ClockThứ Sáu, 19/01/2018 12:21
Đóng BHXH trên tiền lương thực tế:

Cả doanh nghiệp và người lao động đều lo

TTH - Cả doanh nghiệp và người lao động đều lo khi chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Thay vì chỉ đóng tiền lương như trước đây, mức đóng BHXH sẽ là: tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.

Đóng BHXH trên tổng thu nhập cần hiểu thế nào cho chính xác?Cơ quan thuế thu BHXH: Tưởng tinh gọn nhưng lại phình bộ máy!Hơn 56% lao động phi chính thức không muốn tham gia BHXH tự nguyệnHơn 13 triệu người có sổ BHXH sẽ được cấp thẻ BHYT theo mã số BHXHLĩnh BHXH 1 lần có lợi hơn hưởng lương hưu hay không?

Người lao động được ổn định cuộc sống sẽ làm việc tốt hơn

Không đóng BHXH trên tổng mức thu nhập

Cách hiểu của nhiều doanh nghiệp (DN), đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) dựa trên tổng mức thu nhập là không chính xác. Chỉ những nhóm phụ cấp lương xác định được cùng mức lương, có tính thường xuyên và ổn định mới được tính đóng BHXH. Còn những khoản phụ cấp lương gắn với kết quả làm việc của người lao động và có tính biến động thì sẽ không tính đóng BHXH.

Trước chính sách mới, DN và NLĐ âu lo khi lâu nay mức đóng các loại bảo hiểm bắt buộc, quỹ công đoàn... hàng tháng đã lên đến 34,5%. Ngay cả khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội loại trừ 14 khoản thu nhập ra khỏi danh mục đóng BHXH thì chi phí vẫn giảm không nhiều. Ở mỗi nhóm, DN sẽ có mức tăng khác nhau tuỳ mức phụ cấp lương và các khoản bổ sung. Những DN có lượng lao động lớn lại càng áp lực. DN ở các ngành, như: thủy sản, dệt may, da giày…trong tỉnh chịu tác động nhiều bởi họ vừa tăng lương tối thiểu vừa tăng mức đóng BHXH.

DN ở Thừa Thiên Huế chủ yếu vừa và nhỏ, với trên 5.300 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Đa phần, DN phát triển nhỏ lẻ do thiếu vốn nay lại phải đóng thêm các khoản BHXH cho NLĐ chắc hẳn sẽ rất khó khăn, nhất là các DN đang trong giai đoạn khởi nghiệp. Thấy tình hình bất lợi, nhiều hộ kinh doanh càng muốn “né” tối đa việc “lên” doanh nghiệp, dù họ có đầy đủ điều kiện.

Lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sút là điều rõ ràng. Tất cả các chi phí đóng BHXH sẽ được tính vào giá thành sản xuất, DN buộc phải đẩy giá thành lên nên sẽ khó cạnh tranh trên thị trường. Một ông chủ có tiếng ở ngành dệt may trong tỉnh âu lo, hiện nay phí gia công chiếm 30% giá thành sản phẩm. Trong phí gia công thì chi phí lao động chiếm tới 60 - 70%. Doanh nghiệp cũng không thể đẩy giá thành lên cao quá được vì khách hàng sẽ chuyển đơn hàng sang thị trường các nước khác.

Tình trạng nợ BHXH lâu nay không hề thuyên giảm, tính đến cuối năm 2017, các đơn vị trong toàn tỉnh nợ BHXH lên đến gần 90 tỷ đồng. DN càng nhiều lao động thì tình trạng nợ dây dưa càng tăng. NLĐ quyết liệt đòi nợ, DN trốn tránh và họ đã gặp nhau tại tòa để đòi quyền lợi. Thế nên, nhiều lao động không vội vui khi mức đóng BHXH tăng. Thời buổi làm ăn khó khăn, DN trả lương, phụ cấp tháng nào, lao động mừng tháng đó.

DN tìm cách lách luật

Sẽ không loại trừ khả năng DN tìm cách lách luật để giảm mức đóng. Thay vì phụ cấp thâm niên, DN và NLĐ thỏa thuận đổi sang phụ cấp chuyên cần, bình xét hàng tháng, giảm phụ cấp cố định để tăng lương làm thêm giờ, tăng ca, hỗ trợ nhà ở… Lao động có thể sẽ bị chuyển từ hợp đồng dài hạn sang hợp đồng thời vụ hoặc cộng tác viên… để lách luật, chưa kể bị sa thải nếu DN không đủ sức trả lương. Thậm chí, có DN còn thỏa thuận không đóng BHXH cho NLĐ. Điều đó, đồng nghĩa với các quyền lợi về BHXH của lao động không còn. Khi xảy ra tranh chấp, người lao động không được bảo vệ. “Việc lách luật dẫn đến nguy cơ hoạt động doanh nghiệp không minh bạch, có thể bị xử phạt”. Đại diện Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cảnh báo.

Không ít lao động lại có suy nghĩ, thu nhập hàng tháng trông chờ nhiều ở phụ cấp, nếu đóng BHXH cao là điều không ai muốn. Tâm lý chung, mỗi tháng doanh nghiệp hỗ trợ thêm vài ba trăm ngàn ai cũng vui bụng, nỗ lực làm việc, còn đóng BHXH lo cho tương lai là điều mà nhiều người chưa nghĩ đến. Lương thấp, NLĐ có tay nghề, có trình độ có thể rời doanh nghiệp để kiếm việc làm là điều có thể xảy ra. DN lại không muốn tốn một khoản chi phí, thời gian để đào tạo lại lao động. Đây là bài toán khá nạn giải đối với nhiều DN, vừa  đảm bảo đời sống cho công nhân, vừa không vi phạm luật lao động.

Theo cách tính của BHXH Việt Nam,  đóng BHXH trên tiền lương thực tế là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu... mức hưởng sẽ cao hơn. Để giảm bớt áp lực từ việc tăng lương, tăng mức đóng BHXH, không còn cách nào khác, các DN cần nỗ lực đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. NLĐ cũng phải quen với tác phong công nghiệp, nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu của DN.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top