ClockThứ Bảy, 17/10/2020 13:21

Chàng trai trẻ niềm đam mê với phục sức triều Nguyễn

TTH - Từ niềm đam mê với văn hóa lịch sử, đặc biệt là cổ phục, chàng trai trẻ Trần Quang Minh Tân (sinh năm 1990) ở Biên Hòa, Đồng Nai tự mày mò phục chế, mô phỏng phục sức cung đình triều Nguyễn.

Giới thiệu sản phẩm của người Huế trẻKhông gian của “sự tử tế” thu hút người trẻ

Trần Quang Minh Tân quyết định đến Huế lập nghiệp để phát triển niềm đam mê với cổ phục và phục sức triều Nguyễn

Đam mê văn hóa cung đình

Trong chương trình “Sự tử tế” giới thiệu sản phẩm của những người trẻ được tổ chức ngày 27/9 tại Huế, bên cạnh áo dài ngũ thân, áo Nhật bình của nhà thiết kế Quang Hòa, nhiều khách hàng tỏ ra thích thú với những món phục sức cung đình độc đáo của Trần Quang Minh Tân. Đó là ngọc bội; những chiếc kim khánh, thẻ bài, bội tinh được làm bằng bạc, đồng, trong đó có kim khánh nhất hạng, kim khánh hoa lá, Đại Nam long bội tinh; cả chiếc mũ Xuân thu của quan võ ngũ phẩm... Những chiếc kim khánh, kim bội, thẻ bài, bội tinh này đều do Trần Quang Minh Tân làm thủ công.

Tốt nghiệp chuyên ngành xã hội học nhưng niềm đam mê với văn hóa, lịch sử và cổ phục từ thuở còn bé khiến Minh Tân quyết định gắn bó với công việc phục chế, mô phỏng cổ phục. Cách đây 6 năm, anh bắt đầu may áo dài ngũ thân, áo Nhật bình, sau đó chuyển sang mô phỏng phục sức.

Đại Nam long bội tinh do Minh Tân phục chế

Để làm nên những phục sức này, Tân đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu qua sách vở, tư liệu, thậm chí tìm mua hiện vật, cổ vật thật để nghiên cứu cách mô phỏng giống nhất có thể từ nguyên liệu đến cách chế tác. Ngoài ra, anh cũng phải nắm bắt đặc điểm của từng chi tiết để phân biệt. Chẳng hạn, kim khánh - một loại huy chương của triều Nguyễn có nhiều hạng, nhìn vào có thể biết được người mang nó ở cấp bậc nào, mỗi triều đại lại có cách sử dụng khác nhau. Ngoài ra còn có kim khánh dùng trong dân gian, kim bội dành cho nữ. Bội tinh cũng có 5 hạng, mỗi hạng có một hình thái khác nhau.

Tân chia sẻ: “Càng tìm hiểu, tôi càng thấy trang phục và phục sức triều Nguyễn có sức hấp dẫn khó cưỡng. Từng bộ trang phục, từng chiếc kim khánh, bội tinh… có thể thức trang trí đạt trình độ thẩm mỹ cao. Nhìn vào những đặc trưng riêng, có thể thấy nó thuộc triều đại nào, người đeo nó có vị trí nào được phân biệt rất rõ ràng, chỉ riêng phụ kiện làm đẹp cho kim khánh nhưng mỗi triều đại lại khác nhau. Cổ phục, phục sức cũng cho thấy những biến động về lịch sử của từng triều đại, văn hóa, thẩm mỹ của tiền nhân. Từ đó, chúng ta thấy được những bài học lịch sử của đất nước qua từng giai đoạn”.

Truyền cảm hứng cho giới trẻ

Ban đầu, Trần Quang Minh Tân may cổ phục và được nhiều bạn trẻ yêu thích. Thấy nhu cầu khách hàng khi mặc cổ phục thích đeo thêm phục sức nhưng trên thị trường rất ít, nhiều sản phẩm được làm tùy tiện, Tân quyết định mày mò làm. Chế tác phục sức đòi hỏi sự tỉ mỉ, tốn công, không thể sản xuất đại trà nên giá thành khá cao nhưng Tân vẫn có thị trường riêng, đảm bảo cho anh theo đuổi đam mê.

Để làm nên những phục sức độc đáo này là sự thử sức đầy kiên trì của Minh Tân. Ban đầu, anh mới chỉ dừng lại ở mức phỏng dựng, miêu tả lại hình dáng, màu sắc và tìm chất liệu thay thế. Sau khi thử nghiệm nhiều phương pháp, chất liệu, thất bại cũng không ít, Tân mới chọn được phương pháp, nguyên liệu tối ưu nhất để phục chế, chế tác gần giống hiện vật gốc nhất có thể.

Theo Minh Tân, làm phục sức cung đình triều Nguyễn khó nhất là tìm chất liệu, nguyên liệu giống như ngày xưa, vì một số loại không còn sản xuất. Tân phải tìm nguyên liệu thay thế hoặc đặt làm riêng theo yêu cầu nên giá thành khá cao. Để hoàn thiện việc phục chế Đại Nam long bội tinh bằng bạc và pháp lam, Tân phải ra Huế tìm hợp tác với anh Đỗ Hữu Triết làm pháp lam.

Một tháng nay, Minh Tân đến Huế hợp tác với nhà thiết kế Quang Hòa để may cổ phục, cũng là cơ hội để anh tiếp cận với các hiện vật, cổ vật được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để kiểm chứng sản phẩm của mình đúng với nguyên mẫu hay chưa, từ đó có sự điều chỉnh. Anh cũng muốn truyền cảm hứng và mang đến Huế trào lưu quay về với cổ phục.

“Hiện tại, phong trào mặc cổ phục ở phía Bắc và phía Nam khá phát triển. Huế là cái nôi của cổ phục, lại có nhiều địa điểm chụp ảnh thích hợp với cổ phục nhưng trào lưu này lại chưa mạnh. Tôi quyết định ra Huế kết hợp với nhà thiết kế Quang Hòa may cổ phục, làm phục sức, dù chỉ là mô phỏng ở mức độ cho phép nhưng các bạn được tương tác với cổ phục sẽ là trải nghiệm sống động hơn so với việc chỉ nhìn thấy chúng tại bảo tàng, từ đó, có cái nhìn gần gũi hơn với cổ phục”, Tân bộc bạch.

Nhiều bạn trẻ hào hứng với trải nghiệm mặc áo Nhật bình, tìm hiểu về kim khánh, thẻ bài. Diệu Hòa tấm tắc: “Khoác lên mình cổ phục, lại được đeo chiếc kim bội rất đẹp, độc đáo và ý nghĩa, tôi được truyền cảm hứng để hiểu hơn về văn hóa cung đình triều Nguyễn nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung”.

Cảm mến vùng đất này, Minh Tân quyết định sẽ lập nghiệp, phát triển niềm đam mê với cổ phục trên mảnh đất Cố đô: “Nếu có điều kiện, tôi sẽ làm một showroom nhỏ vừa là nơi chế tác cho du khách tham quan, trải nghiệm quy trình làm phục sức cung đình, vừa là nơi giới thiệu sản phẩm. Quảng bá sản phẩm cung đình triều Nguyễn ở Huế vẫn hợp lý hơn so với những nơi khác”.

Bài, ảnh: CÁT AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nữ sinh biến đam mê thành thành tích

Từ niềm đam mê những bước chạy, nữ học sinh Trường THCS Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc - Ngô Thị Đoan Trang đã nỗ lực tập luyện để đem về liên tiếp những tấm huy chương Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc.

Nữ sinh biến đam mê thành thành tích
Nuôi dưỡng đam mê robot trong học đường

Với niềm yêu thích mày mò, khám phá và chế tạo robot, các thành viên của câu lạc bộ (CLB) robot Trường THPT chuyên Quốc Học Huế - QH Panthers đã có những trải nghiệm đáng nhớ tại Derichs - Cuộc thi sáng tạo robot dành cho học sinh THPT Đà Nẵng mở rộng năm 2024.

Nuôi dưỡng đam mê robot trong học đường
Điểm đến

Sáng Chủ nhật 30/6, ở khu cồn mồ Ngũ Tây (phường An Tây, TP. Huế) ở mé trái chùa Thuyền Tôn đã diễn ra một nghi lễ cúng tạ lăng mộ.

Điểm đến
Tự hào quốc hiệu Việt Nam

“Quốc hiệu Việt Nam là tài sản tinh thần vô giá và linh thiêng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt. Từ trong sâu thẳm tâm thức của mình, tôi tự hào là người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu đã chia sẻ như thế nhân kỷ niệm 220 năm quốc hiệu Việt Nam.

Tự hào quốc hiệu Việt Nam
Cổ phục & học đường

Từ tình yêu dành cho trang phục truyền thống, Trịnh Thị Khánh Linh và Nguyễn Lê Vĩnh Khang, học sinh lớp 9, Trường THCS Chu Văn An mày mò nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp khả thi để lan tỏa cổ phục trong đời sống đương đại, đưa cổ phục đến gần hơn với các bạn học sinh.

Cổ phục  học đường

TIN MỚI

Return to top