|
Tác giả (bên phải) cùng nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc trong chuyến trở lại A Bia |
Năm 2006, trong chuyến thực tế sáng tác tại A Lưới, chúng tôi lần đầu chinh phục đỉnh A Bia từ ngả thôn A Huơr (Nhâm). Người dẫn đường là trưởng thôn Hồ A Nhơi, con trai của già làng Plong Cu Xe. Lên đường ngay từ tờ mờ sáng, chúng tôi ai nấy nai nịt gọn gàng, lần lượt băng qua những rẫy lúa tương đối bằng phẳng trước khi lách vào con đường mòn nhỏ hẹp, trơn trượt, vắt vẻo cây rừng; rồi vượt qua nhiều dốc núi lớn, nhỏ, đặc biệt là con dốc có tên A Nâr Mai rất hẹp, gần như dựng đứng, chằng chịt rễ cây rừng. Buổi sớm mai, lúc đầu cảnh rừng yên ắng lạ thường, rồi khi nắng lên chim muông, ve rừng đua nhau cất tiếng rộn rã, náo động. Bà con bảo rằng, lên “Đồi Thịt Băm” thì phải tìm tới thân cây arlăng linh thiêng tương truyền là nơi từng hứng chịu những đòn băm xác trả thù người du kích gan dạ Cu Lói.
Chuyện kể rằng, trong những ngày diễn ra các trận giao chiến ác liệt trên đỉnh đồi A Bia, Cu Lói đã cùng đồng đội dũng cảm đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Nhưng rồi trong trận đánh sau cùng, Cu Lói đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chốt chặn cuối cùng cho đơn vị rút lui, vừa đánh lạc hướng vừa ngăn chặn sự truy sát của địch. Quân Mỹ tràn lên, trong cơn tức tối điên cuồng, chúng kéo xác Cu Lói lên thân cây arlăng ngã đổ bên đường, và cứ thế mà băm mà vằm. Máu xương Cu Lói văng vãi, thấm vào từng thớ gỗ, thấm xuống đất rừng oai linh. Từ đó có tên đồi Băm trong tâm khảm của đồng bào dân tộc. Chứ không phải là “Đồi Thịt Băm” mà người Mỹ đặt cho ngọn đồi ám ảnh này.
|
Thân cây arlăng trên núi A Bia |
Tôi vẫn còn nhớ như in khung cảnh khu rừng già buổi trưa hôm ấy, một không gian im ắng, thật linh thiêng, thật bi tráng. Thân cây arlăng nằm cạnh con đường mòn, dài gần 20 mét, rộng cỡ một vòng tay ôm. Lớp vỏ ngoài ẩm mục, xù xì nhưng thớ gỗ bên trong vẫn còn khá săn chắc. Chúng tôi bày một đĩa aquac, một nải chuối và một chai rượu lên thân cây rồi thắp hương khấn vái. Hàng trăm thân xác đã nằm lại nơi này, trong “một trận đánh ác liệt nhất, khủng khiếp nhất và kinh hoàng nhất”, biến A Bia “núi muôn thú ẩn mình” thành một ngọn đồi chết chóc. Trong mùi khói hương vảng vất, tôi nghĩ về những người đã ngã xuống cho quê hương. Những con người bình dị, chân chất, thật thà, giặc đến thì đánh đuổi giặc, giữ đất, giữ rừng.
Tôi nghĩ về những người lính Mỹ, họ đâu có muốn bỏ xác ở một nơi cách những ngôi nhà ấm cúng thân thương của họ nửa vòng trái đất? Chiến tranh là gì? Tại sao không cứ mãi là đồi A Bia hiền lành mà lại là "Đồi Thịt Băm" tàn khốc? Hàng chục năm đã trôi qua, sự sống đã trở lại trên những cánh rừng có đủ làm nguôi ngoai những mất mát, đau thương? Đột nhiên, trong khói hương nghi ngút, chúng tôi thấy chai rượu bị nghiêng đổ xuống thân cây. Mọi người trong đoàn cùng nói: “Kìa Cu Lói đã về uống rượu với chúng ta!”.
Lần thứ hai tôi lên A Bia là từ hướng Hồng Bắc, cùng với người bạn họa sĩ Hà Nội. Lúc này khu di tích lịch sử đồi A Bia đã được xây dựng khá cơ bản, bao gồm cả nhà trưng bày dưới chân núi, vừa đáp ứng niềm mong mỏi của đồng bào, vừa phục vụ du lịch. Từ chân núi lên tới đỉnh vừa thở vừa đếm được 853 bậc đá được xây rất vững chắc, có những khoảng nghỉ chân thuận tiện cho du khách. Nhờ các bảng chỉ dẫn, chúng tôi mới có thể hình dung phần nào vùng chiến sự năm xưa, vị trí máy bay rơi, trạm xá dã chiến, bãi đáp trực thăng… Sau gần hai giờ đồng hồ leo núi, chúng tôi lên tới đỉnh đồi, nơi có đặt nhà bia tưởng niệm. Ngày ấy, A Bia là một vị trí chiến lược trên đường Trường Sơn, là nơi đóng quân tập trung của các trung đoàn bộ đội chủ lực, là nơi tập kết lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường, nơi đặt bệnh viện cứu thương an dưỡng cho thương binh từ chiến trường trở về…
Đứng trên đỉnh A Bia có thể nhìn thấy toàn bộ thung lũng A Lưới. Với tầm quan trọng và lợi thế như vậy, ngọn núi này chính là mục tiêu kiểm soát của quân đội Mỹ, đẩy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam sang bên kia biên giới Lào, phá kho tàng, cắt đường vận chuyển từ Bắc vào Nam qua địa bàn A Lưới. Rất nhiều bài báo, trang sử liệu, lời kể của cựu chiến binh từ cả hai phía đã nói nhiều về những trận đánh diễn ra trong 9 ngày đêm tại đồi A Bia (từ 10 đến 18 tháng 5 năm 1969), giằng co và thương vong khốc liệt, trong chiến dịch mà phía Mỹ đặt tên là Apache snow (Tuyết trên đỉnh Apache). Để rồi cuối cùng, không phải tuyết mà chỉ có máu đổ trên ngọn “Đồi Thịt Băm”. Tại Nhà trưng bày điểm di tích lịch sử Đồi A Bia (Hồng Bắc) có một tấm hình chụp những người lính Mỹ với đôi mắt lạc thần, trên nón sắt có ghi dòng chữ “War is hell” (Chiến tranh là địa ngục).
Vừa rồi, tôi lại có dịp lên A Lưới, vào thăm lại làng A Huơr thân thuộc. Đứng nơi sân nhà rông nhìn về phía núi, tôi nhớ vô cùng chuyến đi rừng năm xưa. Bất giác tôi nhớ thân cây arlăng thấm máu người du kích anh hùng Cu Lói. Trưởng thôn Hồ A Nhơi nói, thân cây này là nơi nghỉ chân của đồng bào đi rừng. Liệu câu chuyện của người dân bản về thân cây arlăng có được kiểm chứng? Thân cây có còn ở đó, lạnh lẽo cô quạnh bên đường rừng? Thớ gỗ có còn săn chắc như ngày chúng tôi đến khám phá và chiêm nghiệm? “Địa điểm chiến thắng Đồi A Bia” nay đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Vậy thì thân cây arlăng trên núi A Bia từ lâu đã rất thiêng liêng trong tâm khảm bà con dân tộc thiểu số, liệu có cơ hội được tìm hiểu và xác quyết để góp thêm một mẩu chuyện lịch sử bi tráng? Già làng Hồ Viên Pưa năm xưa khi lần đầu tôi đến đây là Chủ tịch xã Nhâm nay đã mất rồi, tôi đi một vòng khắp làng A Hươr không tìm ra ai để hỏi…
Arlăng, trong tiếng Tà ôi có nghĩa là nhắc nhớ nhau…