Phong cách của Tò Vò Hostel là kiến trúc Santorini mới lạ, thu hút
Các homestay xuất hiện ngày một nhiều hơn, được đầu tư kỹ lưỡng về cả chất lượng phòng ốc và dịch vụ. Tại những vùng sâu, vùng xa, đến các huyện miền núi như A Lưới, Nam Đông cũng dần xuất hiện những homestay đầy đủ tiện nghi, thỏa mãn được nhu cầu của khách du lịch địa phương, trong và ngoài nước.
Đang trên đà phát triển thì dịch bệnh bùng phát, du lịch ngưng trệ, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải đóng cửa. Loại hình kinh doanh homestay cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, chính trong thời điểm này, nhiều chủ cơ sở kinh doanh homestay đã quyết đoán lựa chọn phương thức mới, trong đó có kết hợp dịch vụ lưu trú với dịch vụ kinh doanh coffee.
COVID-19 kéo dài, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trở nên khốn đốn vì không còn nguồn khách du lịch. Một số địa chỉ homestay phải đóng cửa, một số cầm cự, thay đổi khách lưu trú ngắn ngày chuyên đón khách du lịch vãng lai thành… phòng trọ; nơi khác lại giảm giá lôi kéo người dân bản địa đến để nghỉ ngơi, thư giãn. Một số resort, homestay vốn chuyên đón khách nước ngoài cũng chuyển theo chiều hướng này. Nhiều homestay đã tận dụng không gian rộng rãi, đầu tư thêm điểm nhấn để làm quán coffee thu hút giới trẻ đến uống coffee và check-in. Tuy nhiên, đây chỉ dành cho những homestay cao cấp với nhiều ưu thế về vị trí và có không gian kiến trúc. Nhưng dù muốn dù không hầu hết các địa chỉ homestay đều hoạt động cầm chừng mong cho qua dịch.
Chị Võ Thị Thúy, chủ nhân của Sahi Homestay Retreat, cho biết: “Mình mở Sahi từ 2/9/2019 với chủ trương kinh doanh dịch vụ lưu trú – homestay là chính, có bán coffee nhưng thường chỉ dành cho khách thuê chứ không quảng cáo gì. Lượng khách chính của mình là du khách nước ngoài, chiếm khoảng 70%, lúc ấy kinh doanh rất ổn định”. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn, vào tháng 9 vừa rồi, chị Thúy tập trung cho phần coffee, quảng cáo nhiều hơn để thu hút khách tại chỗ. Với cách đầu tư được “cập nhật” theo hoàn cảnh, Sahi Homestay Retreat trở thành một địa điểm uống coffee và check-in “hot” của giới trẻ Huế, phần thu từ dịch vụ coffee đã thực sự giúp cho cơ sở kinh doanh của chị Thuý tồn tại trong mùa dịch.
Anh Nguyễn Lê Minh Quân, chủ của Tò Vò Hostel cũng làm tương tự. Không có không gian rộng, anh áp dụng một phương án mới chưa từng xuất hiện tại Huế, đó là Coffee-in-Bed, vừa uống coffee vừa sở hữu những không gian nhỏ kê giường nằm, là nơi để thư giãn, đồng thời có thể làm việc và học tập. Dịch vụ mới lạ này đã thu hút được rất nhiều các bạn trẻ sử dụng.
Anh Quân cũng chia sẻ: “Mình vốn tập trung vào làm du lịch, thế nên luôn cố gắng để phát triển thêm các dịch vụ phục vụ du khách, trong đó có cả coffee. Dịch bệnh diễn ra là điều không ai mong muốn nhưng đó cũng là cơ hội để mình tập trung hơn vào dịch vụ này. Coi như một cách làm để tồn tại qua cơn khó khăn, biến nguy thành cơ, mình đang cố gắng để phát triển hơn nữa, tạo nên loại hình du lịch Staycation - Du lịch tại chỗ, giúp chính người dân Cố đô khám phá được nhiều điều hay, thú vị hơn ngay tại Huế. Đây cũng là một loại hình du lịch rất thích hợp trong mùa dịch”.
Không chỉ hai nơi này, còn có rất nhiều homestay chuyển hướng từ chỉ kinh doanh dịch vụ lưu trú đến kinh doanh song song hai loại hình dịch vụ. Đó là lựa chọn linh hoạt, hiệu quả trong thời kỳ dịch bệnh của những người kinh doanh năng động.
Bài, ảnh: Phạm Phước Châu