộc gọi đột xuất từ BV trở nên quá quen thuộc. Chị Mai Thị Điệp Uyên, nhóm máu O Rh (-) làm nghề kinh doanh ở Thủy Biều (TP. Huế) chia sẻ, rất vui và tự hào khi giúp đỡ mọi người. “Từng học y, thích đi hiến máu, vậy mà khi phát hiện mang trong người nhóm máu đặc biệt, mình đành chờ hỗ trợ cho những trường hợp khẩn cấp mà thôi. Có lần đi chơi ngoài nước khoáng nóng Thanh Tân với bạn, nhận điện thoại cần máu hiếm vậy là đành bỏ dở cuộc chơi, khẩn trương chạy vào BV cho kịp”.

Theo Hội Truyền máu Quốc tế (ISBT), có tới 43 hệ nhóm máu hồng cầu với 376 kháng nguyên khác nhau, đó là hệ ABO, hệ Rh, hệ Kell, hệ Kidd, hệ Lewis… nhưng quan trọng nhất là 2 hệ nhóm máu ABO và hệ Rhesus (Rh). Nếu người có kháng nguyên D trên hồng cầu được gọi là Rh dương tính (+), người không có kháng nguyên D trên hồng cầu gọi là Rh âm tính (-). Ở Việt Nam, người có nhóm máu Rh (-) rất ít gặp, thường được gọi là nhóm máu hiếm, chiếm tỷ lệ khoảng 0,04%-0,07% dân số. Không chỉ giúp đồng bào mình đến điều trị ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, CLB Nhóm máu hiếm Huế còn hiến máu kịp thời cấp cứu cho BN người nước ngoài.

Tháng 7/2023, BN Ian G.C. 80 tuổi người Australia có nhóm A Rh (-) bị xuất huyết đường tiêu hóa vào Khoa Hồi sức tích cực BV Quốc tế Trung ương Huế. Thành viên nhóm máu A Rh (-) không quản đêm hôm đến BV hiến máu. 5 đơn vị khối hồng cầu được truyền, giúp BN qua cơn nguy kịch. Tiếp đó, BN Ryan M. L. người Mỹ bị nhiễm trùng huyết phải truyền 6 đơn vị khối hồng cầu. Ông Ryan M. L. đi du lịch, tối về khách sạn có dấu hiệu khó thở và được đưa đến cấp cứu ở BVTW Huế. Rất may, nhờ nguồn chế phẩm máu dự trữ của Trung tâm Huyết học Truyền máu, BN được truyền hồng cầu và tiểu cầu kịp thời. Do lượng truyền nhóm máu O Rh (-) nhiều, Trung tâm phải vận động và kêu gọi các CLB hiến máu, trong đó có CLB Nhóm máu hiếm.

Cứu người - giúp mình

ThS.BSCKII. Bùi Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học Truyền máu BVTW Huế thông tin: “Đặc điểm của nhóm máu Rh (-) là có thể truyền máu cho người có nhóm máu Rh (+) hoặc Rh (-) nhưng chỉ nhận được từ người có nhóm máu Rh (-). Nếu người mang nhóm máu Rh (-) không được truyền cùng nhóm máu có thể dẫn đến những tai biến truyền máu”. Việc thành lập CLB những người thuộc nhóm máu này phục vụ điều trị là rất cần thiết. Đến nay, các thành viên đã hiến máu trên 500 lần, trong đó có nhiều lần hiến khẩn cấp tại cơ sở y tế. Nhiều người xem hiến máu như việc làm thường xuyên. Tại CLB Nhóm máu hiếm, các bác sĩ hướng dẫn thành viên cách chăm sóc, theo dõi sức khỏe, phát huy tinh thần tương thân tương ái khi cộng đồng cần máu điều trị.

Anh Nguyễn Khắc Tiến ở phường Kim Long, TP. Huế từng hiến máu và hiến tiểu cầu 10 lần. Anh nhớ mãi lần hiến cho một người nước ngoài từ Quảng Nam đến Huế do bệnh viện phía trong không có nhóm máu hiếm phục vụ điều trị. Nhận được cuộc gọi, 23h tối, anh Tiến xách xe chạy ngay đến BVTW Huế hiến tiểu cầu. Hiến xong, anh ngủ lại BV đến sáng mới về nhà. Biết mình nằm trong số ít người có nhóm máu này, anh tìm hiểu thêm thông tin nhằm xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt, chạy bộ, bơi lội để giữ gìn sức khỏe. “Những buổi sinh hoạt CLB giúp ích cho mình nâng cao nhận thức và có cơ hội giúp đỡ nhiều người khác trong mạng lưới cùng nhóm máu”, anh Tiến nói.

Trong buổi gặp gỡ các thành viên CLB mới đây, chúng tôi gặp chị em sinh đôi Hồ Thị Diệu Hương, Hồ Thị Diệu Hiền ở Lâm Đớt, A Lưới. Trong một lần hiến máu, các BS thông báo Hương thuộc nhóm máu hiếm nên cô gái Cơ Tu này rủ chị gái đi cùng xét nghiệm. Từ đó, hai chị em trở thành thành viên của CLB. Mang trong mình nhóm máu hiếm, Hương lo sợ trường hợp ốm đau khẩn cấp không có máu truyền. Lúc chuẩn bị sinh con, Hương phải xin chuyển về BVTW Huế để cán bộ y tế có thể theo dõi, xử lý nếu phát sinh tình huống khẩn cấp. “Những lần CLB họp mặt, chúng em đều hào hứng tham gia, kể cả khi tổ chức ở ngoại tỉnh. Hiểu biết kỹ, chăm sóc bản thân tốt, tránh nguy cơ tai nạn, bệnh tật; giảm yếu tố rủi ro chừng nào tốt chừng ấy. Vào CLB vừa hiến máu giúp người khác cũng vừa là cách giúp chính bản thân mình”, hai chị em trải lòng.

Anh Hoàng Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Chủ nhiệm CLB Nhóm máu hiếm tỉnh chia sẻ: “Thời gian qua, các thành viên hoạt động rất tích cực. Có những người hiến 10-15 lần và ở các huyện xa như Phú Lộc, Phong Điền. Đây là sân chơi giao lưu, gặp mặt, chia sẻ sâu hơn về nhóm máu hiếm. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường tìm kiếm, vận động người nhóm máu hiếm tham gia CLB nhằm quản lý và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đồng thời liên kết với CLB các nhóm máu hiếm trên toàn quốc mở rộng mạng lưới tương trợ nhau khi cần thiết”.

Tích cực, nỗ lực song những người mang trong mình “biệt dược đỏ” vẫn muốn kết nối, lan tỏa nhiều hơn để giúp ích cho cộng đồng. “Tập hợp 10 năm hiến máu tình nguyện 3 tỉnh miền Trung thì 100 nghìn người mới có 15 người thuộc nhóm máu hiếm. BVTW Huế là nơi điều trị bệnh nhân khắp cả nước nên rất cần nguồn máu. Hy vọng sẽ có đề tài nghiên cứu hoặc đề án triển khai xét nghiệm, điều tra phả hệ của những người có nhóm máu hiếm nhằm có thể huy động thêm số người có nhóm máu này phục vụ điều trị”, một thành viên kỳ cựu của CLB mong ước.

Linh Giang
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận gần 500 đơn vị máu

Sáng 8/12, Câu lạc bộ Ngân hàng Máu sống Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế tổ chức ngày hội hiến máu “Giọt hồng sẻ chia” lần I năm học 2024 - 2025. Đây là chương trình thường niên được câu lạc bộ tổ chức định kỳ mỗi năm hai lần, tiếp nhận bình quân 400 - 600 đơn vị máu từ các bạn tình nguyện viên.

Tiếp nhận gần 500 đơn vị máu
Hơn 220 cán bộ, công nhân ngành điện hiến máu tình nguyện

Ngày 2/12, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) phối hợp với Trung tâm Huyết học truyền máu bệnh viện Trung ương Huế tổ chức hiến máu tình nguyện trong khuôn khổ Tuần lễ hồng EVN lần thứ X, năm 2024.

Hơn 220 cán bộ, công nhân ngành điện hiến máu tình nguyện

TIN MỚI

Return to top