ClockThứ Bảy, 19/09/2020 07:04

Chị xe tải

TTH - Chị có tên hẳn hoi, nhưng những người phụ nữ trong ngôi chợ nhỏ ấy vẫn gọi chị là chị xe tải. Bởi chị là chủ nhân của chiếc xe tải nhỏ chở hàng cho những người bán hàng dạo ở chợ. Vài ba ngày, lại thấy chiếc xe đỗ xịch xuống, vội vã nhả hàng, rồi lại vội vã đi.

Nếu không có chiếc khăn bịt mặt hoa hòe, tôi đã nhầm chị là đàn ông. Dáng người to đậm, trông huỳnh huỵch trong bộ áo quần lao động tối sẫm và đôi ba-ta đã cũ. Xe đỗ, chị phóc xuống từ ca-bin, đỡ lấy những bao hàng, vứt uỵch xuống. Dỡ vài chuyến lại nhanh nhẹn phóc lên ca-tin, đóng sầm cửa, khởi động máy, cho xe bươn tới. Những người bán hàng ở chợ  đôi  khi với theo chiếc xe cũ nhả khói đen ngòm, lắc đầu: Người chi mà như đàn ông.

Mấy hôm trước, có lẽ bạn hàng nghỉ nhiều do dịch nên chị không phải chạy xô nhiều chợ. Bốc xong mớ áo quần cho mấy cô hàng rong, chị nghỉ tay bên quầy nước mía sát chợ. Chiếc khăn hoa trùm đầu cũng kịp gỡ ra, lộ khuôn mặt bánh mật, cái cằm hơi vuông và chân mày rậm. Cốc nước mía bỗng nhỏ nhoi trong bàn tay to xù xì nổi nhiều gân xanh có vẻ lóng ngóng của chị.

Trên hình hài của người phụ nữ ấy, chỉ có đôi mắt là ướt. Đẫm như vạt cỏ ngậm sương. Tôi thấy mình như ngạt thở, “chết chìm”, khi nhìn vào đôi mắt đen huyền như cái ao sâu không đáy. Hình như bao nhiêu cái dịu dàng, mềm mại nữ tính của người phụ nữ không tìm thấy trên dáng dấp ấy, đôi tay ấy... đã lặn vào đôi mắt dịu hiền đến thắt lòng của chị.

Rồi câu chuyện về gia đình mà chị bỗng dưng bộc bạch khi tôi chạm đến như ngẹn lại.

Chị vốn lớn lên với nghề bốc vác ở chợ, rồi lấy chồng, sinh con. Bỗng một ngày, chồng theo người khác. “Khi tui nhìn thấy chị ta thì tui không ghen nữa mà chỉ buồn. Họ đẹp lắm, da trắng, tóc dài. Chồng tui mê cũng phải. Có mô như tui giống như đàn ông ri, phải không cô?”. Chị hỏi, hai tay xoắn vào nhau, như để ngăn giọt nước mắt đang chực trào.

Nhưng rồi chị lại vui, khi kể về hai con. Chúng đã lớn. Một đứa làm đầu bếp. Một đứa học nữ hộ sinh, nghe đâu hết dịch, chị sẽ cho sang Nhật lao động. “Tụi hắn ngoan lắm. Đi học về biết giúp mẹ đủ việc. Tui cũng đã xác định, vợ chồng như chiếc áo, cởi ra là xong. Chứ con cái mới là máu mủ, ruột rà của mình. Khổ mấy tui cũng vui...”.

Xong chuyện thì chợ đã vãn. Chị lại nhanh nhảu dọn hàng cho khách, vội vàng đánh xe đi.

Tôi sực nhớ còn nợ chị câu trả lời. Ngày mai, có lẽ tôi phải nói với chị. Rằng có thể chị không đẹp trong mắt người đàn ông ấy. Nhưng với tôi, sao chị lại đẹp đến thế. Chị đẹp như một cây tùng xù xì nhưng vững chãi, mạnh mẽ, ấm áp. Cây tùng ấy dù khi lạnh lẽo hay nắng gắt, vẫn xòe ra những tán lá râm mát, dịu dàng, che chở cho các con. Như sự dịu dàng sâu thẳm ánh lên từ đôi mắt ướt đẫm của chị...

TIỂU MUỘI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm

Trên những cánh đồng lộng gió mùa hè, một số nơi nông dân tranh thủ gặt lúa, gom lúa, trực canh lúa. Không khí mùa màng khi đêm về náo nức, rộn ràng không kém ban ngày.

Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm
Phụ nữ sống xanh

Để phong trào “Chủ nhật xanh” thực sự “bám rễ”, hình thành thói quen bảo vệ môi trường, sống xanh, sạch, đẹp đối với từng hội viên phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã cụ thể phong trào bằng những mô hình thiết thực, hiệu quả như: Tuyến đường hoa, Điểm xanh văn hóa, Mỗi hố rác một cây xanh, Biến rác thành tiền, Ngõ xanh, 60 phút sạch nhà đẹp ngõ... Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân về tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) tại khu dân cư ngày càng được nâng cao.

Phụ nữ sống xanh
Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con

TIN MỚI

Return to top