|
Ông Tuấn là phát thanh viên khi thôn xã tổ chức các sự kiện lễ hội |
Làm việc dân cần
Không còn nhận ra những ngôi làng cát thấp trũng bên dòng Ô Lâu, nơi chúng tôi từng đặt chân đến mười, mười lăm năm trước. Những u buồn của làng nghèo ngày đó giờ đã trở thành một vùng quê yên bình, với vườn tược xanh tươi bên những mái nhà bằng, mái ngói dọc theo những tuyến đường mới ấn tượng. Tiếng nhạc xập xình phát ra từ những hàng quán nhỏ, vài thanh niên ngồi bên ly cà phê đón chào ngày mới.
Anh Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Chương nói, không gian mới được hình thành tạo nhiều điều thú vị, như một cuộc “cách mạng” đến với cộng đồng, đến một làng quê cách mạng từng bị vây hãm của Mỹ ngụy trong những năm đất nước chiến tranh. Giờ đây từ đường sá thuận lợi, nhà cửa khang trang đến việc bán buôn, trao đổi hàng hóa và cả chuyện nâng cao dân trí… cũng đi lên rõ nét.
Anh Điệp nói vui nhưng rất thật khi lý giải Phong Chương hôm nay đổi thay từng ngày. Trong thành tựu ấy phải kể đến sự nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ địa phương và không quên giới thiệu ông Tuấn, Trưởng thôn Trung Thạnh. Và chúng tôi đã không khó nhận ra người cán bộ này với dáng vẻ như cựu giáo chức qua kết nối của lãnh đạo địa phương trong dịp này.
Trước đây, thôn Trung Thạnh là vùng cát trũng nghèo huyện Phong Điền. Người dân sống trong cảnh nhiều “không”: Không đường, không điện, không nước sạch... Nhiều năm liền, hộ nghèo trong thôn luôn ở mức cao, cảnh người dân xa quê làm ăn xa đứng đầu danh sách của xã. Gia đình ông Tuấn cũng nằm trong hoàn cảnh chung ấy, nhưng giữ vững quan điểm “ly hương, bất ly tổ”.
Ông Tuấn cho biết, sau những năm đất nước đổi mới, ông làm Văn phòng UBND xã rồi cán bộ kiểm soát HTX Nông nghiệp Trung Thạnh. Qua nhiều năm làm cán bộ xã và HTX Nông nghiệp, ông về hưu rồi được bà con bầu làm Trưởng thôn Trung Thạnh đúng vào năm 2010.
“Không làm thì thôi, đã nhận sự tín nhiệm của bà con, mình phải làm cho tốt”- ông bộc bạch.
Hồi đó, việc đầu tiên, ông nghĩ đến các tuyến đường đầy cát, đi lại khó khăn là nút thắt kìm hãm kinh tế - xã hội địa phương. Lúc ấy Trung Thạnh chủ yếu nhờ vào sức dân nên việc làm này chỉ có khái niệm “cứng hóa đường làng”. Năm 2013, chủ trương xây dựng đường bê tông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” lan tỏa, ông chủ động kết nối với lãnh đạo địa phương, tổ chức họp dân hưởng ứng. Ông nói, dù dân lúc đó chỉ chịu vốn đối ứng 30% nhưng cũng khó, người có, người không, buộc ông trăn trở nhiều đêm để suy nghĩ viết thư ra Bắc, vào Nam kêu gọi con em làm ăn xa hỗ trợ. Mừng là khi nghe đến chuyện làm đường bằng bê tông, bà con nhất nhất hưởng ứng. Từ đó, trong vòng 5 năm, thôn Trung Thạnh cơ bản có hệ thống đường bê tông liên thôn, xóm tương đối.
Có đường thông thương mọi thứ ở Trung Thạnh như được “mở khóa”. Nhiều gia đình vốn trước đây nghèo khó, chạy ăn từng bữa nhưng bây giờ họ không nặng chuyện gạo cơm. Mỗi nhà ở đây bình quân làm 5-10 sào ruộng. Có nhà lại sắm thêm máy cày, máy gặt... vừa phục vụ cho ruộng nhà vừa làm dịch vụ cho bà con trong, ngoài xã nên hàng năm có nguồn thu ổn định. Có nhà khá lên nhờ siêng năng tận dụng đất đai và ruộng đồng sau mỗi vụ mùa trồng cây màu, nuôi thêm vịt đàn, gà... tạo hàng hóa, sản phẩm cung ứng mọi nơi. Thành ra hộ nghèo ở đây chỉ còn dưới 5%, so với trước năm 2010 ở mức 30-40%.
Nhắc lại chuyện Trung Thạnh hôm nay đổi thay từng ngày, nhiều người cười vui. Đó là chủ trương chính của Đảng, Nhà nước và quan trọng nữa là tinh thần đón nhận của người dân địa phương mà công đầu đến từ Trưởng thôn Nguyễn Hoàng Tuấn. Các chương trình, dự án cấp trên hỗ trợ cho nông thôn được ông Tuấn họp bàn, triển khai tập huấn, ứng dụng bài bản vào thực tế. Vấn đề đi đầu mà Trung Thạnh làm được là tích tụ ruộng đất, xóa bỏ những thửa manh mún và liên kết sản xuất. Trung Thạnh từ chỗ không có nổi một máy gặt hay một máy cày nhưng hiện tại, cơ giới hóa có thể đáp ứng hơn 90% khâu cày đất, gần 100% khâu thu hoạch, giảm được thất thu. Kênh mương, giao thông nội đồng từ chỗ thiếu, không chủ động nguồn nước tưới nay đã khác, đường từ ruộng vào nhà thuận lợi, thông suốt với mọi nơi... Sự thành công ở thôn Trung Thạnh, sau đó các thôn khác làm theo, đưa Phong Chương trở thành một trong những địa phương năng động vượt nghèo trên vùng đất khó của huyện Phong Điền vào những năm đầu của thập niên vừa qua.
Những chuyện tử tế gắn với tên ông Tuấn
Loanh quanh ở Phong Chương, ngoài chuyện ruộng vườn, chúng tôi được nghe nhiều chuyện tử tế nơi đây đã lan tỏa gần xa gắn với cái tên ông Nguyễn Hoàng Tuấn. Chuyện là sau khi nhận chức trưởng thôn, ngoài việc góp phần tạo sinh kế, giúp dân thoát nghèo, ông Tuấn nhất quyết không muốn con em trong làng mất chữ, thất học. Góp sức và làm gì trước hoàn cảnh thực tế ở địa phương, ông Tuấn lập ngay một Quỹ khuyến học họ Nguyễn trên cơ sở kết nối mạnh thường quân - ông Nguyễn Tri Việt tại TP. Huế; đồng thời vận động mỗi gia đình trong thôn đóng góp 20 nghìn đồng/năm. Quỹ khuyến học họ Nguyễn ở Trung Thạnh đã lớn mạnh qua từng năm, có ban vận động quản lý. Năm 2017, Quỹ này đã vận động lên 300 triệu đồng và gửi ngân hàng lấy lãi hỗ trợ cho học sinh nghèo, hiếu học. Mỗi năm vài chục suất, mỗi suất từ 200-300 nghìn đồng nhưng kịp thời khích lệ tinh thần ham học, nhất là học sinh có hoàn cảnh nghèo khó.
Khi uy tín cá nhân gắn với cái tên Trưởng thôn Trung Thạnh, ông Tuấn bàn với Bí thư Chi bộ và BCH thôn quyết tâm xây dựng các công trình văn hóa, dân sinh với ước vọng của bà con địa phương. Đó là vào đầu năm 2012, công trình Đình làng thôn Trung Thạnh ra đời với kinh phí 180 triệu đồng, do ông đứng ra kêu gọi từ những tấm lòng xa quê. Cùng thời gian này, ông Tuấn kết nối với cô Nguyễn Thị Kim, chủ DN tư nhân ở tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ hơn 370 triệu đồng xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, gồm sân bãi, cổng tường rào và các dụng cụ, máy móc, bàn ghế tạo thuận lợi cho bàn con đến vui chơi sinh hoạt vào ngày lễ, tết. Năm 2016, ông Tuấn đứng ra quyên góp xây ngôi nhà "Vĩnh biệt" và sắm chiếc xe tang để hỗ trợ cho các trường hợp ở địa phương khi qua đời.
Cũng từ ngày cái tên Nguyễn Hoàng Tuấn gắn với chức trưởng thôn Trung Thạnh, đã có nhiều việc làm mà trước đây Phong Chương chưa có tiền lệ, như các em nhỏ hàng năm được vui chơi, tặng quà vào dịp lễ Trung Thu, ngày Quốc tế 1/6. Hay, hễ nhà nào có hiếu hỉ, công việc cần thiết, chỉ cần “đánh tiếng” là nhận được sự giúp sức của bà con trong thôn. Hoặc có khi chỉ cần biết công việc cần trợ giúp, bà con sẵn sàng vận động con cháu đến chia sẻ, góp công mà không so tính thiệt hơn.
Mới đây, ông Tuấn được biết đến là người “gỡ khó” cho tuyến đường liên thôn dài 6km ra đời vào cuối năm 2022. Tuyến đường này đầu tư gần 15 tỷ đồng do huyện phê duyệt hỗ trợ cho hạng mục xây dựng, không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Khi lên kế hoạch phóng tuyến, gần 100 hộ dân hai bên mất đất, có nhiều hộ ở thôn Trung Thạnh mất gần 200m2 với giá trị lên bạc tỷ nên đã nhùng nhằng mà lãnh đạo địa phương phải “cậy” sự uy tín, lời lẽ ông Tuấn thuyết phục để họ nhẹ lòng thống nhất hiến đất không nhận đền bù…
“Ông Nguyễn Hoàng Tuấn là một trưởng thôn có thâm niên qua hơn 5 nhiệm kỳ. Ông là người hết lòng với việc “vác tù và hàng tổng”, nói dân tin, sống giàu tình nghĩa tình. Vì tuổi tác sức khỏe nên sắp đến ông xin nghỉ, nhưng bà con thôn Trung Thạnh đang đắn đo suy nghĩ vì họ quá tín nhiệm”- bà Trần Thị Thu Huyền, Chủ tịch UBND xã Phong Chương chia sẻ.