ClockThứ Năm, 20/06/2019 20:04

Chuyện về một nữ đồng nghiệp

TTH.VN - Trước tết năm 2017, tôi vinh dự nhận nhiệm vụ là phóng viên từ tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đồng nghiệp trên mọi miền đất nước đến tác nghiệp tại tuyến đảo Tây Nam của Tổ quốc. Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đón đoàn phóng viên tại đảo Phú Quốc và từ đây tàu hải quân sẽ đưa đoàn công tác qua các điểm đảo Hòn Chuối, Hòn Khoai, Nam Du, Thổ Chu..., trong vòng 7 ngày.

Chuyến tác nghiệp đặc biệtBáo chí cần chủ động hơn trong tác nghiệp

Nữ đồng nghiệp, Thiếu tá nhà báo Đặng Thu Hà (giữa) cùng đoàn tác nghiệp biển đảo , tác nghiệp trên điểm đảo Hòn Chuối

Chúng tôi ai nấy đều cố gắng tác nghiệp mọi lúc mọi nơi, “khai thác” thật sâu, thật nhiều về những người lính hải quân vượt mọi gian khổ, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, cầm chắc tay súng ngày đêm canh giữ bình yên  Tổ quốc. 7 ngày, 5 điểm đảo và chặng đường dài trên biển. Tất cả đều phải gấp rút, dốc toàn tâm, toàn ý để có thể có tư liệu thực hiện những bài viết hay, sâu sắc.

Trên tàu có 130 phóng viên, đại biểu, cán bộ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và thủy thủ đoàn, nên sàn boong cũng là… giường ngủ. “Chiếc giường lớn” ấy dành cho nam giới. Các phóng viên nữ được xếp chỗ sinh hoạt trong phòng của thủy thủ. Phòng chỉ có 6 giường tầng nên sàn phòng cũng được tận dụng tối đa.

Trong không gian chật hẹp, mọi người dễ thông cảm, giúp đỡ nhau nên ai nấy cũng nhanh chóng thân thiết hơn. Đang tác nghiệp trên biển đảo, nhưng là phụ nữ nên hầu hết nữ phóng viên vẫn không quên làm đẹp. Quần áo thuận tiện cho việc tác nghiệp nhưng vẫn phải đẹp, thời trang. Thậm chí, nhiều nàng vẫn xúng xính váy áo mỗi lúc tác nghiệp tại các điểm thuận lợi.

Tôi để ý thấy một cô gái, hình thức có vẻ “cũ” bởi làn da, gương mặt vốn sạm nắng gió, lại không trau chuốt phấn son. Trang phục của bạn cũng độc một kiểu quần jean áo thun. Tôi thầm nghĩ, có lẽ bạn tự ti nên mới ít giao tiếp với các đồng nghiệp khác, chỉ thường hay cười cười, thay vì “buôn dưa lê” trong những thời gian nghỉ ngơi. Trong đầu tôi thoáng suy nghĩ, chắc cô nàng cũng chẳng làm nên bao nhiêu “cơm cháo” từ chuyến tác nghiệp này.

Kết thúc chuyến tác nghiệp, trước khi chia tay, phóng viên trong đoàn “kết” facebook. Trở thành bạn bè trên mạng xã hội, tôi, bạn và nhiều đồng nghiệp trong đoàn có cơ hội cập nhật thông tin về cuộc sống, công việc thường ngày của nhau nhiều hơn. Bạn khiêm tốn nhắn, nếu bài tôi đã được đăng, gửi để bạn cùng đọc. Không lâu sau đó, tôi “choáng” vì trang facebook cá nhân của bạn ngập tràn lời chúc của người thân, đồng nghiệp, bạn bè bởi bạn là “chủ nhân” của bút ký 3 kỳ "Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng" đoạt giải nhất cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10 năm 2018 do Báo Quân đội Nhân dân, Vụ Báo chí- xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân và Tổng Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức.

Lúc này tôi mới biết bạn là nhà báo, Thiếu tá Đặng Thu Hà (Báo Quân đội Nhân dân). Vào đường link để đọc loạt bài của bạn viết về 3 cô giáo vượt qua những gian nan, thiếu thốn, vất vả, bám trụ tại bản Lùng Cúng, xã Nậm Cỏ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, mảnh đất khó khăn nhất của cả nước, là vùng "4 không" (không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, không trạm y tế) để mang cái chữ và yêu thương đến cho học trò, tôi mới hiểu bạn đã  vượt qua những chặng đường hiểm trở đầy nguy hiểm sau trận lũ quét, đã “cháy” ngọn lửa đam mê, trách nhiệm, hết lòng vì công việc; đã dành trọn vẹn cảm xúc cho những điều tốt đẹp, để tác nghiệp, thực hiện thành công tuyến bài, lan tỏa thông điệp đẹp đẽ vào cuộc sống.

Trong những ngày ngắn ngủi cùng tác nghiệp nơi biển đảo, tôi đã có những suy nghĩ “xem nhẹ” bạn. Ấy vậy mà ẩn sau bề ngoài có vẻ “cũ” vì gương mặt không “tô điểm”, những bộ trang phục giản đơn, là một trái tim cháy hết mình với nghề, với những điều tốt đẹp, đáng để học hỏi.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện về 8 câu đối ở Xương Lăng

Lăng Hoàng đế Thiệu Trị (làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, TP. Huế) có tên chữ là Xương Lăng. Đây là một khu lăng mộ có cảnh quan đẹp và quy mô hoành tráng ở Cố đô Huế. Qua thời gian, công trình bị hư hại nặng nề.

Chuyện về 8 câu đối ở Xương Lăng
Chuyện về thân cây Arlăng trên “Đồi Thịt Băm”

Núi A Bia (A Biêyh) của huyện miền núi A Lưới không còn xa lạ từ ngày được phim ảnh và báo chí Mỹ đặt cho cái tên “Đồi Thịt Băm” (Hamburger Hill) ám ảnh sau trận chiến tàn khốc chín ngày đêm tháng 5 năm 1969, giữa quân đội Mỹ và quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp là Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 và dân quân A Lưới. A Bia là một dãy núi gồ ghề gồm 3 mỏm nằm cạnh nhau như thế kiềng ba chân, mỏm cao nhất là cao điểm 937 (937 mét so với mực nước biển). Tôi có hai lần lên đỉnh núi A Bia, một từ ngả xã Nhâm (nay là Quảng Nhâm) và một từ Hồng Bắc.

Chuyện về thân cây Arlăng trên “Đồi Thịt Băm”
Những điều tốt đẹp

Chuyến về quê lẽ ra khởi hành vào sáng sớm, nhưng lại đột xuất có việc khá quan trọng cần giải quyết. Việc xong cũng đã quá trưa, tôi liền mua vé tàu, nhưng thật không may lại hết vé, chỉ còn 1 ghế phụ của chuyến tàu đầu giờ chiều. Biết ngồi ghế phụ rất bất tiện, nhưng thôi đành.

Những điều tốt đẹp
Bao giờ mới đi cùng nhau?

Lâu nay, chúng ta vẫn nghe nhiều đến làm việc nhóm, hay các team (từ tiếng Anh) – còn gọi là các đội, nhóm, tổ. Cũng có những ý kiến khác cho rằng, “team” là tổ hợp của T (together); E (everyone); A (achieves) và M (more) trong một ý nghĩa chung là mọi người làm việc cùng nhau thì sẽ đạt được nhiều thành quả hơn.

Bao giờ mới đi cùng nhau
Ước chi mình là họa sĩ

“Ước mình có thể là họa sĩ”, đó là niềm mơ của tôi trong lần về tác nghiệp tại điểm cách ly tập trung dành cho người nước ngoài tại Khu nghỉ dưỡng Sun&Sea.

Ước chi mình là họa sĩ
Return to top