Chị Phong Lan (ở giữa) đang thu tiền của tiểu thương chợ Cầu Đất
Trả góp
Có tấm thẻ thông hành để bảo vệ sức khỏe có vẻ dễ dàng với người Huế, song đó là cả một quá trình “mưa dầm, thấm lâu”. Có thời điểm, các hội đoàn thể phát động phong trào mua thẻ BHYT tặng bà, tặng mẹ, tặng những người thân yêu… Chuyển sang mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, không ít người gặp khó khăn khi phải đóng tiền triệu để các thành viên trong gia đình đều có thẻ. Có người buông tay khi chẳng thể nào xoay xở. Từ đó, có rất nhiều cách làm hay vẫn còn duy trì ở các cấp hội phụ nữ, hội nông dân khi hội viên cho nhau mượn tiền mua thẻ BHYT.
Người ta sẵn sàng cho nhau mượn tiền hay lúa, gạo…miễn sao nhà nhà, người người đều có thẻ BHYT. Chính điều này tích lũy thói quen biết tiết kiệm, biết phòng xa cũng như chia sẻ những rủi ro bất trắc cùng cộng đồng trong khám, chữa bệnh. Có chi hội phụ nữ cho hội viên mượn 50% số tiền mua thẻ BHYT. Chi hội khác lại trích quỹ hội cho hội viện mượn. Hội LHPN phường Thủy Biểu (TP. Huế) đứng ra tín chấp với quỹ “Khuyến khích tự lập” tạo điều kiện cho hội viên vay vốn để mua thẻ BHYT và buôn bán nhỏ. Chị Nguyễn Thị Duyên ở tổ 17, phường Thủy Biều, bộc bạch: “Năm nào, tôi cũng vay 3 triệu đồng mua thẻ BHYT. Tôi mua thẻ cho 5 người, hết 2 triệu đồng. Số tiền còn lại, tôi mua máy làm hương, bỏ ống để gom góp trả lại vốn trước ngày 20 hàng tháng”.
Ở chợ Cầu Đất, phường Thuận Hòa (TP. Huế) có đến hơn 40 tiểu thương có thẻ BHYT nhờ cách trả góp. Họ đều buôn bán nhỏ, gia đình khó khăn, ước mơ có 3 – 4 cái thẻ BHYT trong nhà, yên tâm làm ăn khó lòng làm được. Hiểu nỗi lo thường trực ấy, chị Đoàn Thị Phong Lan, đang làm công việc thu thuế nhỏ của chợ Cầu Đất nghĩ ra cách mỗi ngày thu từ 5.000 đến 20.000 đồng/ngày để mua thẻ BHYT. Đúng thời hạn, chị Lan lại nối thẻ, những người nào đóng chưa đủ, chị Lan cho mượn. Chị Lan chia sẻ: Mấy năm trước, nhiều chị không mua BHYT nên khi đau ốm không còn vốn để buôn bán. Thế nên, khi họ bày tỏ nguyện vọng muốn được mua thẻ BHYT trả góp, tôi đồng ý ngay. Mất công một tý, vất vả một tý nhưng chính nhờ vậy, 100% tiểu thương ở chợ mới có thẻ BHYT.
Ở các vùng nông thôn, cách thức mua thẻ BHYT phong phú hơn. Chị em cho nhau mượn lúa, đậu xanh… bán đi để mua thẻ BHYT. Ở phường Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Hội LHPN phường phát động phong trào “Chị em nghèo bỏ heo đất mua thẻ BHYT”. Mọi người hưởng ứng tích cực, nhất là lao động làm phụ thợ nề, bán vé số, buôn bán nhỏ… Có chị đặt heo đất tại nhà, có chị lại để ở các chi hội, quanh năm suốt tháng cho “heo ăn’’ từ 2.000 đến 5.000/ngày. Vất vả nhất trong mua thẻ BHYT là những hộ dân làm nghề chài lưới. Sự cố môi trường khiến công việc làm ăn của họ bấp bênh, song, nhiều người vẫn có thể mua thẻ BHYT do thói quen tích cóp. Những lúc biển yên, gió lặng, đánh bắt trúng vụ, họ lại đến các tổ trưởng nhờ cất dùm một vài trăm, dành dụm đến kỳ mua thẻ BHYT.
Phòng thân
Toàn tỉnh có 258.250 người, (chiếm 28% tổng số người tham gia BHYT hộ gia đình. Con số khả quan đó nhờ xây dựng mạng lưới đại lý thu rộng khắp. Họ sẵn sàng tạo điều kiện để gia đình đông con mụa thẻ BHYT 3 tháng/ 6 tháng/ lần. Chị Giáp Thị Liễu, nhân viên đại lý thu ở xã Phong Sơn (Phong Điền), trải lòng: “Chúng tôi luôn có danh sách những hộ gia đình chưa tham gia BHYT để đến vận động. Lắm khi đi cả chục lần, bất kể buổi nào trong ngày để vận động, giải thích hay tháo gỡ khó khăn cho người dân. Tôi cứ lấy những trường hợp cụ thể, không có thẻ BHYT nên phải bán đất, cầm nhà… chữa bệnh, từ đó, người dân có ý thức chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Không có biện pháp tuyên truyền nào hiệu quả bằng tự bản thân người dân thông tin cho nhau bằng những đánh giá, nhận xét về chất lượng dịch vụ y tế mà chính bản thân họ đã bằng mắt thấy, tai nghe. Toàn tỉnh có 192 cơ sở khám chữa bệnh BHYT với nhiều kỹ thuật hiện đại. Mỗi năm có khoảng trên 2,2 triệu lượt người khám chữa bệnh; tỷ lệ sử dụng quỹ cả năm 2016 là 162%. Bệnh nhân Cao Thị Đằng đang điều trị bệnh ung bướu tại Bệnh viện T.Ư Huế chia sẻ: “Bệnh của tôi phát hiện kịp thời nên có thể sẽ ngăn chặn tế bào ung thư lây lan. Nếu không có thẻ BHYT tôi chỉ biết vái tứ phương, uống thuốc đông y chứ chẳng dám đến bệnh viện lớn để điều trị. Viện phí của tôi lên đến trên 100 triệu đồng, nếu không có BHYT chắc chắn tôi sẽ rơi vào hộ nghèo”.
Giá 1.800 dịch vụ y tế được điều chỉnh, vai trò thẻ BHYT trở nên quan trọng và cần thiết với người dân. Điều này tác động đến gần 7% số dân (70.000 người) chưa tham gia BHYT. Người chưa có thẻ BHYT chủ yếu rơi vào số lao động phổ thông, chủ quan khi có sức khỏe. So với khung viện phí hiện hành, nếu tự chi trả thì người dân có mức thu nhập trung bình chắc chắn gặp khó khăn trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính điều trị lâu dài.
Lộ trình khám chữa bệnh BHYT toàn dân đặt ra nhiều thách thức. Cần có sự đồng lòng giữa địa phương và cơ quan hữu quan để triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phấn đấu BHYT toàn dân đạt tỷ lệ bao phủ trên 98% trong giai đoạn 2016 – 2020.
Ông Hoàng Hữu Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế:
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Để tiến tới BHYT toàn dân, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng và củng cố hệ thống khám chữa bệnh từ tuyến xã đến tuyến tỉnh. Duy trì bác sĩ 100% phục vụ công tác khám chữa bệnh cũng như đầu tư các trang thiết bị hiện đại nên ở tuyến xã giải quyết gần 50% tổng số bệnh nhân điều trị ngoại trú. Các kỹ thuật chuyên sâu từng bước được nâng cao, đặc biệt, đội ngũ y, bác sĩ nâng cao tinh thần thái độ, đạo đức nghề nghiệp trong khám, chữa bệnh.
Ông Võ Khánh Bình, Giám đốc BHXH tỉnh:
Tăng cường giám sát đảm bảo quyền lợi cho người bệnh
Chúng tôi tiếp tục mở rộng đối tượng học sinh, hộ gia đình, nhất là lao động ở các doanh nghiệp hiện chiếm tỷ lệ nhỏ. Thủ tục hành chính trong khám bệnh và thanh toán viện phí sẽ được cải cách, giảm phiền hà cho người dân. Công tác giám định, kiểm tra, giám sát khám chữa bệnh và thanh toán chi phí sẽ được đẩy mạnh để những người có thẻ BHYT hưởng dịch vụ khám bệnh tốt nhất.
Bà Đặng Thị Ngọc Phượng, Đại lý thu BHYT phường Thuận Hòa (TP.Huế)
Không để hộ cận nghèo không mua thẻ BHYT
Hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 95% nhưng nhiều người vẫn không tham gia BHYT. Do tư tưởng ỷ lại và có hoàn cảnh khó khăn, đông con nên đối tượng này chưa mặn mà tham gia. Chủ trương của chính quyền địa phương vẫn là trích ngân sách để mua thẻ BHYT cho tất cả hộ cận nghèo trên địa bàn. Sau đó, các đại lý mới đến từng nhà để thu. Những hộ có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi tiếp tục vận động, hỗ trợ hộ cận nghèo mua thẻ BHYT, quyết tâm không để hộ cận nghèo không có thẻ BHYT bằng bất cứ lý do gì.
|
Bài, ảnh: THU HUẾ