Nhân viên y tế Thừa Thiên Huế vẫn lạc quan giữa tâm dịch Sài Gòn. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÁC CUNG CẤP
Những ngày nhớ
ThS. BS. Phan Lê Hiếu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế có mặt tại TP. Hồ Chí Minh từ những ngày đầu tháng 8/2021. Thời điểm đó, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TP. Hồ Chí Minh (Trung tâm ICU) chưa đi vào hoạt động, BS. Hiếu được giao hỗ trợ Bệnh viện Quận 10 về chuyên môn. 20 ngày sau, Trung tâm ICU chính thức đi vào hoạt động, ngoài các hoạt động hỗ trợ chuyên môn và chuyển viện cho một số bệnh viện tuyến dưới trên địa bàn, BS. Hiếu phụ trách một kíp trực ở khu vực hồi sức tích cực của trung tâm – nơi điều trị những bệnh nhân COVID-19 nặng nhất. “Ấn tượng nhất là gì ư? Đó là choáng ngợp vì số F0 quá lớn và nhiều người chuyển nặng quá nhanh. Thương nhất là có người còn rất trẻ, dù đã được điều trị bằng những loại thuốc tốt nhất, kỹ thuật hiện đại nhất nhưng vẫn không cứu được”, BS. Hiếu thoáng trầm ngâm.
Cũng tham gia hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh, BS. Hoàng Văn Thám, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn không thể quên được những ngày chống dịch giữa “tứ bề F0”. Đoàn công tác của Sở Y tế do BS. Thám làm trưởng đoàn được phân công hỗ trợ Trung tâm Y tế quận 8. Thời điểm đó, phần lớn cán bộ, nhân viên y tế của trạm y tế, UBND các phường trong địa bàn đều có ca nhiễm. Ngay đến Khoa Xét nghiệm của Trung tâm Y tế quận, hầu hết cán bộ, nhân viên đều đã là F0, F1. Do vậy, đoàn công tác của Thừa Thiên Huế gần như chủ động hoàn toàn về công tác xét nghiệm tại đây. “Các bệnh viện gần như đã kín chỗ, việc chuyển viện cho F0 là cả một vấn đề lớn. Có trường hợp phải chạy quanh mấy nơi mới có giường trống nhận bệnh”, BS Thám nhớ lại.
Giữa những ngày Sài Gòn căng mình ấy, BS. Thám, BS. Hiếu và bao nhiêu con người trong các lực lượng tuyến đầu dồn sức chống dịch đã không còn khái niệm ngày nghỉ, ngày lễ, mà chỉ nghĩ đến giờ vào ca để làm việc. Ấy là khoảng thời gian không ai muốn nhớ, nhưng cũng chẳng ai có thể quên được. Bởi lẽ, dù có phải nối ngày qua ngày bằng khối áp lực công việc kéo dài từ đầu sáng đến cuối đêm và nặng nề trong bộ đồ bảo hộ kín mít, thì mỗi người đều lan tỏa niềm lạc quan về ngày Sài Gòn kiểm soát được COVID-19.
Sài Gòn luôn trong tim
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, từ tháng 8/2021, Bệnh viện Trung ương Huế đã thiết lập Trung tâm ICU tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là một trong những trung tâm ICU hiện đại bậc nhất trong cả nước về điều trị COVID-19, được tập trung những gì tinh túy nhất có thể để điều trị cho bệnh nhân. Tính đến đầu tháng 12/2021, Trung tâm đã tiếp nhận gần 1.800 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân nặng từ các tuyến chuyển đến trên 1.500 bệnh nhân, đã điều trị khỏi và ra viện là 1.300 bệnh nhân, thực hiện gần 10.000 các thủ thuật và phẫu thuật, triển khai hầu hết các kỹ thuật cao cấp trong điều trị, như: ECMO, lọc máu liên tục, chạy thận nhân tạo…
“Ngoài bệnh cảnh của bệnh nhân, chúng tôi không phải chịu thêm bất cứ áp lực nào khác và được tạo mọi điều kiện tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân. Chính những điều kiện ấy khiến chúng tôi hiểu sâu sắc rằng chính sách điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của Đảng và Nhà nước ta rất nhân văn. Bệnh nhân khi được đưa vào viện, bất kể là ai, giàu hay nghèo, địa vị xã hội như thế nào, người Việt Nam hay ngoại quốc… đều được điều trị bằng năng lực tốt nhất hiện có của cơ sở y tế, hoàn toàn miễn phí. Tiếc là nhiều trường hợp chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thắng được COVID-19”, BS. Hiếu bày tỏ.
Những ngày cuối năm, Sài Gòn lại trở mình giữa những cơn đau vì COVID-19. “Nếu Sài Gòn lại cần thêm bác sĩ?”. “Chúng tôi vẫn không sợ mà coi đó là sự chia sẻ với đồng nghiệp. Chúng tôi sẵn sàng lên đường khi được điều động”, BS. Thám không chần chừ. BS. Hiếu cũng dứt khoát: “Chúng tôi lại xách ba lô và lên đường thôi. Để thắng đại dịch này, tôi nghĩ mỗi chúng ta phải có tâm thế như thời chiến và sẵn sàng chiến đấu ở bất cứ vị trí nào”.
Thương Sài Gòn đi qua những ngày “bão dịch”. Cứ tưởng cái nôi ấm dưỡng nuôi giấc mơ đổi đời của bao người sẽ không bao giờ ốm đau, mệt mỏi. Nhưng COVID-19 đã khiến xứ đất và người hào sảng ấy có những khoảng chững. Lạ, khi nghĩ về những đoàn xe, những chuyến bay đưa lực lượng tuyến đầu từ khắp mọi miền đất nước về hỗ trợ miền Nam chống dịch, tôi lại không thôi nghĩ lời ca ghi dấu chân người mở đất thuở nào: “Đến đây xứ sở lạ lùng/Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”. Chỉ khác, những đoàn người hôm nay đã nam tiến với hành lý mang theo là trái tim ấm hướng về Sài Gòn, hướng về ngày thắng dịch để thành phố mang tên Bác trở lại bình an và sôi động như ngày nào.
ĐỒNG VĂN