Cùng các học sinh phục dựng chú voi đá ở công viên
Bén duyên với Nam Đông từ tháng 8/2005, suốt 16 năm qua, chị Nguyễn Thị Nam đã trở nên quen thuộc với người đồng bào Cơ Tu tại mảnh đất này. Chị chia sẻ, nhà gươl là tài sản chung, đây là không gian có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc Cơ Tu tại huyện Nam Đông. Tuy nhiên, qua thời gian, nhà gươl tại địa phương đã xuống cấp, hư hại cũng như những tri thức, nét văn hóa về nhà Gươl đang dần mai một. Việc bảo tồn nhà gươl đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác gìn giữ, lưu truyền bản sắc văn hóa của dân tộc Cơ Tu nói chung và nhà gươl truyền thống của dân tộc Cơ Tu tại huyện Nam Đông nói riêng. Vì vậy, khi được chính quyền địa phương đề nghị việc vẽ tranh trên tường nhà gươl thì chị Nam nhận lời ngay.
“Mình rất vui vì đã góp phần tái hiện lại đời sống văn hoá cũng như một số phong tục của người dân tộc Cơ Tu trên địa bàn huyện qua những bức vẽ. Dạo ấy, do phải bàn giao công trình trước tết dương lịch, thời gian gấp rút nên nhiều khi mình phải thắp điện vẽ vào buổi tối. May mắn rằng, chồng mình cũng là giáo viên dạy vẽ, hai con cũng yêu thích vẽ tranh nên cả nhà cùng tham gia vào những tác phẩm trên nhà gươl”, chị Nam bộc bạch. Mất 2 tháng, hai công trình bảo tồn nhà gươl tại xã Thượng Lộ và xã Thượng Long (Nam Đông) được phủ lên những bức tranh vẽ tay đầy màu sắc và mang đậm bản sắc văn hóa.
Phác họa nét đầu tiên của những bức tranh
Theo ông Lê Nhữ Sửu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Đông, những bức tranh vẽ bên trong nhà gươl của đồng bào Cơ Tu đã có truyền thống từ lâu đời. “Trò chuyện với những già làng, các cụ cho biết, từ thời xưa, những hoạt động của người đồng bào đã được tổ tiên vẽ lại bên trong nhà gươl. Đàn ông thì đánh cồng, săn bắt, làm nương rẫy; phụ nữ bồng con, dệt vải, giã gạo... Vì vậy, sau khi phục dựng lại nhà gươl ở hai xã Thượng Long và xã Thượng Lộ, phòng cũng đã tham khảo ý kiến của người dân và các già làng, rồi nhờ chị Nam vẽ tranh, tái hiện lại nét truyền thống từ ngàn xưa của người Cơ Tu”, ông Sửu chia sẻ.
Những bức tranh trên nhà gươl thể hiện những sinh hoạt ngày thường của đồng bào Cơ Tu mà chị Nam đã rất đỗi quen thuộc sau 16 năm sinh sống. “Những hình ảnh bà con đi làm rẫy, gánh nước, các em nhỏ đi bộ đến trường,… hay những buổi liên hoan cồng chiêng đã luôn đọng lại trong tâm trí mình mỗi khi nghĩ về Nam Đông. Chính vì vậy, mình đưa những hoạt động thường nhật đó vào những bức vẽ, để du khách mỗi khi ghé đến tham quan nhà gươl, nhìn vào đó sẽ có được cái nhìn tổng quát về cuộc sống của đồng bào tại nơi đây”, chị Nam cho hay.
Không chỉ vẽ tranh tại nhà gươl, chị Nam còn thường xuyên thực hiện những “dự án” vẽ tranh khác. Lúc thì ở tường của trường học, lúc lại trên những thùng rác cũ được tái chế. Những bức tranh ở trường học, những thùng rác cũ được chị vẽ nên với mong muốn quang cảnh trường học thêm đẹp, thân thiện hơn, ngoài ra còn giúp các em học sinh có cơ hội trải nghiệm và có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Giữa tháng 4 vừa qua, chị Nam chia sẻ trên facebook về “dự án” phục dựng chú voi đá ở công viên huyện Nam Đông. Chị cho biết, chú voi đá ở công viên là ký ức tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ người ở Nam Đông. Cả huyện chỉ có một con voi để trẻ em tới vui chơi, chụp hình kỷ niệm nhưng hiện tại chú voi đã bị xuống cấp. Với mong muốn làm đẹp cho bộ mặt của huyện, giúp các em nhỏ có chỗ vui chơi đẹp, sinh động, chị Nam quyết định cùng các em học sinh trong trường phục dựng lại chú voi này. Biết tin, người dân Nam Đông ở trong và ngoài huyện đã nhắn tin để ủng hộ chị Nam rất nhiều. Có em cựu học sinh của chị hiện đang ở nước ngoài, khi biết tin cô giáo sơn, sửa lại con voi đã xin được tài trợ toàn bộ tiền sơn. Nhiều người thấy trời nắng chang chang mà cô trò vẫn phơi nắng để vẽ voi liền “ship” nước chanh tới cho cô trò giải nhiệt, có người lại ủng hộ lốc nước ngọt, ly trà sữa,… khiến cô trò quên cả cái nóng mùa hè.
Với mong ước thực hiện nhiều dự án khác từ sơn, cọ, chị Nam hy vọng huyện Nam Đông ngày càng đẹp hơn, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng những du khách ghé thăm.
Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH