ClockThứ Tư, 06/09/2023 07:28

Buồn, vui “tượng người”

TTH - “Nhân tượng” được hiểu nôm na là người hóa trang giống một nhân vật nào đó rồi đứng bất động hàng giờ. Thở thật khẽ và hầu như không có dấu hiệu nào của sự sống, bởi, càng giống bức tượng vô tri sẽ khiến khán giả thích thú ủng hộ. Lắm lúc, họ cũng bị cấu véo, xúc phạm… mà chỉ có người trong nghề mới thấu.

Tượng gỗ kể chuyện văn hóa Cơ Tu

 Nhân tượng được người xem tán thưởng, ủng hộ

Thần thái như… tượng

Năm 2017, giới trẻ háo hức đến tuyến phố Tây vừa mới khai trương, chỉ để được check-in với "tượng sống". Tôi vẫn ấn tượng mãi hình ảnh chàng sinh viên lãng tử đội mũ phớt, ôm đàn ghi ta khá ngầu, xuất hiện hàng giờ trên phố. Nhân tượng lạ, đẹp, nghệ thuật đã thu hút sự tò mò của du khách. Nhiều người cứ vô tư ôm vai, bá cổ để… chụp hình. Bất ngờ thấy tượng chớp mắt mới xin lỗi rối rít, xuýt xoa, té ra nãy giờ đang ôm người thật.

Giờ thì nhân tượng xuất hiện nhiều hơn ở các tuyến phố đi bộ, thu hút từ già, trẻ đến xem khi tạo hình khá bắt mắt. Mỗi người có một phong cách ăn mặc, tạo dáng khác nhau, tùy theo nhân vật mà mình thể hiện. Để “hóa tượng”, chị T.T.V. phải bỏ thời gian từ 3-4 tiếng mỗi ngày, tập các động tác “trơ như đá”, sau đó vẽ sơn lên cơ thể tùy theo ý tưởng. Thậm chí, cả những vùng nhạy cảm như mắt, môi, tóc, tai… cũng được bôi trét một cách khéo léo và cẩn thận, để biến toàn bộ cơ thể một con người bình thường thành một bức tượng.

Màu dành để vẽ nhân tượng là một loại riêng, có thể bám lên mặt da nhưng không bị dính chặt. Cũng theo tiết lộ của nhiều nhân tượng, nếu sử dụng loại màu kém chất lượng, rất khó rửa và hóa chất trong sơn sẽ gây ảnh hưởng đến da. Yêu cầu cơ bản khi làm nhân tượng, da không bị mẫn cảm với các loại sơn, hóa chất nếu không họ sẽ bị ngứa ngáy, mẩn đỏ và không thể đứng yên. Một nhân tượng tên T.V.S. bật mí, không có một lò luyện, đào tạo nhân tượng ngoài niềm đam mê tự tìm tòi để tạc tượng cho mình. Muốn có nhân tượng đẹp, ngoại hình dễ nhìn là điều hiển nhiên nhưng cần phải có gu thẩm mỹ tốt để thể hiện chính xác nhân vật mà mình hóa thân.

Vẫn biết đây là một công việc tự do, không có người kiểm soát, nhưng nhân tượng luôn tuân thủ những tiêu chí nghiêm ngặt đặt ra trong nghề. Họ thường hướng ánh mắt nhìn thẳng về phía trước, tập trung vào một vật tĩnh cụ thể để giữ trạng thái “cứng đơ” trong khoảng thời gian dài. Quan trọng nhất, là sự kiềm chế cảm xúc nên lắm lúc kiến cắn, muỗi đốt họ cũng... không cử động.

Nói vậy, nhưng mỗi nhân tượng luôn có những “ngón nghề” riêng để tạo ấn tượng. Có khi họ đổi tư thế hay xoay người cám ơn du khách bằng những động tác điêu luyện diễn ra trong tích tắc khiến mọi người bất ngờ, thích thú. “Nhân tượng không có nghĩa là đứng bất động như tượng, mà đôi khi phải chuyển động phù hợp với nhân vật, để thu hút thêm sự chú ý của mọi người và có sự giao lưu, gắn kết với khách xem...”, chị R. chia sẻ. Cũng theo chị R. làm nhân tượng cũng có những trải nghiệm thú vị khi rèn luyện sự tự tin, phản ứng nhanh với các tình huống bất ngờ…

Quan sát ở phố đi bộ Hai Bà Trưng, nơi có hai nhân tượng nam đang biểu diễn, lúc nào cũng đông khách đến chụp ảnh. Nhiều người cho rằng, đây là một loại hình nghệ thuật đường phố, nên việc ủng hộ một ít tiền khi đến đây xem là hợp lý so với công sức mà các nhân tượng bỏ ra.

Nhưng biết buồn

Nghề làm nhân tượng không còn xa lạ với giới trẻ, nhưng nghề này đòi hỏi khắt khe nên không phải ai cũng có thể trụ vững. Nhớ có lần tôi đọc trên facebook của một sinh viên khoa mỹ thuật, bạn viết, mình và nhóm bạn rất thích làm người mẫu, nhất là làm những nhân tượng phục vụ ở một số đia điểm vui chơi, giải trí. Từ việc lên ý tưởng tạo hình, hóa thân thành nhân vật đến rèn luyện sức khỏe, tiết chế cảm xúc đã được cả nhóm vạch ra. Nhưng cuối cùng thất bại chỉ sau 3 tháng, bởi nhân tượng đòi hỏi phải có thể lực tốt, không chỉ đứng hàng giờ mà còn giữ được thần thái như… tượng. Vì lẽ đó, nhân tượng ở Huế đếm trên đầu ngón tay và thay đổi người liên tục.

Cũng gần 11h đêm, các nhân tượng bắt đầu dọn dẹp đồ nghề để về nhà. Tôi thực sự ái ngại khi trò chuyện với anh S. vì trông anh khá mệt mỏi sau 4 giờ đồng hồ làm tượng. “Vẫn biết nghề mô thì nghiệp nấy nhưng đứng lâu, trọng lực dồn vào hai gót chân, mỗi khi về nằm ngủ là tôi đau nhức, rồi mỏi cổ, hư tóc, da khô. Nhiều khi màu dính quá chặt, tắm cả tiếng vẫn không hết, phải để nhiều ngày mới phai dần. Với anh S. lường trước và chấp nhận bệnh nghề nghiệp khi phải đứng lâu, vì đó là niềm đam mê nên không muốn bỏ cuộc. Khi tôi hỏi thu nhập hàng ngày anh S. nói khẽ, tùy hảo tâm của mọi người, có chừng mô, tốt chừng nấy, đêm mô đông khách chụp ảnh thì thu nhập cũng được khoảng 100.000 đồng/đêm.

Đứng hàng giờ bất động như pho tượng mặc nhiều người qua lại, nhìn ngắm, thậm chí sờ soạng không phải ai cũng làm được, nhất là phái nữ. Thế nên, điều mà nhân tượng lo nhất, vẫn là tình trạng quấy rối của người xem. Mới đây, tôi đã xem clip của chị H.T.B. một nhân tượng đứng ở cầu Gỗ Lim. Câu chuyện được chị kể lại trên mạng xã hội, nhận sự quan tâm từ mọi người. Chị đã bị một người đàn ông lợi dụng sự bất động khi đang diễn để ngắt, nhéo đến đau đớn, tệ hơn là đụng chạm vào phần nhạy cảm trên cơ thể chị. Lần đầu tiên, tôi thấy nhân tượng nghẹn ngào khóc và thấy mình cay cay ở sống mũi khi mưu sinh chân chính lại đang bị xem nhẹ, xúc phạm.

Không thể phủ nhận giá trị của nghề nhân tượng đối với cuộc sống. Nó được coi như một thứ nghệ thuật truyền cảm hứng cho mọi người. Và lẽ đó, nhiều nhân tượng chỉ mong muốn giản đơn, được tôn trọng và bảo vệ… để họ được sống với niềm đam mê của mình. 

Bài, ảnh: An Nhiên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nói có sách…”

Một số nhân vật lịch sử liên quan đến Huế cũng bị xuyên tạc dẫn đến hiểu sai trong thời gian dài, điển hình là Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân.

“Nói có sách…”

TIN MỚI

Return to top