Thời gian qua, lợi dụng tình hình phức tạp và khó lường của dịch COVID-19, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý các sai phạm của một số cán bộ, đảng viên…, các đối tượng phản động đã tăng cường hoạt động chống phá công tác chống dịch, bôi nhọ Đảng và Nhà nước trên không gian ảo, chủ yếu là các nền tảng mạng xã hội.
Lợi dụng đặc tính mạng xã hội có sự lan tỏa cao, dễ tung các thông tin thiếu kiểm chứng, các đối tượng sử dụng những phương thức và thủ đoạn tinh vi để tiêm nhiễm tư tưởng phản động vào một bộ phận người dân, trong đó đặc biệt là giới trẻ, những người dễ tiếp cận cái mới, nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm và nhận thức các vấn đề chính trị - xã hội.
Mạng xã hội đang là môi trường lý tưởng để những kẻ phản động lưu vong, những phần tử chống đối sử dụng để đổi trắng thay đen. Chúng dùng tin giả, thổi phồng những tin tức tiêu cực để tạo ra sự bất mãn, rồi từ sự bất mãn kêu gọi những người trẻ dễ bị kích động tham gia các cuộc biểu tình trên không gian mạng. Những cuộc biểu tình online đã xuất hiện nhiều lần trong năm qua, đặc biệt là trong các sự kiện quan trọng của đất nước. Không quá khó để nhận ra sự tiếp tay rất chặt chẽ của các thế lực phản động bên ngoài với những đối tượng phản động chống phá trong nước trong các hoạt động này.
Cái gọi là biểu tình trên không gian mạng là hình thức kêu gọi thay đổi biểu tượng trên trang mạng cá nhân, đặt hashtag, đồng loạt nhấn like hay ký tên qua mạng để ủng hộ một nội dung chống đối được soạn sẵn, để tất cả tài khoản của người dùng mạng xã hội như đang khoác chung "sắc phục", cùng tham gia một phong trào. Chiêu bài này được các tổ chức phản động liên tục sử dụng trong thời gian qua, trước các sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt trong các dịp lễ lớn.
Phương thức trực tuyến này đã lôi kéo hàng trăm lượt người tham gia hội luận theo các chủ đề được đưa ra. Người dùng thoải mái bình luận, bày tỏ quan điểm cá nhân của mình nhưng thiếu đi sự kiểm chứng thông tin về các vấn đề đã được cắt ghép, xuyên tạc. Một số người còn tiếp sức trực tuyến cho các cuộc biểu tình bằng cách gắn thẻ bạn bè của họ vào những bài đăng ủng hộ. Phần lớn trong số này là những tài khoản ảo, được lập ra để có thể ẩn danh dễ dàng trên không gian mạng, khó có thể truy cứu trách nhiệm.
Bên cạnh việc kích động giới trẻ tham gia biểu tình online, điều đặc biệt nguy hiểm còn ở chỗ, thông qua ghi danh, ký tên, thay đổi biểu tượng, các thế lực thù địch sẽ thu thập thông tin cá nhân sau đó tiếp tục mua chuộc, kích động, biến người trẻ trở thành công cụ để thực hiện mưu đồ bất chính. Mục tiêu lâu dài là tập hợp lực lượng để tổ chức các phong trào, làm suy yếu, lật đổ chính quyền trong tương lai.
Việt Nam có trên 68 triệu dân sử dụng internet – chiếm hơn 70% dân số. Trong số này, tỷ lệ người trẻ từ 15-34 tuổi đang sử dụng mạng xã hội chiếm tới 71%. Các thế lực phản động đã lợi dụng điều này để lôi kéo người trẻ vào những cái bẫy nguy hiểm đã giăng sẵn. Do vậy, việc nâng cao nhận thức cho lực lượng thanh niên là hết sức quan trọng, giúp người trẻ "miễn dịch" tốt trước những âm mưu của các thế lực thù địch trên môi trường mạng.
Mạng xã hội không xấu, điều quan trọng là mỗi cá nhân phải tự xây dựng được bản lĩnh tiếp nhận thông tin và vững vàng khi tham gia vào không gian ảo vốn nhiều lợi ích nhưng không ít cạm bẫy này. Mỗi người tham gia mạng xã hội cần tỉnh táo, cần tự biết cách bảo vệ mình trước những thông tin sai trái, bịa đặt, độc hại, không để bị kẻ xấu lôi kéo, dẫn dắt, trở thành công cụ chống phá Nhà nước, đi trái lại với lợi ích của toàn thể Nhân dân.
Vũ Văn