Các bạn trẻ tìm hiểu thông tin về việc làm tại "Sàn giao dịch việc làm - Tuyển sinh học nghề" do UBND huyện Phú Vang tổ chức
Giữa tháng 4/2018, hàng trăm học sinh, thanh niên háo hức có mặt tại “Sàn giao dịch việc làm – Tuyển sinh học nghề” do UBND huyện Phú Vang tổ chức. Đó là những bạn trẻ từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đến tìm hiểu thông tin từ 14 doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn huyện, tỉnh, tuyển người vào học nghề, làm việc hoặc lao động ở các nước Nhật, Hàn, Nga… Sau buổi khai mạc, các bàn tư vấn “nhộn nhịp”. Các bạn trẻ chăm chú, nghiêm túc nghe tư vấn. Có bạn được doanh nghiệp này tư vấn xong, tiếp tục đề nghị được tư vấn bởi công ty tuyển dụng khác. Nguyễn Thị Hoa (xã Vinh Thái) chia sẻ, từ thông báo của UBND xã, Hoa và nhiều bạn cùng trang lứa đã tốt nghiệp THPT, có sức khỏe, có nguyện vọng ra nước ngoài lao động, đến sàn giao dịch, tìm hiểu kỹ thông tin để có quyết định đúng đắn và phù hợp.
“Các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng do UBND xã, huyện giới thiệu, đặc biệt các chính sách vay vốn khi ký hợp đồng lao động ở nước ngoài cũng được tuyên tuyền, phổ biến kỹ tại địa phương nên chúng em và gia đình rất yên tâm. Thông qua “kênh” này, địa bàn xã có nhiều thanh niên đi lao động ở nước ngoài, đạt hiệu quả khả quan. NLĐ gửi tiền lương về cho gia đình trang trải món vay, phát triển kinh tế. Nhật Bản là nơi mà em muốn đến làm việc, tích cóp kinh nghiệm, tạo dựng vốn liếng”. Trần Thản (xã Phú Hồ) bày tỏ.
Các ông Đinh Như Thu, Bạch Văn Tòa (xã Phú Hồ), Mai Quyết Thắng, Võ Toa (thị trấn Phú Đa) và rất nhiều phụ huynh có con em xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc… phấn khởi kể về kết quả lao động của con mình. “Tốt nghiệp lớp 12, con gái tui thi không đỗ đại học. Đang loay hoay, lo lắng chưa biết học nghề gì phù hợp với sở thích, kiếm tiền nuôi sống bản thân, thì biết được thông tin từ hệ thống phát thanh ở địa phương. Chúng tôi tìm hiểu kỹ và quyết định cho con gái đi Nhật Bản, lao động trong một công ty sản xuất bánh ngọt. Từ tiền lương cháu gửi về, gia đình đã trả hết số tiền vay để xuất cảnh, còn lại sẽ tích cóp cho con có một số vốn, “lấy đà” làm ăn, phát triển kinh tế sau khi trở về địa phương” . Bà Mai Thị Vấn (thị trấn Phú Đa) phấn khởi.
Theo ông Trần Nhơn Mâng, Trưởng phòng Phòng LĐTB&XH huyện Phú Vang, đơn vị “chăm chút” rất nhiều hoạt động để góp phần tạo việc làm mới, giúp NLĐ trên địa bàn có việc làm. Phòng chỉ đạo các xã liên tục rà soát để nắm bắt về lực lượng lao động và nhu cầu việc làm, sau đó có kế hoạch cụ thể phối hợp các công ty, đơn vị đào tạo nghề cho người lao động. Phòng đã mời các công ty tuyển NLĐ đi xuất khẩu lao động về các xã mở hội nghị, tư vấn cho cán bộ chủ chốt và NLĐ. Thông qua các đoàn thể ban ngành của xã, địa phương như hội nông dân, hội phụ nữ, mặt trận, đoàn thanh niên…; đồng thời, phối hợp đài phát thanh huyện, đài truyền thanh các xã tăng cường, tập trung công tác tuyên truyền “khơi thông” hiểu biết của người dân về các chế độ chính sách của Nhà nước, hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động cho các đối tượng người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách hay bị thu hồi đất.
Các đối tượng nêu trên được hỗ trợ chi phí học nghề, học tiếng, chi phí đi lại; được vay 100% lệ phí xuất cảnh (theo từng hợp đồng) lên tới hàng trăm triệu đồng, lãi suất tính theo lãi suất dành cho hộ nghèo. Còn đối tượng không thuộc diện hỗ trợ thì được vay 50 triệu đồng bằng tín chấp tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (khi đã có hợp đồng, visa xuất cảnh).
Năm 2017, Phú Vang là huyện có số lượng người xuất khẩu lao động nhiều nhất trong toàn tỉnh, 167/ 702 người. Từ đầu năm đến nay, có gần 600 NLĐ trong toàn huyện được tạo việc làm mới, học nghề. |
Bài, ảnh: Quỳnh Anh