ClockThứ Ba, 09/07/2024 10:50

Cây cao bóng cả

TTH - Khi đã biết được suy nghĩ của bà, tôi không cố chấp nài nỉ đưa thêm tiền cho bà lần nào nữa. Trong tôi, một niềm thương mến, ngưỡng mộ lặng lẽ dâng trào.

Món quà bất ngờĐồng hành điều ước của con

 

Mùa hè đến, tôi và con gái trở thành bạn đọc thân thiết của thư viện tỉnh. Cứ ngày cách ngày, tôi lại chở con đến thư viện mượn sách, trả sách. Không gian phòng đọc thiếu nhi ở tầng một mát mẻ, sạch sẽ nên hai mẹ con cũng thường xuyên nán lại đọc sách ngay tại chỗ. Mỗi lần đến thư viện, người đầu tiên chúng tôi gặp là bà giữ xe. Gần bước qua tuổi 80, tóc bà ngả màu muối tiêu, da mặt nhăn nheo nổi đồi mồi nhiều chỗ, đôi mắt của bà cũng không còn tinh anh, lúc nào gặp khách cũng nheo nheo nhìn như đang đi dưới nắng. Bù lại, bà rất hay cười, hảo chuyện. Cách nói năng nhẹ nhàng, từ tốn của bà luôn tạo cho tôi bầu không khí thân thiện như đang trò chuyện với người thân ở nhà.

Qua những lần trò chuyện, tôi được biết nhà bà ở gần đồi Long Thọ, cuối đường Bùi Thị Xuân, phường Thủy Biều. Mỗi ngày, để đến được thư viện bà phải di chuyển bằng xe đạp khá xa. Bà thường mang theo cơm, nước uống, ở lại qua trưa, chiều tiếp tục công việc.

Thiện cảm với bà, vài lần, ngoài tiền gửi xe như thường lệ, tôi cố nài nỉ để gửi thêm chút tiền nhỏ biếu bà uống nước, ăn trầu, nhưng lần nào bà cũng từ chối. Bà chỉ nhận đúng số tiền hai ngàn đồng cho mỗi lượt gửi xe. Tôi nói: “Bà ơi, nếu quy định cho phép thì bà tăng tiền giữ xe lên đi. Bữa nay nhiều nơi họ đều áp dụng mức giá ba ngàn. Mỗi ngày bà đều phải lọ mọ, đi lại rất xa xôi”. Bà cười xòa giải thích: “Nhiều người cũng khuyên bà vậy, bà cũng được phép làm điều đó. Nhưng đa số bạn đọc của thư viện là những cô, cậu sinh viên nghèo. Vì nghèo thiếu tiền mua sách nên mới phải lên thư viện mượn sách, đọc sách miễn phí. Một ngàn tuy nhỏ, nhưng nhiều lần một ngàn cộng lại sẽ thành số tiền to”.

Bà hào phóng, “chơi đẹp” thế, nhưng lắm lúc dắt xe ra về, tôi thấy bà cần kiệm, tranh thủ gom nhặt mấy chai nhựa, lon nước mà khách ở quán cà phê bên cạnh vứt ra. Có lần, bà còn còng lưng tháo dỡ những vật dụng bằng gỗ ép, tấm lợp mà người khác đã bỏ đi. Bà bó lại, cột sẵn sau xe chờ chở về nhà. Thấy bà hì hục, tôi toan hỏi: “Chỗ bà gần đồi mà, bà đèo bòng mấy thứ gỗ tạp đó thì khác nào chở củi về rừng”, nhưng rồi tôi ngần ngừ vẫn chưa nói.

Như lần nọ, có một người đàn ông lạ xin phép vào nhà để dán tờ rơi quảng cáo bình ga, tôi ngay lập tức “xù lông”, đáp trả. Mặc cho anh ta hết lời giải thích là chỉ cần được dán ảnh vào một góc bếp, chụp hình lại để báo cáo chỉ tiêu về cấp trên chứ hoàn toàn không gây phiền phức hay bắt buộc gia đình phải chọn lựa dịch vụ đổi bình ga ở cơ sở mới, nhưng tôi vẫn khăng khăng đóng cửa, từ chối với cái lý gia đình không hề có chút nhu cầu. Ngay lúc đó, mẹ tôi ngồi ở góc sân chứng kiến, bà khoát tay ra hiệu người lạ cứ vào nhà. “Thích dán mấy thì dán, chụp mấy thì chụp”, mẹ tôi nói.

Lúc sau, khi anh ta đi rồi, mẹ tôi mới giải thích. Mỗi người một hoàn cảnh, tôi may mắn khi có được công việc ổn định, đến tháng có thu nhập, còn người ta, vì kém may mắn hơn nên cả ngày mới phải phơi mặt ngoài đường, bị động, vào từng nhà phân trần, năn nỉ nọ kia. Tuy nhiên, điều giống nhau là đằng sau mỗi người là trách nhiệm, là một gia đình. Một tờ rơi dán vào bếp chẳng ảnh hưởng đến mình, nhưng với anh ta thì có. Bây giờ anh ta đi rồi, cũng đã có ảnh để báo cáo với cấp trên thì nếu tôi không thích có thể tùy ý lột bỏ vẫn chưa muộn.

Sự bao dung của mẹ, nguyên tắc không cầm thêm dù một nghìn đồng của bà cụ giữ xe khiến tôi nhớ lại nội dung của bức hình chụp về một hiện tượng thiên nhiên. "Crown shyness" - là hiện tượng xảy ra đối với một số loài cây lớn, có tầng tán trải rộng, cành nhánh vươn cao. Thế nhưng dù có cao, rộng đến đâu thì giữa những tán cây không bao giờ là sự bí bách, đan xen, va chạm. Sẽ luôn có những khoảng cách và kẽ hở nhất định để ánh nắng có thể lọt xuống soi rọi, vỗ về cho những tầng tán thấp hơn.

Mẹ tôi và bà lão giữ xe cũng vậy, họ luôn dịu dàng, bao dung, hòa nhã. Những nhún nhường, bao bọc chính là yêu thương thầm lặng, góp phần giúp đỡ những người yếm thế xung quanh. Họ là cây cao bóng cả để tôi yêu quý, soi mình. 

Minh Thi
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top