Các cháu nhỏ khi tắm biển cần sự quan tâm, quản lý của phụ huynh (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch UBND xã Quảng Công (Quảng Điền), ông Nguyễn Hữu Truyền nhận định, với những vùng ven biển, đầm phá có nhiều ao hồ nuôi tôm, cá như Quảng Công tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước ở trẻ em, thậm chí cả người lớn nếu bất cẩn. Ở Quảng Công nhiều năm qua cũng từng xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm. Từ đầu mùa hè, khi các em học sinh bắt đầu nghỉ học, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động và cảnh báo đến học sinh và phụ huynh nêu cao cảnh giác.
Tại các xã vùng biển như Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Vinh Thanh, Phú Diên, Phú Thuận, Thuận An (Phú Vang)… đã thực hiện việc cắm cờ, thả phao, cắm các biển báo để cảnh báo các khu vực tắm nguy hiểm tại các bãi biển, sông, ao hồ, đầm phá...
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận chia sẻ, sự cố chết đuối thương tâm của sinh viên Trường đại học Khoa học-Đại học Huế mới đây là điều đáng tiếc. Nguyên nhân một phần do chủ quan của khách tắm, phần khác thuộc về trách nhiệm của lực lượng cứu hộ, cứu nạn bãi tắm. Rút kinh nghiệm, lực lượng này phải làm việc có trách nhiệm hơn, thường xuyên tổ chức kiểm tra tại các khu vực nguy hiểm và tuần tra, nhắc nhở khách trong quá trình tắm biển.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An (Phú Vang) đánh giá, mặc dù nhiều năm qua làm tốt công tác quản lý, bảo vệ du khách, nhưng ban quản lý bãi tắm Thuận An vẫn không chủ quan. Việc quản lý, bảo vệ du khách, con em, học sinh trong mùa hè là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó một phần của ban quản lý, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của bãi tắm và phải kể đến vai trò của các bậc phụ huynh.
Một lớp dạy bơi cho học sinh ở Quảng Điền (Ảnh tư liệu)
Từ đầu mùa hè, chính quyền các địa phương, ban quản lý bãi tắm tăng cường tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để du khách, người dân chủ động phòng chống đuối nước cho mọi người. Thị trấn phối hợp với các ngành và địa phương liên quan thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, cá nhân tổ chức dịch vụ tại các bãi biển đầu tư các trang thiết bị cứu đuối, sơ cấp cứu. Đồng thời bố trí lực lượng ứng trực tại các bãi biển thường xuyên có học sinh, du khách vui chơi, tắm biển.
Các xã ven biển và đầm phá Phú Lộc, Phong Điền… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước đối với các em học sinh khi tắm sông, tắm biển. Nơi đây còn có nhiều ao hồ nuôi trồng thủy sản là mối nguy đối với các em nhỏ, học sinh. Tại hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới có nhiều khe suối, một số nơi có hố nước sâu luôn đe dọa tính mạng các em học sinh, cháu nhỏ khi đến tắm.
Theo Sở Du lịch, ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương, ban quản lý các bãi tắm, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã cảnh báo đến du khách, các em học sinh về ý thức và mức độ an toàn khi tham gia tắm, bơi lội tại các bãi biển, sông, hồ, đầm phá; hướng dẫn các tình huống xử lý, cứu nạn, cứu đuối và sơ cấp cứu khi xảy ra tai nạn.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh - Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu các địa phương, ban ngành đặc biệt chú ý đến việc quản lý con em, học sinh khi tắm sông, tắm biển trong kỳ nghỉ hè, vui chơi gần các ao hồ. Tại các bãi tắm, sông đầm phải có biển báo khu vực cấm, khu vực được phép tắm, có đầy đủ các trang thiết bị, áo phao, thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra tại các bãi tắm, nếu phát hiện tình trạng lơ là, không trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn cần có biện pháp xử lý nghiêm…
Bài, ảnh: Hoàng Triều