ClockThứ Sáu, 03/11/2023 11:56

Chuyện của chị Mười

TTH - Xã Quảng Nhâm (A Lưới) hầu như ai cũng biết đến cái tên Nguyễn Thị Mười, một phụ nữ năng động, tận tâm với phong trào. Chị còn triển khai nhiều mô hình kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ con giống cho hộ khó khăn.

Cần có phương án kịp thời, an toàn cho người dân

Chị Mười chăm sóc đàn lợn 

Theo chân chị Mười vào ngôi nhà nhỏ khang trang trên con đường dốc, vừa nghe tiếng chủ, lũ gà, vịt đã kéo nhau chạy về chờ cho ăn. Đi họp thôn bàn việc cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân từ sớm đến trưa mới xong, đây cũng là giờ chị cho gia súc, gia cầm trong nhà ăn.

Trên diện tích vườn 300m2, mỗi năm chị nuôi quay vòng vài ba lứa lợn thịt cùng 200-300 gà, vịt, ngan, ngỗng. Năm 2017, ban đầu chỉ định chăn nuôi tranh thủ lúc nông nhàn và đỡ lo cái ăn trong nhà nhưng càng nuôi càng “mát tay”. Chị bắt đầu vay ngân hàng 50 triệu đồng, đầu tư xây dựng chuồng trại với tổng số tiền 150 triệu đồng. “Nhờ chồng động viên, góp sức, mình tự nhủ thử làm giàu một phen coi răng”, chị nhớ lại.

Hàng ngày, chị trồng môn, trồng rau, kiếm thêm thức ăn, giảm bớt tiền bột chăn nuôi, chồng chị phụ thêm vợ kiếm chuối, chăm sóc đàn lợn. Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình gia đình, chị khoe: “Chị nuôi 27 con lợn, mới xuất chuồng 9 con cũng được giá. Đặc biệt, hai chuồng chỉ nuôi giống lợn bản. Tuy hai năm mới xuất chuồng, thời gian công sức chăm sóc nhiều hơn, song giá gấp đôi lợn thịt, nuôi đến đâu có người đặt mua đến đấy”.

Khi kinh tế đã vững vàng, thu nhập ổn định, chị thành lập nhóm chăn nuôi với hơn 33 hộ cùng giúp người khó khăn. Từ những con giống đầu tiên được hỗ trợ, gia đình Hồ Văn Nhức, Hoàng Văn Phí, Nguyễn Thị Nghị… tập tành gầy đàn gia cầm cho riêng mình. Chị Mười còn lập nhóm tiết kiệm cho chị em phụ nữ, mỗi ngày nuôi heo đất một ít. Cuối năm, mỗi chị có 5-7 triệu đồng mua sắm tết cho gia đình.

Từng kinh qua nhiều chức vụ như trưởng thôn, bí thư chi bộ và hiện là chủ tịch mặt trận thôn, chị có nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, dân vận. Thôn Pi Ây nơi chị ở 70% là hộ nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Thực hiện chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, ưu tiên hỗ trợ, giúp đỡ các hộ khó khăn, chị cùng cán bộ thôn đều họp dân, công khai bình chọn theo tiêu chí. “Mỗi khi người dân có ý kiến hay góp ý mình đều lắng nghe, ghi chép cẩn thận. Trường hợp nào nan giải thì nhờ tư vấn hoặc tham mưu cấp trên; sợ nhất là không công bằng, thiếu đồng thuận thôi”, chị Mười chia sẻ.

Không chỉ cùng tổ hòa giải tham gia xử lý vụ việc mà có khi một mình chị phải linh hoạt xông pha hòa giải, can ngăn bạo hành gia đình; hô hấp nhân tạo cứu người bị tai nạn ngất trên đường. Phong trào chung, hoạt động cộng đồng của các tổ chức hội chị đều tham gia. Ở vị trí nào chị cũng thể hiện bản lĩnh, cứng rắn khiến người dân nể phục. Hộ nào gặp khó khăn, ốm đau đột xuất, chị vận động mọi người góp rau củ, tiền mặt, ngày công. Như gia đình chị Trần Thị Ngầm mới đây mất đi lao động chính, chị hô hào bà con chòm xóm chung tay giúp mẹ con chị Ngầm vượt qua nghịch cảnh.

Chị Ngầm chia sẻ: “Lúc chồng mình bị tai nạn, ra đi đột ngột, mấy mẹ con mình hoang mang, bơ vơ. Cũng may có chị Mười huy động chị em và thôn xóm hỗ trợ gia đình lo tang lễ. Thi thoảng, xin được suất quà nào chị cũng mang đến chia sẻ, động viên mẹ con mình”.

Ông Hồ Văn Thiệp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Nhâm nhận xét: “Chị Mười là người có uy tín trong cộng đồng, được người dân tin tưởng. Chị vừa làm kinh tế giỏi, vừa dân vận khéo. Miệng nói tay làm, chị là tấm gương cho bà con noi theo. Với vai trò cán bộ bán chuyên trách thôn, chị hoạt động năng nổ, tham mưu hiệu quả cho chính quyền địa phương”.

Dưới góc nhìn của chị Hồ Thị Tanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Nhâm thì chị Mười luôn đi đầu trong tất cả các hoạt động, phong trào Hội phát động. “Gia đình chị ấy có nhiều mô hình như nuôi gà vịt, nuôi lợn, trồng rừng. Từ tấm lòng nhân hậu của chị Mười, nhiều chị em khó khăn được hỗ trợ giống chăn nuôi, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình phát triển kinh tế”.

Bài, ảnh: LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản xuất, sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho thủy sản nước ngọt

Chiều 17/9, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả thực hiện dự án KHCN cấp tỉnh "Sản xuất và sử dụng ấu trùng ruồi lính đen (Hermetia illucens Linnaeus, 1758) làm thức ăn cho một số đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế tại Thừa Thiên Huế" do Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế chủ trì thực hiện.

Sản xuất, sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho thủy sản nước ngọt
Ứng phó nắng nóng cho gia súc, gia cầm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện, sở đang triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống nắng nóng và dịch bệnh cho đàn gia sức gia cầm (GSGC) đến tận các địa phương, hộ chăn nuôi. Đáng chú ý là các biện pháp, kỹ thuật chữa cảm nắng, cảm nóng cho GSGC và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Ứng phó nắng nóng cho gia súc, gia cầm
Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (DCGC), ngày 23/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ DCGC. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất vi rút DCGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

TIN MỚI

Return to top