ClockThứ Bảy, 11/01/2020 22:31

Chàng sinh viên Lào nói lưu loát tiếng Việt

TTH - Veha Keophila chưa từng biết tiếng Việt trước khi sang Việt Nam học, thế nhưng giờ đây, cậu sinh viên (SV) đến từ đất nước Triệu Voi lại nhận được lời khen thầy cô và bạn bè ở trường đại học (ĐH) về khả năng học tập. Nhờ giao tiếp tốt, Veha Keophila còn được giao trọng trách MC của nhiều chương trình.

Veha Keophila (giữa) hướng dẫn bạn học bài

“Khó cũng phải thử vượt qua”

Lần đầu gặp Veha Keophila tại một chương trình ở ĐH Huế, tôi bất ngờ với khả năng dẫn dắt chương trình của cậu SV Trường ĐH Nông lâm. Veha Keophila khá hoạt ngôn, nhanh nhẹn xử lý các tình huống. Khan Vanh Seng Paserd - một người bạn của nam sinh đến từ Lào nhận xét: “Cậu ấy cải thiện khả năng nói tiếng Việt quá nhanh”.

Năm 2015, Veha Keophila đến Huế sau khi vượt qua kỳ thi chọn lưu học sinh Lào đi học nước ngoài. Thời điểm đó, các lưu học sinh Lào trước khi chính thức vào học tại các trường ĐH tại Việt Nam đều phải trải qua 9 tháng học tiếng Việt. Veha Keophila kể, cả bố lẫn mẹ đều là người Lào nên lần đầu “khăn gói” đến Việt Nam, chỉ được bày hai từ "xin chào" và "cảm ơn". Cứ nghĩ yêu thích Việt Nam thì học ngôn ngữ sẽ dễ, thế nhưng khi tiếp cận thực tế lại vô cùng khó khăn. Chàng SV Lào tiết lộ, khi bắt đầu học tiếng Việt, em thuộc loại tệ nhất lớp. Ngôn ngữ Việt Nam và Lào khác nhau về ký tự nên em phát âm hay sai. Bạn bè thường xuyên cười chê và cũng từng nhiều lần muốn bỏ về nhà vì thấy chán nhưng sự động viên của thầy cô, gia đình khiến em suy nghĩ lại.

Giữa cái khó, trong đầu Veha Keophila lại ló ra phương pháp học mới. Trong khi bạn đồng hương thường chọn ôn lại bài sau mỗi lần học tiếng Việt, Veha Keophila lại tìm đến phòng của bạn bè ở Việt Nam để giao tiếp. “Em nói câu nào họ cũng cười. Dù không biết họ cười ở điểm nào, nhưng em chắc chắn do mình nói không đúng. Mỗi lần nói chuyện về em đều suy nghĩ và tập lại những câu mà họ hay cười. Em luôn nghĩ, khó thì phải thử mới biết mình làm được không và chính phương pháp đó giúp em nói được tiếng Việt khá hơn, sau 6 tháng đến Việt Nam. Nhờ thế, em đã đạt danh hiệu học sinh, sinh viên xuất sắc lưu học sinh Lào khóa 39A tiếng Việt năm học 2015 - 2016”, chàng SV Lào nhớ lại.

Veha Keophila đi thực tế ở một trang trại tại Huế

“Rành” tiếng Việt giúp cho Veha Keophila dễ dàng tiếp cận chuyên môn ngành học thú y ở Trường ĐH Nông lâm. Gần như những kiến thức thầy cô giảng, Veha Keophila tiếp cận được ngay. Đối với những phần kiến thức khó, Veha Keophila dịch sang tiếng Lào để hiểu sâu hơn, sau đó xin thực tập ở một số trang trại ở vùng ven của Huế để thực hành nghề nghiệp. ThS. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác SV, Trường ĐH Nông lâm mỗi khi nhắc đến Veha Keophila đều dành những lời khen "có cánh", khẳng định nam sinh từ Lào năng động và chịu khó, nhờ đó luôn đạt kết quả cao trong học tập.

Năm học 2018 - 2019, Veha Keophila được giao làm MC trong chương trình tổng kết lưu học sinh Lào tại Trường cao đẳng Sư phạm Huế. Đặt mục tiêu là "thử cho biết", thế nhưng sự duyên dáng và hoạt ngôn lại giúp Veha Keophila nhận được lời tán dương từ thầy cô, bè bạn và cũng từ đó nam sinh đến từ Lào được giao dẫn chương trình của các lưu học sinh Lào.

Yêu với đất nước Việt Nam

Veha Keophila sinh năm 1997, đến từ tỉnh Khăm Muộn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Hiện, Veha Keophila là SV năm thứ 4, ngành thú y, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế. Nhờ nỗ lực, 3 năm qua, Veha Keophila liên tục được khen thưởng nhờ tham gia tích cực các hoạt động lưu học sinh Lào. Ngoài tiếng Lào và tiếng Việt, Veha Keophila còn nói được tiếng Thái Lan và tiếng Anh.

Lật lại ký ức, Veha Keophila kể, không phải đến khi học xong phổ thông mới có quyết định đến Việt Nam. Ngay từ nhỏ, khi thấy một người hàng xóm đến Việt Nam để học, Veha Keophila đã nung nấu ý định rời quê hương để học bậc ĐH. Cũng bởi vậy, giữa lúc quyết định “bến đỗ” mới cho sự học, dù biết ngôn ngữ Thái Lan có nhiều điểm dễ học hơn với bản thân, Veha Keophila vẫn nhanh chóng chọn Huế. “Em tìm hiểu rất kỹ. Ngành chăn nuôi ở Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế rất tốt, trường cũng có thương hiệu hàng chục năm. Điều quan trọng, đến Việt Nam em sẽ tìm hiểu thêm phong tục, văn hóa của đất nước hình chữ S”, Veha Keophila khẳng định.

Ngay khi vào giảng đường ĐH, Veha Keophila đã đăng ký tham gia các câu lạc bộ trong trường, đồng thời gia nhập vào các cộng đồng phượt ở Huế. Chàng SV Lào kể, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, em đã khám phá rất nhiều hơn. Có năm, Veha Keophila còn ở lại ăn Tết của Việt Nam. Mỗi điểm đến, Veha Keophila lại thưởng thức món ăn, tìm hiểu văn hóa. Có nơi, Veha Keophila còn dựng trại ở lại để tìm hiểu kỹ hơn.

Mỗi ngày, Veha Keophila lại tìm các trang báo, phim ảnh và nghe nhạc của Việt Nam. Chàng SV Lào tiết lộ, đó không chỉ là bí quyết luyện tiếng Việt ít người biết mà còn là “bản đồ” chỉ ra những địa điểm đẹp, thú vị và chứa đựng văn hóa Việt Nam. Và, đó cũng là cách để những người yêu nước Việt có thể “bỏ túi” những điểm đến Việt Nam mỗi khi có thời gian.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

TIN MỚI

Return to top