Bà Mai Thị Huê chăm sóc vườn cam của gia đình
Bước vào ngôi nhà mới xây của bà Mai Thị Huê ở thôn An Thôn, xã Phong Thu (Phong Điền) với kinh phí hơn 700 triệu đồng, chúng tôi không tin rằng trước đây gia đình bà là một trong những hộ nghèo. Ngôi nhà khang trang 2 tầng với đầy đủ tiện nghi đã nói lên những nỗ lực không ngừng của bà Huê, người phụ nữ đơn thân là cháu của Mẹ Việt Nam Anh hùng, con của liệt sĩ.
Năm 2003, bà là một trong những hộ nghèo của xã được Ngân hàng CSXH huyện Phong Điền tạo điều kiện vay 20 triệu đồng. Từ nguồn vốn ban đầu, bà quyết định mua đất lâm nghiệp để trồng rừng. Năm 2005, bà tiếp tục được Ngân hàng CSXH cho vay 40 triệu đồng để phát triển rừng tràm, rừng cao su và cây ăn quả. Năm 2015, bà tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để mở rộng trồng rừng và cây ăn quả.
Đến nay, gia đình bà đã có 3ha rừng tràm, 1ha cao su và 1,5ha cây có múi như: bưởi, thanh trà, quýt, cam... Tổng thu nhập (sau khi trừ chi phí) khoảng từ 150-200 triệu đồng/năm. Bà Huê tâm sự: Nếu không có nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH thì dù cần cù, chịu khó, gia đình bà cũng không có như ngày hôm nay.
Gia đình bà Nguyễn Thị Diệp và ông Nguyễn Ngưng (thôn Thanh Hương Đông, xã Điền Hương) có bốn người con học đại học, cao đẳng cũng nhờ đồng vốn Ngân hàng CSXH. Trong đó, hai người con đầu đã ra trường, có công ăn việc làm ổn định tại một công ty liên doanh nước ngoài; hai người con còn lại đang học năm 1 và năm 3 ở Huế.
Năm 2007, gia đình bà Diệp được Ngân hàng CSXH cho vay 10 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo để phát triển kinh tế gia đình và 32 triệu đồng để trang trải chi phí học tập cho con. Từ nguồn vốn này, gia đình bà đã đầu tư nuôi bò, gà, heo và trồng lúa, trồng ném, đầu tư cho các con ăn học. Năm 2013, gia đình bà tiếp tục được Ngân hàng CSXH cho vay thêm 30 triệu đồng theo chương trình hộ cận nghèo để mở rộng sản xuất. Nay, gia đình bà đã trả hết các khoản nợ, chỉ còn lại 23 triệu đồng tiền vay theo chương trình học sinh sinh viên.
Ngân hàng CSXH Phong Điền ủy thác qua các tổ chức hội đoàn thể cấp huyện, cấp xã. Trong đó, Hội Phụ nữ quản lý 216 tỷ đồng với 168 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); Hội Nông dân quản lý 83 tỷ đồng với 77 tổ TK&VV; Hội Cựu chiến binh quản lý 24 tỷ đồng với 24 tổ TK&VV; Đoàn Thanh niên quản lý 26 tỷ đồng với 22 tổ TK&VV.
|
Ông Phan Phúc, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Phong Điền thông tin: Những năm qua, chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ... Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt an sinh xã hội. Toàn huyện có 662 hộ nghèo được vay vốn, trong đó 253 hộ đã thoát nghèo trong năm 2018.
Đến nay, Ngân hàng CSXH Phong Điền có tổng nguồn vốn trên 350 tỷ đồng với 19 chương trình vay vốn, trong đó phải kể đến chương trình cho vay hộ nghèo. Riêng năm 2018, có hàng trăm lượt hộ nghèo được vay vốn sản xuất, đáp ứng chủ trương “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ngoài ra, để giảm nghèo bền vững (nghĩa là những hộ thoát nghèo không bị tái nghèo), Ngân hàng CSXH huyện thực hiện chủ trương cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đạt được những kết quả tích cực.
Theo ông Phúc, năm 2019, Ngân hàng CSXH Phong Điền tập trung huy động các nguồn lực, nhất là từ nguồn vốn của chính quyền địa phương giao Ngân hàng CSXH quản lý để thực hiện cho vay các chương trình dự án trọng điểm của huyện. Theo đó thực hiện đề án giảm nghèo, chương trình tạo việc làm, cho vay xuất khẩu lao động, các mô hình nông nghiệp sạch; từ đó giúp người dân có cơ hội phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, rời xa nạn tín dụng đen đang hoành hành hiện nay...
Bài, ảnh: HẢI HUẾ