ClockThứ Năm, 11/02/2021 13:22

Chàng trai đam mê văn hóa cung đình

TTH - đam mê đặc biệt với văn hóa lịch sử, Tôn Thất Minh Khôi (24 tuổi, người Huế đang sống tại TP. Hồ Chí Minh) luôn dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, tổ chức các chương trình giới thiệu cổ phục, tìm hiểu cổ phong để lan tỏa văn hóa truyền thống đến với mọi người.

Chàng trai trẻ niềm đam mê với phục sức triều NguyễnHơn 150 bức ảnh tham gia triển lãm "Art Journey"

Tôn Thất Minh Khôi trò chuyện về cổ phục và văn hóa cung đình

Đưa cổ phục Việt đến với công chúng

Diễn ra tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) TP. Hồ Chí Minh vào ngày 10/1, sự kiện “Tóc xanh - Vạt áo” do các hội nhóm cổ phong kết hợp với Đoàn trường ĐHKHXH&NV tổ chức là một trong những ngày hội Việt phục có quy mô lớn nhất miền Nam, thu hút hàng ngàn người tham gia.

Xuyên suốt ngày hội là 3 buổi talkshow về 3 chủ đề: Hành trình phục dựng mũ miện triều Nguyễn với nghệ nhân Vũ Kim Lộc, đối thoại với các đơn vị thực hiện cổ phục Việt, đưa văn hóa dân gian Việt Nam ra thế giới. Ngày hội còn trình diễn cổ phục Việt triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn và tổ chức buổi lễ sách lập Hoàng hậu triều Nguyễn theo hướng sân khấu hóa.

Đồng hành tổ chức ngày hội Việt phục, “Tóc xanh - Vạt áo” là chương trình được chàng trai trẻ gốc Huế Tôn Thất Minh Khôi ấp ủ từ lâu. Anh mong muốn đưa cổ phục Việt Nam, đặc biệt là triều Nguyễn đến gần hơn với công chúng, tiếp tục hành trình lan tỏa và nâng cao nhận thức về cổ phục, các giá trị văn hóa cổ truyền cho giới trẻ.

Minh Khôi chia sẻ: “Việc những người ở thế hệ sau nhìn nhận cổ phục với thái độ xa cách là điều khiến tôi và những người yêu văn hóa truyền thống trăn trở. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm thực hiện ngày hội có quy mô lớn để quảng bá trang phục truyền thống, cụ thể là trang phục triều Nguyễn đến với sinh viên ở TP. Hồ Chí Minh”.

Năm 2018, Minh Khôi cũng từng tổ chức sự kiện “Bách niên y lễ” tại ĐHKHXH&NV trình diễn áo Nhật Bình, áo dài ngũ thân. Anh cũng là diễn giả nói chuyện về văn hóa lịch sử, cổ phục của người Việt, văn hóa cung đình tại các trường THPT, đại học tại TP. Hồ Chí Minh; tham gia cố vấn bộ phim “Phượng Khấu”, tư vấn cổ phục cho các dự án phim, sản phẩm âm nhạc liên quan đến văn hóa lịch sử.

Mong ước lan tỏa

Tốt nghiệp Khoa Quan hệ quốc tế, ĐHKHXH&NV, Tôn Thất Minh Khôi hiện là biên tập viên của Kênh 14. Sinh ra và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh nhưng Khôi luôn tự hào và giữ gốc gác quê nhà. Tết năm nào anh cũng về Huế, mùng 1 Tết cùng đại gia đình viếng lăng tẩm, vào Thế Miếu dâng hương lên tổ tiên. Những câu chuyện về tiền nhân, về vua chúa triều Nguyễn qua lời kể của ông nội đi vào tâm thức của Minh Khôi từ thuở ấu thơ, vun đắp ở anh tình yêu với văn hóa lịch sử nước nhà.

Lớn lên, niềm đam mê ấy thôi thúc Khôi tự tìm tòi nghiên cứu sách vở, kết nối với những người nghiên cứu văn hóa lịch sử để tìm hiểu về lịch sử triều Nguyễn, văn hóa cung đình nói riêng và văn hóa Huế nói chung, nhất là về lễ nghi, phục trang, những câu chuyện trong cung cấm với những mảnh đời kỳ lạ của các bậc giai nhân… Minh Khôi tìm đọc nhiều sách nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, kể cả những tài liệu bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, chữ Hán.

Tích lũy đam mê, năm 2017, Tôn Thất Minh Khôi sáng lập trang “Thiên Nam Lịch đại Hậu phi” trên facebook, chuyên khảo cứu về lễ nghi, văn hóa cung đình, chủ yếu là văn hóa cung đình triều Nguyễn. Đến nay, “Thiên Nam Lịch đại Hậu phi” đã tham gia nhiều dự án về văn hóa, phục trang, lễ nghi và hậu cung cung đình, thu hút hơn 80 nghìn lượt theo dõi. Mỗi bài viết của “Thiên Nam Lịch đại Hậu phi” luôn có lượng tương tác cao và nhận được nhiều ý kiến tích cực của độc giả.

Các sự kiện Minh Khôi tổ chức hướng đến việc mở rộng sức ảnh hưởng của trang phục áo dài truyền thống của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử, như: áo ngũ thân, áo Nhật bình, áo đối khâm, áo giao lĩnh… để các bạn trẻ có nhận thức đúng đắn về cổ phục. Minh Khôi bộc bạch: “Là người đam mê văn hóa lịch sử, tôi muốn chia sẻ góc nhìn mới của một người trẻ về vốn quý của cha ông. Không có mong ước gì hơn là tạo môi trường cho các bạn trẻ yêu lịch sử nước nhà hơn, để thấy rằng văn hóa lịch sử của đất nước ta không thua kém bất kỳ quốc gia nào”.

Tham gia phong trào phục dựng cổ phục Việt cách đây 6 năm, Minh Khôi vui mừng chia sẻ, hiện nay, phong trào phục hưng văn hóa truyền thống đang phát triển mạnh và nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Trong đó, các chương trình về cổ phục Việt được giới trẻ đặc biệt yêu thích và ủng hộ. Nhiều người thường nghĩ, giới trẻ không quan tâm đến lịch sử nước nhà nhưng trong cộng đồng yêu văn hóa lịch sử, đa phần là thế hệ 8x, 9x, thậm chí thế hệ sinh sau năm 2000. Các bạn không chỉ khảo cứu sách vở mà bắt đầu biết may áo, tổ chức những ngày hội áo dài, tạo nên cộng đồng rất sôi động. “Chúng tôi đang ấp ủ kế hoạch đưa cổ phục vào các sản phẩm nghệ thuật, quảng bá qua phương tiện truyền thông đại chúng, hy vọng sẽ làm sống dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người”, Minh Khôi hào hứng.

Bài: Minh Hiền

Ảnh: NVCC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Nuôi dưỡng đam mê, cống hiến cho nghề

Lực lượng trẻ đóng vai trò quan trọng trong làm chủ kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Họ còn là đội ngũ kế cận trên hành trình xây dựng, phát triển đơn vị hướng tới ngang tầm khu vực, thế giới…

Nuôi dưỡng đam mê, cống hiến cho nghề
Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử

Là chốn Kinh đô của Triều Nguyễn, Huế mang trong mình rất nhiều di chỉ văn hóa - lịch sử quý, mà chính quyền và Nhân dân Huế không thể không quan tâm giữ gìn, bảo vệ và khai thác mọi lợi thế trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Huế thành trung tâm văn hóa nổi tiếng của cả nước.

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử
Return to top