ClockThứ Ba, 05/11/2024 11:35

Cảnh giác thủ đoạn mạo danh lực lượng chức năng để lừa đảo

TTH - Tội phạm sử dụng phương thức giả danh, mạo danh lực lượng chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng phổ biến và tinh vi hơn, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong người dân.

Mạo danh cán bộ bảo hiểm xã hội gọi điện thoại tặng quàMạo danh nhân viên y tế, gọi điện tư vấn mua thực phẩm chức năng

 Công an tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với đối lừa đảo qua mạng

Ngày càng tinh vi

Giữa tháng 10 vừa qua, anh T.M.T. trú tại phường Vỹ Dạ (TP. Huế) bất ngờ nhận được tin nhắn từ một tài khoản Facebook tên Hoang Minh Tuan mạo danh là cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và thông báo anh T. là nghi can trong một vụ rửa tiền bất hợp pháp. Đối tượng này còn gửi một quyết định phê chuẩn lệnh bắt giữ hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và yêu cầu anh T. bắt buộc báo cáo dòng tiền trong tài khoản, chứng minh tình trạng tài sản thông quan cơ quan chức năng. Đồng thời, không được phát tán, lộ lọt thông tin trong quá trình điều tra, nếu không sẽ bị xử phạt tù và tiền mặt theo quy định.

Lợi dụng tâm lý bất ngờ và hoang mang của người bị hại, tài khoản Facebook này tiếp tục gửi một đường link yêu cầu điền các thông tin liên quan, như: Số tài khoản, mật khẩu, số tiền hiện có tại ngân hàng và yêu cầu cung cấp mã OTP khi cần thiết.

Do có cảnh giác từ trước, anh T.M.T. đã nhanh chóng liên hệ với một vài người bạn là công an, luật sư để được hỗ trợ. Sau khi xác minh đối tượng này là lừa đảo và mạo danh cơ quan tư pháp, anh T. đã nhanh chóng trình báo công an.

“Tài khoản Facebook đã gửi quyết định phê chuẩn lệnh bắt giữ có dấu đỏ và đầy đủ các thông tin, như: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số CCCD, địa chỉ thường trú… nhìn rất giống thật. Nếu không tỉnh táo và từng nghe qua phương thức lừa đảo trên qua các kênh thông tin thì có lẽ bản thân tôi đã bị lừa”, anh T.M.T chia sẻ.

Thời gian qua, nhiều người dân tại Thừa Thiên Huế nhận được các văn bản giả mạo của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao từ các đối tượng lừa đảo 

Theo cảnh báo của Bộ Công an, thủ đoạn giả danh, mạo danh cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp mà các đối tượng thường sử dụng có đặc điểm chung như: Sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan công an, viện kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của viện kiểm sát nhân dân...; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền, hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.

Ngoài ra, một đặc điểm khác của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng mà người dân có thể nhận biết, đó là: Các đối tượng yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích nhằm để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan công an được biết.

Cảnh giác để tự bảo vệ bản thân

Theo thông tin từ Công an tỉnh, thực tế tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội không phải là hiếm gặp. Trong nửa đầu năm 2024, Công an tỉnh đã tiếp nhận hơn 400 đơn trình báo của người dân bị lừa đảo qua mạng. Hoạt động của các đối tượng tội phạm rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn phạm tội.

Thời gian qua, Công an tỉnh thường xuyên phát đi cảnh báo trên nhiều kênh thông tin, đặc biệt là mạng xã hội. Trong đó, người dân cần thực hiện tốt khẩu hiệu 4 “không” và 2 “phải” (không sợ, không tham, không kết bạn với người lạ, không làm; Phải thường xuyên cảnh giác, phải tố giác ngay với cơ quan pháp luật khi có nghi ngờ).

Người dân không được hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn từ người lạ; không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc được nhận một cách dễ dàng; không kết bạn với người lạ trên mạng xã hội, tránh lời mời tham gia các hội nhóm không rõ mục đích và đặc biệt là không cung cấp thông tin cá nhân, làm theo yêu cầu chuyển tiền của các đối tượng không quen biết. Đồng thời, phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân và liên hệ với công an khi có nghi ngờ.

Khi nhận các cuộc điện thoại, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Bài, ảnh: Minh Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh giác với bệnh Whitmore

Whitmore là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei (trước đây có tên gọi là Pseudomonas Pseudomallei) đã bị lãng quên, nhưng mới đây đã có trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Cảnh giác với bệnh Whitmore
Lừa đảo chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu ghép thận

Ngày 22/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Thị Phương Ngọc (SN 1987, trú tại 383 Nguyễn Tất Thành, phường Thủy Dương, TX. Hương Thủy) và Trương Trọng Long (SN 1991, trú tại phường Đạt Hiếu, TX. Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Lừa đảo chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu ghép thận
Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp

Ngày 15/11, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn rất tinh vi.

Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Return to top