ClockThứ Sáu, 30/10/2020 07:30

Cần đảm bảo kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

TTH - Trong 5 năm, Thừa Thiên Huế đã dự phòng cho hơn 400 người nhiễm HIV và từ đó, hàng năm tiết kiệm cho xã hội hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, trong những năm tới, hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, nhu cầu về tài chính sẽ ngày càng tăng hơn.

Tiếp tục điều trị HIV/AIDS trong tình hình dịch COVID-19 mớiCần mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV/AIDS

Tuy không phải là địa phương có tình hình xã hội phức tạp, nhưng Thừa Thiên Huế tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng số bệnh nhân HIV/AIDS. Xu hướng và nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng nói chung và các nhóm có hành vi nguy cơ cao ở Thừa Thiên Huế liên quan đến nhiều nguyên nhân. Dễ nhận thấy nhất nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao do người nhiễm và người có nguy cơ nhiễm cao lo ngại bị phân biệt đối xử nên không tiết lộ tình trạng nhiễm, cũng như không muốn xét nghiệm sàng lọc để biết tình trạng nhiễm. Bên cạnh đó, nhiều người dân đi làm ăn xa, không có điều kiện tiếp cận với chương trình phòng chống HIV/AIDS nên hiểu biết về HIV còn hạn chế, khả năng lây nhiễm cao.

Thêm nữa, do khó khăn trong việc tuyển đồng đẳng viên, nên tỷ lệ các nhóm đối tượng nguy cơ cao, như phụ nữ bán dâm, người nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới được tiếp cận các chương trình phòng chống HIV/AIDS thấp. Đặc biệt, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới ngày càng tăng, dù họ có nền tảng kiến thức tốt. Hiện nay, số lượng người có quan hệ tình dục đồng giới nam trong các trường đại học tăng cao và rất khó tiếp cận. Đây thực sự là thách thức rất lớn đối với công tác phòng chống HIV/AIDS tại địa phương.

Cập nhật thông tin phòng, chống HIV/AIDS cho tình nguyện viên

Theo ông Lê Hữu Sơn, Phó Trưởng phụ trách Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay công tác phòng, chống HIV/AIDS có nhiều khó khăn, từ công tác dự phòng HIV/AIDS, giám sát dịch tễ học, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị toàn diện HIV/AIDS, cho đến việc nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS. Đội ngũ phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên thay đổi và kiêm nhiệm nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý điều hành chương trình. Hàng năm phải tổ chức đào tạo mới và đào tạo lại về chuyên môn cho mạng lưới. Trong khi đó, mức độ đáp ứng nhu cầu kinh phí cho các hoạt động trong thời gian qua chỉ đạt 49% tổng số tiền nhu cầu là 120,605 tỷ đồng. Để thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, vấn đề tài chính cần được tập trung quan tâm nhiều hơn.

Cần sự chung tay từ nhiều nguồn

Để dễ hình dung sự thiếu hụt kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ông Lê Hữu Sơn lấy minh chứng: Đối với hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, chi phí bình quân cho mỗi đầu người phải đạt mức bình quân 20.000 đồng/năm/người mới đảm bảo tác động hiệu quả, nhưng năm cao nhất thì chúng ta cũng mới chỉ đạt mức 1.000 đồng/người. Việc triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại cần phải có đồng đẳng viên tham gia mới tiếp cận đối tượng đích. Nhưng những năm qua, chi phụ cấp cho các đồng đẳng viên chỉ ở mức 500.000 đồng/tháng, nên không khuyến khích được các nhóm này hoạt động tốt.

Hiện nay, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm còn phổ biến nên các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ của chương trình còn rất hạn chế. Việc không tiếp cận được đối tượng có hành vi nguy cơ cao, đồng nghĩa với việc sẽ làm tăng đối tượng nhiễm HIV trong cộng đồng.

Theo kết quả tính toán, từ năm 2014 đến nay, chúng ta đã dự phòng cho hơn 400 người nhiễm mới và ngăn chặn được 115 người tử vong do AIDS. Chương trình can thiệp giảm tác hại cho nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới ngày càng tăng cường. Hơn 50% đối tượng có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận với chương trình và được xét nghiệm sàng lọc, 300 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị, 70% phụ nữ bán dâm được xét nghiệm sàng lọc. Nếu các chương trình không được đảm bảo tài chính để triển khai thực hiện, thì hàng năm phải chi thêm ít nhất 2 tỷ đồng điều trị cho 400 trường hợp người nhiễm mới, chưa kể các chi phí liên quan khác như người chăm sóc, thu nhập gia đình giảm... Tương tự, kết quả của việc điều trị methadone với gần 300 người, đã giúp cho xã hội tiết kiệm hàng năm ít nhất 22 tỷ đồng.

Hiện nay, các cơ quan chức năng của Thừa Thiên Huế đang xây dựng kế hoạch đảm bảo tài chính cho kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Để giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS một cách hiệu quả, Thừa Thiên Huế đặt ra các mục tiêu cụ thể, như: nâng tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 85%, nâng tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95%, nâng tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95% và loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con…

“Để đảm bảo được mục tiêu chiến lược đến năm 2030 chấm dứt bệnh AIDS, thì nhu cầu tài chính cần đảm bảo khoảng 138 tỷ đồng. Biết rằng, ngân sách địa phương đảm bảo hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thiết yếu trên địa bàn, nhưng theo tính toán của chúng tôi tại thời điểm này, khả năng đáp ứng chỉ mới đạt mức dưới 60%. Do vậy, cần phải huy động thêm từ các nguồn khác, như: ngân sách trung ương, quỹ bảo hiểm y tế, xã hội hóa và các doanh nghiệp...”, ông Lê Hữu Sơn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo hành lang pháp lý để đổi mới hoạt động HĐND các cấp

Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã tạo hành lang pháp lý cho HĐND các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.

Tạo hành lang pháp lý để đổi mới hoạt động HĐND các cấp
Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Return to top