Chú Tuệ cần mẫn với công việc của mình
Sau nhiều lần tìm người cắt cỏ để vệ sinh đường xóm, chúng tôi may mắn được một người bạn giới thiệu chú Tuệ. Theo như người “mai mối” thì chú Tuệ cắt cỏ rất cẩn thận, sạch sẽ, thù lao cũng vừa phải. Không phụ công tin tưởng của cả xóm, chỉ với một chiếc máy cắt cỏ khá nhỏ, bằng đôi tay thoăn thoắt, chỉ sau hai giờ đồng hồ đoạn đường gần 300m của xóm được cắt sạch sẽ, gọn đẹp.
Chú Tuệ cho biết, vốn là công nhân của Công ty Quản lý đường bộ 2, cắt cỏ, làm sạch, đẹp những tuyến đường là công việc hàng ngày của chú. Khi về hưu sớm, thấy sức khỏe còn tốt nên chú mua một máy cắt cỏ để làm thêm. Càng làm, càng quen khách, thấy nhu cầu cắt cỏ, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, dọn cỏ ở các trang trại, sân vườn ngày một tăng nên chú “hành nghề” luôn và đầu tư mua thêm máy cắt cỏ loại lớn và tốt hơn.
Tạm nghỉ tay để uống nước khi đã làm sạch gần một tuyến đường cỏ um tùm, lưng chú ướt đẫm, áo quần thì dính đầy bụi cỏ. Mặc dù theo giao kèo, chú Tuệ chỉ cắt cỏ từ đường vào lề là 1,5m, nhưng thấy tuyến đường vì nhà ở thưa thớt nên cỏ dại mọc khá nhiều chú đành “ra tay” dọn luôn những phần cây dại, bụi rậm giúp khách hàng.
"Cắt đây xong là tôi phải đến vườn của một khách quen để cắt cỏ, nhưng không phải vì thế mà cắt qua loa. Tính tôi vậy, đi đến đâu là cỏ phải sạch sẽ đến đó, mình nhìn được mắt thì khách mới vừa ý. “Dắt túi” cho mình được mấy chục mối cắt cỏ trang trại, vườn… nên công việc cũng đều đặn, thu nhập không đến nỗi nào. Làm gì cũng vậy, mình làm có tâm, giá cả hợp lý thì khách sẽ quay lại. Thường thì tôi cắt cỏ sẽ không tính theo giờ mà ước lượng diện tích cỏ. Tôi đã không làm thì thôi, chứ làm là phải thật sạch, khách hàng vừa ý mình nhận tiền công mới xứng đáng. Đồ nghề thì đầu tư cũng không đáng là bao, thường thì mỗi cái máy giá từ 2-5 triệu đồng. Cái quan trọng là phải biết bỏ sức, lấy công làm lãi”, chú Tuệ bộc bạch.
Vừa làm vừa trò chuyện, tiếng máy cắt cỏ rè rè, nghe câu được câu mất nhưng qua sự cởi mở của chú, tôi cũng biết thêm nhiều điều về nghề cắt cỏ nhìn thì đơn giản nhưng cũng rất thú vị, nhất là làm đến đâu thấy thành quả và sự “lột xác” của cảnh quan đến đó. Như tuyến đường xóm tôi cũng vậy, mặc dù tháng nào mọi người cũng cùng nhau dọn vệ sinh, nhưng qua bàn tay của chú Tuệ cả tuyến đường như được “lên đời” bởi sự thông thoáng, rộng rãi.
Không chút giấu giếm, chú cho biết mỗi ngày nếu cắt 2-3 nơi thì cũng kiếm được tiền triệu. Vốn thì chỉ vài lít xăng. Cơ bản cần sự chịu khó và trách nhiệm với công việc là được.
Nói vậy thôi, chứ tận mắt chứng kiến chú Tuệ vác chiếc máy cắt cỏ hàng giờ đồng hồ, bất chấp mọi thời tiết, lưng nhễ nhại mồ hôi, cử động lên xuống liên tục theo độ cao, thấp của cỏ, cây dại với đôi tay chai sạn thì biết chắc nghề cắt cỏ không hề nhàn.
Công việc đã xong, nhận tiền công cùng với tiền xóm tặng thêm do chú làm nhiệt tình và sạch hơn mong đợi khiến chú rất vui. Nhưng có lẽ vui hơn là cái lịch hẹn tháng sau ghé cắt cỏ tiếp cho tuyến đường của xóm dành cho chú. Chất hết dụng cụ hành nghề của mình lên xe máy, vội vã bước lên xe, chú lại tiếp tục rong ruổi khắp các nẻo đường để “hành nghề’. Những con đường, khu vườn được sạch hơn, sáng hơn qua bàn tay cần mẫn của chú.
Bài, ảnh: Thanh Thảo