ClockThứ Ba, 06/08/2024 17:50

Tín hiệu vui từ phiên chợ vùng cao

TTH - Không chỉ tôi mà những người tham gia kháng chiến trước đây đều biết những rẫy lúa của bà con Tà Ôi và ít nhiều đã được ăn cơm gạo mới.

“Phiên chợ vùng cao” tại TP. Huế đạt doanh số hơn 250 triệu đồng 24 đơn vị tham gia phiên chợ vùng cao tại TP. HuếTổ chức các phiên chợ vùng cao gắn với sản phẩm OCOP

 Nếp Cuchah cùng gạo Radư tại “Phiên chợ vùng cao” ở Huế

Do phải “trường kỳ" chung sống với rau rừng, sắn, bắp…, nên để cải thiện bữa ăn, chúng tôi thường lấy quần áo rồi tìm vào các bản đổi một ít thực phẩm, chủ yếu là gạo. Thỉnh thoảng, chúng tôi dùng đồng hồ đeo tay, radio để đổi heo, gà. Heo thời ấy được đo bằng gang tay.

Sau ngày hòa bình, tôi nhiều lần trở lại A Lưới. Dù đã được tái định cư nhưng tập quán canh tác "phát, đốt, cốt, trỉa" của bà con dân tộc Tà Ôi vẫn tái diễn. Mãi mươi năm trở lại đây, nhờ các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tích cực vận động, hỗ trợ “xóa đói giảm nghèo”, nên cuộc sống của bà con thay đổi.

Tôi rất mừng khi biết giống lúa rẫy quý được Trường đại học Nông Lâm Huế giúp phục tráng và sản phẩm gạo Radư đã thâm nhập thị trường, dù sản lượng chưa nhiều.

Nhưng có một loại mà trước đây tôi đã từng ăn, nhưng không biết tên và không phân biệt được nó là gạo hay nếp. Chỉ nhớ nó có màu tím nhạt, dù để nguội nhưng cơm không cứng…, đặc điểm khá phù hợp với mô tả của nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong in trong cuốn “Tết Aza cổ truyền của người Tà Ôi ở Việt Nam”. Gạo Cu Puáh: Hạt màu tím, tròn, có đuôi dài 1-2cm.

Cùng với Radư, Trừi, Pinhe, A Lia, Tu lục, Cu Puáh là một trong sáu giống lúa quý mà bà con Tà Ôi canh tác ở rẫy. Nhưng vì chỉ trồng một vụ nên năng suất thấp, sản lượng không nhiều. Còn nếp, cũng theo Trần Nguyễn Khánh Phong có các loại: Aham, Cuchah và Cuhom… Do không có mô tả nên tôi chỉ biết vậy.

Biết tôi đang tìm loại gạo cần tìm, Trần Nguyễn Khánh Phong nhắn “Anh ghé phiên chợ vùng cao xem ở đó có bán không?”.

Đúng chiều 27/7 tôi tìm đến phiên chợ này - nằm ở đường Lê Lợi thuộc khu vực phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Tuy chưa được quảng bá rộng rãi, nhưng nhờ nằm ở vị trí thuận lợi, sạch sẽ nên người mua kẻ bán vui như hội.

Trong 24 gian hàng, bà con Nam Đông, A Lưới chủ yếu bày bán các lâm, thổ sản đặc trưng, trong đó có gạo. Gạo được đóng trong túi nilon với trọng lượng từ 1 đến 5kg. Điều này chứng minh đời sống của đồng bào Tà Ôi đã khác xưa. Từ tự sản tự tiêu nay đã có hàng hóa trao đổi. Chỉ vào bịch gạo có màu tím, tôi hỏi cô gái bán hàng “Đây có phải là gạo Cu Puáh không?”.

Có lẽ do tôi phát âm không chuẩn nên cô ấy hỏi tiếp một chị lớn tuổi. Chị ấy lắc đầu.

Thế là tôi liền giấy bút, đề nghị cô gái bán hàng có tên Lê Thị Thu Huế, trú tại 18 A Sáp, thị trấn A Lưới ghi tên của nó. Cô ấy ghi như sau: “Gạo Ka Chah (nếp than).

Đối chiếu với tên mà Trần Nguyễn Khánh Phong ghi trong sách: “Nếp Cuchah”, tôi hỏi lại: "Tên nào đúng?", thì được trả lời: "Tên nào cũng đúng cả. Nó là dòng gạo rẫy cả".

Sau hơn nửa thế kỷ nhờ có “Phiên chợ vùng cao” này tôi mới có dịp tìm lại và thưởng thức hương vị xưa, đó là nếp Cuchah thơm, mềm và đặc biệt ăn không “ớn”.

Để Cuchah trở thành thương hiệu, tôi chỉ mong A Lưới sớm thống nhất tên gọi, tránh rơi vào tình cảnh “tên nào cũng đúng”. Trong bao bì cũng ghi rõ trọng lượng, xuất xứ, hạn sử dụng…

Đã hội nhập cần tôn trọng quy luật thị trường.

Bài, ảnh: Phạm Hữu Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Mẹ Lành" của học trò vùng cao

Hai từ “mẹ Lành” thân thương được nhiều trẻ gọi cô Mai Thị Mộng Lành (Trường mầm non Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) không phải tự nhiên mà có. Ngoài giờ trên lớp, cô giáo Lành còn dành thời gian đến nhà thăm hỏi gia đình của các cháu. Đến buổi chiều vào giờ tan trường, có những trẻ mà ba mẹ đi làm rẫy chưa kịp về, cô Lành lại chở các cháu về nhà. Dù đường bản đi lại còn nhiều khó khăn, nhưng không làm khó được cô giáo dáng người nhỏ nhắn.

Mẹ Lành của học trò vùng cao
Trẻ em vùng cao vượt qua định kiến giới

Sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai các hoạt động của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc học tập của trẻ em, nhất là trẻ em gái được quan tâm hơn. Điều đó đã góp phần ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bất bình đẳng giới.

Trẻ em vùng cao vượt qua định kiến giới
Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao

A Lưới là huyện miền núi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ vào lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cụ thể từ tỉnh và huyện đã giúp người dân nơi đây áp dụng các mô hình kinh tế bền vững, từ đó cải thiện đáng kể đời sống.

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao
Return to top