Tôi ngồi uống ly cà phê gói ngoài ban công, thay cho việc ra quán như thường khi vào buổi sáng và lướt xem những thông tin mới nhất vừa được cập nhật trên các trang báo mạng. Chưa khi nào những con số nhảy lên mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi phút lại mang đến cảm giác sợ hãi đến như vậy. Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh… giờ đã được điểm tin bằng số ca nhiễm, con số tử vong và những nỗi lo cũng kinh khủng không kém về tình trạng thiếu cơ sở, phương tiện để tiếp nhận ca bệnh. Là sự lựa chọn khó khăn giữa việc sẽ chữa trị cho ai, ai sẽ được dùng máy trợ thở. Là sự vật vã của các y bác sĩ trong các bệnh viện và sự thiếu hụt trầm trọng đến cả nước rửa tay khô, khẩu trang y tế và cả quần áo chống khuẩn chuyên dụng…
Giữa khi mà các đồng nghiệp của tôi gác lại việc nhà để tác nghiệp về diễn biến của COVID-19 ở nơi đang điều trị cho mấy ca bệnh, ở các khu cách ly tập trung trên địa bàn, đưa đến cho bạn đọc những thông tin mới nhất, tin cậy nhất về sự chỉ đạo của tỉnh để bằng mọi cách, hạn chế đến mức thấp nhất có thể sự lây lan cho cộng đồng… thì ở những địa bàn mà tình hình “nước sôi lửa bỏng” hơn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các đồng nghiệp khác của tôi cũng đang vừa tự phòng vệ, vừa bám sát diễn tiến và liên tục update diễn tiến trên mọi phương diện. Đồng thời, cùng với cả hệ thống, nhắc nhở, cảnh báo người dân các biện pháp cần thiết để phòng dịch. Hôm qua đồng nghiệp khác từ Hà Nội cho hay, anh và các bạn mình đang tự cách ly ở nhà vì đã đến thăm một người ốm ở Bệnh viện Bạch Mai trong quãng thời gian vừa được khuyến cáo. Đó cũng là cách để bảo vệ đồng đội, gia đình, người thân và cộng đồng.
Những điều anh nói trong group trên zalo làm tôi nghĩ đến tâm sự của Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng – người hiện đang ở trong tâm dịch – trên trang của Zing.vn, rằng mặc dù số ca bệnh từ đây đang tăng lên, nhưng mọi người ở đó chưa một ai tỏ ra sợ lây bệnh và họ không chùn bước. Cũng không thấy mình đơn độc. Đó cũng là cách và sự hỗ trợ lớn lao mà các y bác sĩ, nhân viên điều dưỡng ở Bệnh viện TW Huế cơ sở 2 - nơi đang điều trị cho mấy ca dương tính với SARS-CoV-2 nhận được trong những ngày đứng ở “đầu sóng”. Trên hết, là tinh thần ứng trực quả cảm của những người lính áo trắng.
Liên tục trên các kênh thông tin những ngày này là thông điệp được gửi đi “Chúng tôi ở đây vì các bạn. Các bạn ở nhà vì chúng tôi!”. Thế nên cà phê gói, thức ăn mang về, hạn chế ra đường, tụ tập đông người… có là gì so với những vất vả và cả rủi ro nữa với những người đang ứng trực, không chỉ ở trên lĩnh vực y tế mà các cả ở các điểm tiếp nhận, khu vực cách ly, tuyến biên giới…
Điều mà tôi muốn nói, là không chỉ cầm lấy và mang về những món hàng thường ngày, mỗi người nên chọn một cách nào đó như đóng góp một khoản tiền nhỏ, một lốc khẩu trang, nước rửa tay và nhiều thứ cần thiết khác nữa cho những nơi đang rất thiếu và rất cần. Như cách chúng ta trao đi một chút ân tình để những ai đó, có thể cầm lấy và mang đi trong những ngày khẩn trương với dịch bệnh này.
An Bình