ClockThứ Sáu, 24/11/2023 11:23

“Xóm lụt” giữa lòng phố biển

TTH - Dù mang tiếng là khu quy hoạch đấu giá đất, hạ tầng được đầu tư nhưng ở Thuận An (TP. Huế) nhiều khu dân cư đường không có hệ thống thoát nước, “cốt” nền thấp, xuống cấp khiến người dân phải lội bì bõm cả tháng trời sau mưa lũ.

Bỏ quên “xóm lụt”Sống trong vùng thấp trũngGiảm ngập lụt cho đường Nguyễn Hữu Cảnh

 Khu quy hoạch dân cư ở Thuận An luôn bị nước bủa vây cả tháng trời sau mưa lũ

Bộ mặt đô thị “phố” biển Thuận An trở nên nhếch nhác trong thời gian qua do hạ tầng xuống cấp, “cốt” nền nhiều khu quy hoạch thấp khiến nước mưa, nước từ đầm phá tràn vào không thoát ra được. Thêm vào đó, hệ thống thoát nước không có hoặc có nhưng bị vùi lấp, mặt đường xuống cấp khiến hàng trăm hộ dân, học sinh các trường học trên địa bàn phải “bì bõm” lội nước cả tháng trời sau các cơn mưa lớn.

Theo UBND phường Thuận An, địa phương này có tổng cộng 27 tuyến đường chính, trong đó có nhiều tuyến đường hệ thống thoát nước đã xuống cấp, bị vùi lấp và nhiều tuyến đường còn đất cấp phối gây khó khăn đi lại cho người dân.

Đặc biệt, một số tuyến nằm trong khu quy hoạch đấu giá đất trước đây như Tân Mỹ, 7A, 7B, giờ đã trở thành khu dân cư với hàng trăm hộ dân đến ở lại có “cốt” nền thấp, không có hệ thống thoát nước mặt, dẫn đến ngập lụt kéo dài. Người dân gọi khu vực này là “xóm lụt”. Trong khu vực còn có 2 trường học (THCS Phú Tân và THPT Thuận An) và Phòng khám Đa khoa Thuận An với hàng nghìn học sinh, người dân thường xuyên đi lại nên việc khu quy hoạch ngập nước khiến đời sống người dân gặp khó khăn, đối diện với dịch bệnh.

Ôn Bùi Văn Nam, một người dân sống ở đường Đoàn Trực (phường Thuận An, TP. Huế) cho biết, chưa thấy khu quy hoạch nào mà nền đường, hạ tầng thấp như thế này. Ở đây đã nhiều năm nhưng hễ cứ đến mùa mưa, đặc biệt sau các trận lụt là các tuyến đường đều ngập. Ngập không chỉ một vài ngày mà “ngâm” cả tháng trời, do nước không có đường thoát. Người dân đi lại rất khó khăn, đặc biệt là các cháu nhỏ đi học phải đối diện với nguy hiểm.

Tương tự, với hơn 1.400 học sinh, thầy trò Trường THPT Thuận An hàng năm đến mùa mưa bão phải bì bõm trong nước lũ. Hệ thống cơ sở vật chất của trường cũng hư hỏng, xuống cấp theo từng năm mưa bão. Hiệu trưởng Trường THPT Thuận An, ông Đoàn Trần Bảo Phước cho biết, trường có cốt nền thấp cộng với việc xây dựng hạ tầng xung quanh đã lấp hết cống, ao hồ và đường thoát nước tự nhiên trước đây nên hễ đến mùa mưa, đặc biệt sau các trận lũ, trường thường ngập sâu từ 10-15 ngày, để nước rút hết có khi cả tháng. Mặc dù sau lụt mặt đường Quốc lộ 49 đã khô ráo nhưng nước mặt trong trường vẫn có không lối thoát. Việc thường xuyên bị ngập lụt khiến việc dạy và học của trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân khu vực các khu quy hoạch bị ngập là do có cốt nền thấp, khu vực thấp trũng gần khu nuôi trồng thủy sản, nhưng các lối thoát trước đây đều bị chủ các hồ nuôi trồng thủy sản nằm phía ngoài đầm phá đắp cao đê, chặn lại nên không thể thoát ra được. Trong khi đó, diện tích đất nuôi trồng thủy sản này chủ yếu do UBND phường quản lý và cho thuê.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đặng Hoài Thương, Công chức Địa chính - Xây dựng phường Thuận An cho rằng, việc các chủ hồ nuôi trồng thủy sản đắp đê, chặn lối thoát nước trong khu vực cũng chỉ là một trong các nguyên nhân gây ngập nước ở các khu quy hoạch mà thôi. Chủ yếu do hạ tầng xuống cấp, các khu quy hoạch bán đấu giá trước đây (thời điểm đó Thuận An chưa sáp nhập vào TP. Huế) được đầu tư hạ tầng không đồng bộ, sơ sài và rất ít tuyến đường được đầu tư hệ thống thoát nước. Dẫn đến khi có mưa, lũ lụt là cả khu vực bị ngập trong thời gian dài.

Sau khi sáp nhập vào TP. Huế, UBND phường Thuận An đã nhiều lần có các văn bản gửi Phòng Quản lý đô thị TP. Huế đề xuất kiểm tra, nêu rõ những bất cập các vị trí kết cấu hạ tầng trên địa bàn phường. Theo đó, hiện nay các tuyến đường như Đoàn Trực, Hoàng Sa, đường vào Phòng khám Đa khoa Thuận An có “cốt” nền đường thấp và không có hệ thống thoát nước nên thường hay bị ứ đọng vào mùa mưa bão. Mặt đường ở đây cũng xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng tạo nhiều ổ voi, ổ gà gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Các khu quy hoạch Tân Mỹ, Tân Dương, 7A - 7B chưa có hệ thống thoát nước, hệ thống điện, cấp nước nên người dân tự bỏ kinh phí để lắp đặt; kết cấu mặt đường đất cấp phối, “cốt” đường thấp nên thường hay bị ứ đọng nước dài ngày ảnh hưởng việc đi lại.

Ngoài ra, hệ thống thoát nước tuyến đường như Kinh Dương Vương, Tư Vinh, Nguyễn Lữ, Thai Dương… bị mất nắp đậy họng thu nước, bồi lấp. Từ khi xây dựng đến nay chưa tiến hành tổ chức tu bổ, nạo vét nên hầu hết các tuyến đường bị ứ đọng, không thoát nước ổn định khi mùa mưa bão.

“Phường đã đề xuất Phòng Quản lý đô thị TP. Huế kiến nghị các cấp chính quyền đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, mặt đường các tuyến Đoàn Trực, Hoàng Sa, phòng khám đa khoa để tránh tình trạng ngập lụt trong khu vực. Quan tâm khảo sát tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng tại các khu quy hoạch để chỉnh trang đô thị và ổn định cuộc sống người dân. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu vực trên địa bàn nhằm tạo bộ mặt đô thị cho phường. Đồng thời, có phương án xin phép sớm đấu nối các tuyến đường nội thị và đường trung tâm hành chính với Quốc lộ 49 để các phương tiện lưu thông thuận lợi và tránh lãng phí đầu tư”, ông Thương cho biết thêm.

Phường Thuận An đề xuất Ban An toàn giao thông thành phố khảo sát, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, biển báo tại đoạn ngã tư cầu mới (đường Nguyễn Lữ giao với đường Hoàng Quang và Trương Thiều), ngã tư Trấn Hải Thành giao đường Lê Sỹ, đoạn đi qua chợ Phú Tân… để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông, hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên địa bàn.
Bài, ảnh: Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ quên “xóm lụt”

Gọi là “xóm Gióng” (phường An Tây, thành phố Huế) bởi xưa kia những người dân cư ngụ ở đây có nghề đi mây và “thắt gióng”.

Bỏ quên “xóm lụt”
Xứ Huế thu nhỏ giữa lòng Budapest

Ngay giữa lòng Thủ đô của Hungary, nơi cách Việt Nam hơn 8.700km, có một xứ Huế thu nhỏ được tạo nên bởi chị Nguyễn Phương Thảo, người con Cố đô xa xứ đã gần 40 năm.

Xứ Huế thu nhỏ giữa lòng Budapest

TIN MỚI

Return to top