ClockChủ Nhật, 29/10/2023 07:39

Bỏ quên “xóm lụt”

Giảm ngập lụt cho đường Nguyễn Hữu Cảnh

1. Gọi là “xóm Gióng” (phường An Tây, thành phố Huế) bởi xưa kia những người dân cư ngụ ở đây có nghề đi mây và “thắt gióng”. Còn ở cách nơi này cả chục cây số nhưng xóm Gióng lại là tuổi thơ của tôi. Không biết xưa ngoại tôi ở làng Thanh Thủy Thượng (Thủy Dương, Hương Thủy) làm ruộng giàu tới ngang mô mà có tiền mua luôn cả một khu vườn gần cả héc ta, vốn là khu vườn - biệt thự của một công chức cỡ bự thời Pháp, ở xóm Gióng này. Mạ kể, ngoại tôi dẫn mạ đi theo chung tiền đến mấy lần và lần nào cũng cả một túi tiền bạc Đông Dương to ứ hự.

 Cánh đồng Dương Phẩm bị chia cắt bởi đường sắt như một con đập chắn

Mệ ngoại tôi nổi tiếng sinh con “một bề” và vì thế, tôi có tới 7 dì. Giàu có với đất đai bạt ngàn mà không có con trai cũng “khó sống” với thân tộc nên ngoại quyết định cưới vợ hai cho “ôn”. Mệ kế sinh được được 2 cậu, còn mệ cũng cố gắng vẫn lại cứ đẻ ra… dì. Thế là đầu hàng, đời chẳng ngán chuyện chi chỉ kém là không biết đẻ con trai. Dì út tôi được đặt tên “Thôi” - thôi không thèm đẻ nữa. Mua khu vườn ở xóm Gióng này, ngoại tổ chức trồng trọt và sản xuất như một trang trại và rồi gả luôn một dì cho dượng tôi là cư dân chính gốc của xóm Gióng, rồi cho đất làm nhà luôn ở đây.

Tôi bắt đầu gắn bó với mảnh vườn ở xóm Gióng kể từ sau ngày giải phóng. Đất rẫy ở quê đưa hết vào HTX. Mạ tôi và mấy dì rủ nhau lên xóm Gióng. Đầu tiên là học thêm cái nghề “thắt gióng” của dì. Cạnh đó là tranh thủ trồng sắn, trồng khoai và các loại dưa, đậu. Không chỉ loanh quanh trong vườn của mệ mà mạ tôi và mấy dì còn xin đất ở ngoài cánh đồng Dương Phẩm, sát cạnh để trồng thêm hoa màu vào mùa hè khi lúa đã gặt xong. Tôi bấy giờ mới chỉ là học sinh lớp 6 cũng phải tham gia tăng gia sản xuất cùng mạ. Nhớ cứ vào mùa mưa này, sắn trồng chuẩn bị thu hoạch, gặp phải trận mưa to có gió lớn, đổ nghiêng ngả.

Tôi cũng bắt đầu thấm thía nỗi khổ úng ngập của vùng xóm Gióng nằm ngay sát thành phố này. Chỉ cần một trận mưa lớn là úng ngập. Nước chảy xiết băng qua vườn, qua nhà. Có khi chỉ vài chục phút nước đã lênh láng, đồ đạc thu dọn không kịp. Dì tôi bảo, xóm Gióng có kiểu lụt riêng - lụt nước khách. Dì giải thích, nước mưa từ trên cao, băng qua xóm Gióng, tìm ra đồng nhưng chảy không kịp nên gây ngập lụt. Nước lụt có khi chỉ vào nhà 1 - 2 tiếng đồng hồ nhưng đồ đạc ướt át, dọn dẹp cả tuần không xong. Mà đâu chỉ một vài lần, cứ lặp đi lặp lại suốt cả mùa mưa mới khổ.

2. Mãi đến tận cuối những năm 90 của thế kỷ trước, xóm Gióng vẫn vắng tanh. Cái vườn to của ngoại tôi bình yên, chưa thấy ai dòm ngó. Tôi có bà dì ruột đi biệt xứ từ sau ngày giải phóng, chừ làm ăn yên ổn nên tìm về thăm quê. Chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Tôi nghe mạ tôi cùng mấy dì thầm thì to nhỏ. Sự việc rồi cũng sáng tỏ, họ quyết định chia đất vườn mà ngoại tôi để lại và mạ tôi được hưởng gia tài là 300 mét vuông đất. Đó cũng là lúc mà đất ở xóm Gióng bắt đầu “thức giấc”. Ba người dì của tôi bán lại phần đất vừa nhận được cho một “cò đất”. Ông này đòi phải sổ đỏ và yêu cầu mỗi người nộp 3 triệu đồng để “chạy”. “Ăn theo” mấy dì, mạ tôi có được tấm thẻ đỏ tuy tốn kém nhưng không phải chạy tới chạy lui phiền toái.

Có được tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mấy dì cậu còn lại của tôi lần lượt bán. Bao nhiêu thứ cần tới, có người tranh thủ làm lại căn nhà cho đàng hoàng, có người chia tiền cho con và gửi ngân hàng kiếm lãi. Giá đất tăng chóng mặt, từ 20 triệu đồng lên 50 triệu đồng, rồi 90 triệu đồng chỉ trong vòng chưa đến 2 năm, tương đương chừng 300.000 đồng một mét vuông. Cuối cùng chỉ còn lại phần đất của mạ tôi được “quân sư” bởi tôi là vẫn “án binh bất động”. Mà cũng không yên, sức ép quá lớn, mạ tôi bắt đầu nghiêng ngả. Nhớ một chiều về làng, tôi thấy mạ bồn chồn “Thôi con cho mạ bán. Rồi mạ cho tiền”. Tôi nghe mà xót xa. Không còn cách nào khác, tôi đành quyết định vay tiền mua lại của mạ với giá 100 triệu đồng. Cái mảnh vườn của ngoại tôi thế là xong, chia năm và xẻ bảy. Cả cái xóm Gióng cũng vậy, nhà cửa được dựng lên san sát. Thoáng chốc, cánh đồng làng Dương Phẩm rộng cả mấy chục ha mất tiêu.

Xóm Gióng đô thị hóa đầy trăn trở với bao nghịch lý. Những con đường xóm, đường thôn bé tý và ngoằn nghèo còn sình lầy hay được đổ vội bê tông nay được đặt tên hoành tráng: Nguyễn Hữu Cảnh hay Dương Thiệu Tước và chi chi đó nữa. Nghịch lý là, nhà cửa mọc lên dày đặc thế kia trong bối cảnh xóm Gióng lại nằm trong vùng quy hoạch, đầu tiên là của Đại học Huế, rồi đến của một doanh nghiệp nào đó thuộc loại có máu mặt. Nhớ có lần tôi ghé thăm dì tôi “tọ vẹ”, rằng ngay trong khu vườn của ngoại là ngã ba, rồi chợ nằm ở góc này, đường mở ở góc kia. Tôi nghe mà rầu đến rụng tóc. Nghe lời dì và cũng làm theo với cả xóm, tôi mua cau, ổi và một số cây về trồng để hy vọng nếu bị quy hoạch thì bòn lại chút đỉnh tiền đền bù.

3. Hàng cau tôi trồng qua loa cũng còn lại được dăm ba cây và cũng ra trái cả chục năm rồi. Thế nhưng, dự án này nọ thì chẳng thấy đâu và đất cứ vậy “vẫn treo”. Mạ xót của, cứ mãi xuýt xoa, đã bảo để mạ bán đi, chừ phải “ôm đất”, khổ chưa. Tôi nhìn ra xung quanh, ngay trong khuôn viên vườn ngoại tôi dù đang quy hoạch nhà cửa vẫn cứ tiếp tục “mọc lên”, có người xây nhà trọ cho thuê có đến hàng chục phòng, nằm chen chúc, lối đi vào chỉ là con đường mòn bé tý. Mảnh đất của tôi còn lại, nằm lọt thỏm giữa rừng nhà, rao bán mãi mà chẳng ai mua bởi… vướng quy hoạch. Thật bất ngờ, cách nay chừng 7 năm lại có người hỏi mua. Họ tìm đến tận nhà đòi đặt cọc với cái giá xem chừng chấp nhận được. Thế nhưng, nhìn cái cách họ muốn mua cho bằng được, vợ chồng bán tính bán nghi. Đem chuyện trao đổi với cậu em vợ làm ở ngành tài chính, tôi nhận được lời khuyên, hay anh chị mạnh dạn làm đơn hỏi nhà đất xem sao. Thì ra, đất xóm Gióng của tôi đã được gỡ quy hoạch mấy năm rồi (!?).

Cũng kể từ đó, mảnh đất của tôi được hỏi mua tới tấp. Giá cả thay đổi chóng mặt và cuối cùng tôi cũng bán được, tuy rằng không vui khi sau đó giá cả lại tiếp tục tăng cao, tính ra thiệt cả bạc tỷ. Tay mua đất của tôi là một nậu đất, đặt cọc xong là tiến hành phân thành 4 lô nhỏ, không cần sang tên cứ thế bán lại ngay 2 lô, mỗi lô lời hơn 100 triệu đồng. Vợ chồng tôi xót của cũng phải đứng ra ký giấy bán giúp hắn. Đã vậy, ghé về thăm dì, lại nghe mẹ con dì chê “dốt”, bán chi mà dại rứa. Vợ tôi bảo, có lẽ mình và mảnh đất không hợp duyên, bởi lâu nay cứ xem nó như của nợ nên đất “hờn”, không cho lộc nhiều.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không tài nào lý giải được, vì sao người ta lại đổ xô mua đất, làm nhà ở xóm Gióng này. Xóm Gióng giờ đây với cả cánh đồng Dương Phẩm dày đặc nhà cửa mà cơ sở hạ tầng vẫn tạm xem là con số 0 tròn trĩnh. Cách nay chừng 5 năm, chú em con dì hăm hở báo tin đường Nguyễn Hữu Cảnh được mở rộng. Thời gian cứ trôi đi. Dân số cơ học gia tăng đến chóng mặt. Nhà cửa mọc lên san sát. Dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Cảnh thì vẫn còn phải chờ, không biết đến bao giờ. Cái khổ triền miên là ngập lụt thì lại ngày càng trầm trọng hơn. Không đâu xa, những ngày mưa lớn vào đầu tháng 10 này, cái tên xóm Gióng - Nguyễn Hữu Cảnh là từ khóa nổi bật ở các trang báo điện tử và các facebook với những thông tin về ngập úng.

Chuyện rằng, hơn 100 năm trước con đường sắt đi ngang qua cánh đồng Dương Phẩm. Nó như một con đập ngăn chia xóm Gióng với bên ngoài. Hàng chục năm sau đó, cánh đồng nhỏ này vẫn tồn tại và xóm Gióng yên tĩnh và có phần cô lập nhưng không quá lo âu nỗi lo chạy lụt khi mùa mưa đến. Khác với bây giờ, cánh đồng nhỏ mất đi đã thay vào đó những khu nhà ở chằng chịt, nhếch nhác và bí rị. Đô thị hóa tự phát đã đánh mất cánh đồng chứa nước tự nhiên nhưng lại không bù lại một hệ thống thoát nước tương xứng và một quy hoạch hiện đại nên xóm Gióng và cả làng Dương Phẩm dường như bị bỏ quên lộn xộn, bẩn thỉu  và nhếch nhác. Để rồi khi mùa lũ lụt về, nó lại được nhắc tới với cái tên “xóm lụt” ngay trong lòng phố thị mới đáng buồn làm sao!

Bài, ảnh: Đan Thục
ĐÁNH GIÁ
4.3
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Xóm lụt” giữa lòng phố biển

Dù mang tiếng là khu quy hoạch đấu giá đất, hạ tầng được đầu tư nhưng ở Thuận An (TP. Huế) nhiều khu dân cư đường không có hệ thống thoát nước, “cốt” nền thấp, xuống cấp khiến người dân phải lội bì bõm cả tháng trời sau mưa lũ.

“Xóm lụt” giữa lòng phố biển
Gần 700 người tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng

Lúc 9 giờ sáng 27/6, tại tiểu khu 91, tổ dân phố 10, phường An Tây (TP. Huế) người dân và chính quyền địa phương phát hiện một đám cháy lớn bùng phát dữ dội, đe dọa nhiều diện tích cây keo, tràm và rừng thông thuộc khu vực Di tích Lịch sử Chín Hầm, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân...

Gần 700 người tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng

TIN MỚI

Return to top