Bán thức ăn cho cá là cách kinh doanh khác của các quán cà phê cá koi
Cá cũng có “giấy khai sinh”
Tôi bỗng trở nên thích ngồi ngắm cá koi thư giãn cuối tuần hoặc mỗi lúc căng thẳng, kể từ khi ông chồng trở thành “nhà cá koi học”. Không chỉ thường xuyên đưa cả gia đình đến quán cà phê cá koi mỗi khi rảnh, ông còn đầu tư xây hồ, mua cá, chăm cá rồi mua bán, trao đổi, trở thành thành viên hội cá koi… Ông ghiền cá koi đến mức, ngoài công việc ra, chỉ quan tâm đến cá koi đến độ có bận quên đón con. Ban đầu tôi cũng khó chịu ra mặt nhưng thấy không thay đổi được gì nên bắt đầu tìm hiểu cá koi và cũng dần đam mê, dù chưa thể đạt đến “trình đọc tên” của tất cả loài cá.
Cá koi có rất nhiều dòng, nhưng tựu trung lại là loài cá chép có 2 màu chủ đạo là đỏ và trắng. Sau này, quá trình chọn lọc sinh sản và lai tạo giống thì dòng cá này có thêm nhiều màu khác nhau, nên người ta thường gọi là cá chép nhiều màu sắc hoặc cá koi. Về xuất xứ giống cá này thì có tài liệu cho rằng ở Nhật Bản, song ở Trung Quốc, Pháp cũng có dòng cá koi riêng. Do đó, chọn dòng nào là tùy sở thích của mỗi người, tuy nhiên, theo khảo sát thì các quán cà phê và người dân Huế đa số yêu thích dòng cá koi Nhật Bản và Việt Nam.
Cá koi Nhật thường được bán kèm "Giấy khai sinh"
Anh Huy, chủ một quán cà phê cá koi trên địa bàn thông tin, dòng cá Nhật rất khó chăm sóc, giá lại “khá chát”, một con size (kích cỡ) từ 30-40cm tầm giá từ 4-10 triệu đồng, tùy “body” (hình dáng) và màu sắc. Size lớn hơn có con giá tầm vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Trên mạng xã hội, có một số loài đặc biệt có giá tiền tỷ, song anh cho rằng chỉ xem và chưa thấy tận mắt nên không chắc về con số bán mua.
Do đặc tính khó chăm sóc, và giá thành cao nên khá nhiều quán cà phê chọn cá koi giống Việt để kinh doanh quán cà phê. Dòng cá này vừa dễ chăm sóc, chi phí thức ăn không nhiều và giá thu mua đầu vào dễ chấp nhận. Một hồ tầm trung, nếu đầu tư cá koi Việt chỉ vài chục triệu đồng, song nếu là cá koi Nhật thì con số đó ít nhất là gấp đôi, gấp ba. Thế nên không khó để thấy, gần như các quán cà phê trên địa bàn đa số là cá koi Việt. Chỉ một số ít quán như quán cà phê Koizora ở đường Lý Nam Đế (TP. Huế), bởi như đã nêu, dòng cá này không chỉ chi phí đầu vào cao mà quá trình chăm sóc rất kỳ công và tốn kém.
Chỉ riêng tên gọi thôi thì dòng cá koi nói chung có khi khiến tôi “loạn não”. Thường thì chúng được gọi tên theo dòng và màu sắc. Theo đó, có 8 loại nhóm cá đi kèm với đặc tính màu sắc khác nhau, gồm: màu trắng pha đỏ là Kohaku, trắng pha đỏ đen là Showa Sanke, đen pha trắng: Shiro Utsuri, bạch kim hoặc vàng kim: Kinginin, trắng mà trên đỉnh đầu có một vòng tròn đỏ: Tancho (tượng trưng cho Quốc kỳ của Nhật Bản) nên dòng cá này thường có giá khá đắt nếu là giống thuần chủng Nhật.
Hiện nay, không riêng gì Nhật Bản mà các nước châu Âu, châu Á cũng biết cách lai tạo giống cá koi, tuy nhiên nói về vẻ đẹp thuần khiết và các mảng màu chung, độ đậm của màu sắc đơn thì khó sánh được với cá koi thuần chủng của Nhật. Thế nên, dòng cá koi thuần chủng Nhật luôn có giá cao nhất và không khó để thấy, khi mua giống cá này, người ta thường bán kèm một tờ giấy “khai sinh” ghi đầy đủ thông tin về màu sắc, kích thước, giới tính, số tháng tuổi… bằng tiếng Nhật. Vì những đặc tính đó nên đa số những quán cà phê cá koi được đầu tư ngoài thị hiếu của thị trường còn chủ yếu là vì đam mê của chủ.
Đam mê & hút khách
Về đầu tư, công phu và có phần tốn kém phải kể đến quán cà phê Koizora ở đường Lý Nam Đế. Không chỉ hồ có diện tích lớn, hệ thống lọc tốt mà các dòng cá ở đây đa phần có kích thước lớn, tầm size 40cm trở lên, trong đó có nhiều con thuần chủng Nhật. Tiếp đến là quán cà phê Đồng Tâm ở đường An Dương Vương. Quán này địa thế khá thuận lợi khi nằm trên trục Quốc lộ 1 qua Thừa Thiên Huế lại kinh doanh cùng bánh ngọt, bánh mì, tiện thể cho khách uống cà phê ăn sáng nhanh gọn. Thế nên, muốn có chỗ ngồi ưng ý cạnh hồ cá koi, bạn phải đi sớm tầm từ 7 giờ đến 7h30. Muộn hơn đành phải ngồi phía trong hoặc trên tầng. Nhưng thế thì cơ hội ngắm cá phải đợi dịp khác.
Ngoài ra, một số quán cà phê cá koi khác trên địa bàn TP. Huế cũng hút khách như King’s Garden ở đường Trần Nguyên Đán, Vườn Tùng (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm)…
Điểm chung của các quán cà phê cá koi là đều kinh doanh thêm thức ăn cá để bán cho khách hàng. Những vị phụ huynh có con nhỏ sẽ không tiếc mà rút hầu bao mua cho con vài bì thức ăn để cháu trải nghiệm cho cá ăn và cảm giác vui thích được cá “mút tay”, bởi mức giá không đến mức phải suy nghĩ, chỉ 5.000 đồng/bì. Cách này giúp chủ quán sớm lấy lại tiền mua thức ăn, thậm chí là cá, khi mà mỗi kg thức ăn loại rẻ tầm từ vài chục ngàn đồng. Sau khi phân lẻ bán cho khách, vừa khỏi lo cá đói vừa kiếm được nguồn thu gấp 5-7 lần.
Thế nên, những người có đam mê và kể cả chưa đam mê vẫn thích ngồi thư giãn ở không gian thoáng đãng của những quán cà phê cá koi. Hơn nữa, qua khảo sát, giá các loại thức uống ở những quán cà phê này cũng phù hợp, không cao hơn các quán cà phê có view đẹp, với cà phê đen rang xay tầm từ 12-15 ngàn đồng, cà phê sữa từ 15-20 ngàn đồng, các loại nước ép từ 20-30 ngàn đồng… Mức giá đó, phù hợp với lựa chọn của những gia đình trẻ nên cà phê cá koi lúc nào cũng kín chỗ, nhất là dịp cuối tuần. Nhờ thế, các quán cà phê cá koi luôn có “chỗ đứng” trong “làng cà phê” muôn sắc của Huế.
Bài, ảnh: HỒNG TÂM