ClockThứ Tư, 29/09/2021 14:30

Chàng trai trẻ cải tiến ca-nô vượt lũ

TTH - Lớn lên ở vùng quê hàng năm phải trải qua mùa “lũ dưới chân, bão trên đầu”, chứng kiến cảnh gia đình, bà con phải căng mình di chuyển đến nơi ở cao để trốn mưa lũ, chàng trai trẻ người Huế hiện sống Bình Dương đã mày mò, cải tiến ra loại ca-nô cứu hộ, với hy vọng sẽ giúp người dân di chuyển thuận tiện, đảm bảo an toàn tính mạng.

Võ sư trẻ người Huế làm trọng tài Karate Quốc giaChàng trai trẻ niềm đam mê với phục sức triều Nguyễn9X mê nông nghiệp

Đó là câu chuyện bắt nguồn từ trải nghiệm thực tế lớn lên ở vùng mưa lũ của chàng trai vừa bước qua tuổi 30, Trần Trung quê ở Hương Vinh (TP. Huế) hiện là giám đốc một công ty ở Bình Dương.

Chiếc ca-nô do Trung cải tiến vừa có thể “làm nhiệm vụ” trong mưa lũ, vừa có thể phục vụ du lịch trên sông, hồ

Vì ảm ảnh với mưa lũ

Dù xa quê hương, nhưng hàng năm Trung vẫn về Huế trên chục lần, phần vì công việc, phần để thăm gia đình. Trong những chuyến đi về ấy, cực nhất là những mùa mưa bão, việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn, phải vừa lội nước, vừa quá giang qua những chuyến đò vô cùng nguy hiểm. Chưa kể, những tháng ngày lớn lên ở vùng quê thấp trũng chứng kiến cảnh ngập lũ, đêm khuya phải di tản đến nơi cao ráo để trú ẩn. Tất cả trở thành nỗi ám ảnh trong Trung.

“Vùng Hương Vinh dù ở gần trung tâm TP. Huế nhưng rất thấp. Cứ mưa lũ về là ngập, nhiều khu vực ngập rất sâu. Vì thế người dân rất dễ bị cô lập, ghe thuyền cứu hộ khó tiếp cận để ứng cứu. Sau trận mưa lũ kinh hoàng năm 2020, mình đưa ra ý nghĩ nghiên cứu cải tiến loại ca-nô giúp gia đình và bà con có thể thuận tiện di chuyển trong trường hợp khẩn cấp, cũng như ứng cứu y tế, lương thực” - Trung kể.

Tốt nghiệp một ngành học không liên quan gì đến chế tạo tàu thuyền là thách thức đặt ra với chàng trai trẻ. Đổi lại, Trung kể rằng may mắn khi có chút ít kinh nghiệm làm việc liên quan đến mảng an toàn lao động trong các nhà máy đóng tàu, giàn khoan… Từ đó, mày mò thêm các tài liệu cũng như trải nghiệm ở những chuyến quan sát thực tế. Quan trọng hơn, Trung dành thời gian để so sánh với ghe, thuyền mà bà con quê mình đang sử dụng để loại bỏ những hạn chế, cải tiến những ưu điểm.

Theo Trung, lâu nay bà con và lực lượng cứu hộ mùa lũ ở quê thường dùng thuyền phao loại bình thường hoặc ghe nhôm. Thuyền phao thì nhẹ nên khi xuống nước là bị cản nước, không có độ căng đáy nên di chuyển chậm. Đó là chưa kể dễ bị thủng dẫn đến xì hơi nguy hiểm, khi đi vào khu vực có gió khả năng bị xoay vòng cao. Còn với ghe nhôm, dù được gắn động cơ nhưng sức chứa không nhiều và ngồi rất dễ tròng trành nên khả năng lật rất cao khi gặp con nước mạnh.

Sau khi tìm hiểu, so sánh và nghiên cứu kỹ, Trung tham khảo thêm các công ty sản xuất ca-nô trước khi bắt tay vẽ mẫu với hướng “nơi khác họ quan trọng tốc độ, còn ở Huế và miền Trung thì quan trọng sự chắc chắn, bền và an toàn”.

Vừa làm ca nô cứu hộ, vừa chở khách du lịch

Bản thiết kế nhiều lần được vẽ ra rồi xoá, các loại nguyên vật liệu và máy móc trong mùa dịch vốn đã đắt đỏ thì nay khó tìm do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tìm thuê nhân sự đóng cũng trở ngại… Nhiều lần Trung có ý định từ bỏ ý tưởng.

“May sao được sự động viên của vợ, bạn bè và nhiều cộng sự mình đã thiết kế rồi thuê người đóng thành công”, Trung kể và háo hức khi chứng kiến “đứa con tinh thần” của mình hoàn thiện.

Đó là chiếc ca-nô được gọi cơ bản hoàn hảo với các thông số kỹ thuật đáp ứng đầy đủ yêu cầu với chiều dài 4,5m, ngang 1,2m được làm bằng vật liệu composite, tải trọng 300kg. Với chiếc ca-nô như thế có thể chở được 5 người, lúc khẩn cấp có thể hơn.

Sau khi thử nghiệm Trung bảo rằng, ca-nô do mình và cộng sự thiết kế, cải tiến đã khắc phục được rất nhiều hạn chế có ở ghe nhôm và thuyền phao. Ngoài không tròng trành, còn có thể đứng trên mũi ca-nô để tiếp cận gần nhất các điểm đến. Với kích thước vừa phải, có thể đi trên sông lẫn đường ngập lụt, thuận tiện di chuyển vào khu dân cư ngập sâu mà không bị vướng. Tùy theo mục đích sử dụng, người dùng có thể gắn loại máy có mã lực lớn nhỏ, tạo ra vận tốc khác nhau.

“Được làm bằng vật liệu composite nên có thể cách điện nếu đi vào khu vực bị rò điện. Trên ca-nô còn có băng ghế để mọi người ngồi thoải mái”, Trung khẳng định.

Không chỉ để dùng trong việc di chuyển mùa mưa lũ, ca-nô này theo Trung còn có thể phục vụ du lịch ở các sông, hồ. Vì thế, Trung cũng đã thành lập một công ty để hoạt động trong lĩnh vực du lịch đặt trụ sở ở phố cổ Bao Vinh. Hiện Trung đang xin phép, phối hợp với một số đơn vị lữ hành chở khách du lịch dọc sông Hương để tham quan, trải nghiệm các di tích, danh thắng, làng nghề dọc theo đó.

Mỗi chiếc ca-nô do Trung làm ra có giá từ 16-18 triệu đồng và có thể tăng, giảm tùy theo loại máy cũng như các phụ kiện đi kèm. Tuy nhiên, khi bán cho các đơn vị chuyên hỗ trợ mưa bão, cũng như các tấm lòng hảo tâm, thiện nguyện Trung cũng sẽ có chế độ ưu đãi, giảm giá. "Hiện, đã có một số khách hàng ở Quảng Trị, Quảng Bình đặt mua", Trung thông tin.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ADB hỗ trợ cải tiến môi trường đô thị ở Luang Prabang, Lào

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa phê duyệt khoản vay ưu đãi 35 triệu USD và tài trợ 10 triệu USD cho dự án đầu tư cải tiến môi trường đô thị để giúp hỗ trợ phát triển đô thị bền vững, kiên cường ở thành phố Luang Prabang, Lào.

ADB hỗ trợ cải tiến môi trường đô thị ở Luang Prabang, Lào
Đua đến Net Zero

Net Zero (gọi trung tính carbon hay giảm phát thải ròng bằng 0) là cụm từ đang được nhắc đến nhiều ở phạm vi toàn cầu. Đạt đến mục tiêu này, các doanh nghiệp (DN) cần phải đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, sử dụng năng lượng sạch…

Đua đến Net Zero
Hai bà mẹ vượt lũ sinh con an toàn ở Phong Điền

Ngày 14/10, Trung tâm y tế Phong Điền cho biết, hai bà mẹ tránh lũ từ tuyến dưới đến sinh con đã được các bác sĩ đỡ đẻ an toàn. Trẻ sinh ra bú tốt, sức khỏe bà mẹ ổn định và đang được chăm sóc tại đơn vị.

Hai bà mẹ vượt lũ sinh con an toàn ở Phong Điền

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top