ClockThứ Sáu, 27/03/2020 14:25

Ngày đầu vắng cà phê Huế

TTH.VN - Ngày 26/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế họp và quyết định: Từ 26/3, kêu gọi mọi người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà. Khi buộc phải ra ngoài thì phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2m; người dân hạn chế tụ tập đông người (từ 10 người trở lên).

Cà phê “định danh”, tạo sự khác biệtĐóng quán cà phê, kêu gọi người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà

Phố đi bộ dọc sông Hương vắng lặng

Trước đó tỉnh đã đóng cửa các điểm vui chơi giải trí, nay thống nhất tạm dừng tất cả các quán cà phê, du lịch cộng đồng để hạn chế nguồn lây nhiễm…

Tinh thần chỉ đạo của tỉnh có hiệu lực ngay lập tức. Sáng 27/3, gần như tất cả các quán cà phê, giải khát đồng loạt đóng cửa.

Dọc đường Lê Lợi, quán cà phê “TET” nằm ở khu vực giữa hai khách sạn lớn là Khách sạn Hương Giang và Khách sạn Century vốn thu hút hàng trăm người mỗi buổi sáng giờ đóng cửa im lìm. Vỉa hè trước đây nhộn nhịp giờ cũng không bóng người, chỏng chơ 2 chiếc xích lô nằm chờ.

Khu Phố đi bộ Huế, từ hôm 7/3 sau khi phát hiện ca nữ du khách người Anh (66 tuổi) dương tính với COVID- 19, bên trong "phố Tây" và các điểm du lịch, công viên và đường phố Huế đã vắng lặng, hàng loạt cửa hàng đóng cửa sớm. Nay càng vắng hơn.

Bờ sông Hương, dọc cầu gỗ lim trải dài trong vắng lặng, chỉ lác đác vài bà mẹ dắt con đi dạo. Nắng có dịp phơi mình trên từng thanh gỗ. Một kỳ nghỉ thật sự của con đường, dù có thể nó không cần nghỉ.

Dãy quán cà phê dọc phố Nguyễn Đình Chiều chỉ năm ba người đi thể dục buổi sáng còn ngồi lại trên vài chiếc ghế trong quán. Các nhóm đam mê chiêm ngưỡng sông Hương sau khi tiếp nhận thông tin đã... tự cách ly ở nhà.

Ở vỉa hè những cung đường vắng, như Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan… thi thoảng còn sót lại đôi chỗ chưa nhận thông tin, vẫn còn gắng bán vài li, khách là đôi ba cô cậu học sinh, sinh viên, với điện thoại cầm tay, và câu chuyện có lẽ là gặp để nghe giọng nhau cho đỡ nhớ. Trên đường Trương Định, chỗ trước đây là bàn cà phê, nay thấy hai người đàn ông râu tóc đang ngồi đánh cờ.

Trên facebook, mọi người nhắc nhau, không có việc gì thì không ra đường làm gì: “Chịu khó hai tuần cho qua đợt cao điểm đi”. Lan truyền trên facebook tấm ảnh ghi nhận một toán cảnh sát Philippines đứng trước một chiếc ô tô tải có dòng chữ: “Stay home or stay here” và mũi tên chỉ lên trên trần xe, và ở đó, đặt sẵn một chiếc quan tài trắng. Trên xe cũng cảnh báo “COVID-19 is real” (COVID 19 là có thực).

Cũng lan truyền trên facebook một clip cảnh sát Ấn Độ cầm đùi đánh thật đau một người đàn ông trái lệnh cấm ra đường, đạp xe trên cung đường vắng. Nhìn không thể không bật cười. Song đó là lời nhắc nhở đã trở nên quen thuộc cả tháng nay: “Yêu tổ quốc yêu đồng bào/ Ở chỗ nào ở yên chỗ ấy”…

Nhưng thèm cà phê thì sao? Đang có trend các “nàng” học sinh bị cấm túc ở nhà làm cà phê Dalgona. Công thức thật đơn giản: cà phê gói, đường đánh thành kem, sau đó đặt lên cốc sữa tươi. Vừa ngon, vừa có cảm giác đang thưởng thức một thức uống trên quê hương Hàn Quốc của Huấn luyện viên Park Hang Seo.

Dù sao đi nữa, dẫu đang những ngày cao điểm mùa dịch COVID-19, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Người ta sống và thấy cuộc đời quả rất mong manh. Và từ đó, yêu quý cuộc sống đang hiện hữu này hơn.

Bài, ảnh: Thanh Ngọc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trung tâm Anh ngữ quốc tế EUC-Huế đóng cửa:
Cơ quan chức năng sớm vào cuộc bảo vệ quyền lợi người học

Như Thừa Thiên Huế Online đã thông tin vào ngày 19/6, Trung tâm Anh ngữ quốc tế EUC (Huế), thuộc Công ty TNHH Viện Đào tạo Ngôn ngữ Quốc tế AB tại (địa chỉ Tầng 7, toà nhà Viettel, 11 Lý Thường Kiệt, TP. Huế) đã thu tiền học phí nhưng bất ngờ đóng cửa.

Cơ quan chức năng sớm vào cuộc bảo vệ quyền lợi người học
Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top