ClockThứ Tư, 01/12/2021 12:36

Cỏ phố nuôi trâu bò quê

TTH - “Cỏ ven sông Hương và nhiều khu đất trống quanh thành phố thấy vậy mà có mùi thơm, vị ngọt nên trâu, bò nó thích lắm. Tuần một lần tôi chạy vòng để cắt ít thì vài bao, nhiều có khi tới cả chục bao để “bồi bổ” cho đàn bò của mình…”, lão nông Nguyễn No (xã Phú An, huyện Phú Vang) vừa chăm chú theo đường liềm cắt cỏ vừa lý giải cái vị cỏ ở phố khiến vật nuôi mê mẩn.

Trời mùa đông có những ngày hửng nắng, khi lớp sương vẫn còn dày đặc, lão nông Nguyễn No cùng nhiều bạn nông khác đã có mặt ở đoạn đất bồi dọc theo sông Hương phía trước Trường Quốc Học. Dài hàng trăm mét, bãi bồi này là điểm dừng chân quen thuộc của giới “săn” cỏ. Cỏ nơi đây rậm rạp, cắt rồi lại mọc nhanh.

Một lão nông từ quê lên phố cắt để làm thức ăn cho vật nuôi cỏ ở một bãi đất dọc theo bờ sông Hương đoạn ngay trung tâm TP. Huế

“Săn” cỏ dọc theo sông Hương

Sau một hồi đi dọc bãi bồi, ngắm nghía thật kỹ, lão nông tuổi ngoài 50, nét da đen sạm quyết định dừng chân ngay một đám cỏ sát bờ sông, phía gần những chiếc vịt đạp dành cho khách du lịch. Nơi ông đứng, một đám cỏ mọc um tùm, cao gần nửa mét. Hít một hơi sâu, ông đưa đường liềm lia lịa rất điệu nghệ, chỉ vài phút sau cả đám cỏ ấy được nhét gọn trong một bao tải. “Năm nay ít lụt, nước không dâng nên không gây ngập đám cỏ dọc sông. Chứ mọi năm, mùa này tìm cỏ dọc sông khó như tìm vàng. Nước ngập dài ngày, ngâm lâu khiến cỏ thúi hết”, ông No tấm tắc.

Dọc theo sông Hương, ở hai bờ cỏ mọc rất nhiều, xanh tốt chẳng khác gì như có bàn tay chăm bón của con người. Cỏ nhiều và tốt nhất thường mọc ở những triền đất trải dài với mép sông. Ở bờ Nam từ Bia Quốc Học kéo dài về gần tận cầu Phú Xuân, trong khi đó ở bờ Bắc, đoạn từ Nghênh Lương Đình về tận chân cầu Trường Tiền như một dải lụa xanh, mềm mại chạy dọc theo bờ sông, những bãi cỏ ấy có khi đã trở thành điểm check-in thích thú của nhiều người.

Ông No kể rằng, không phải bây giờ việc cắt cỏ dọc theo những triền sông, bãi bồi, đất trống ngay trung tâm đô thị Huế, nhiều năm về trước, cứ vài ngày một lần ông lại phi chiếc xe máy chừng 10km từ nhà lên phố để săn từng vạt cỏ, cắt chất thành bao để đưa về làm thức ăn dặm cho đàn bò. Cỏ ở đây non, có vị mềm ngọt, nhờ thế đàn bò to khỏe, phát triển nhanh. “Ngoài đồng vẫn có cỏ, nhưng ngày càng thưa dần, đã làm nông dân nuôi bò thì phải tìm cách cho nó có cỏ ăn, đảm bảo dinh dưỡng và không quậy phá”, ông No nói đó là lý do mà ông cất công lên phố tìm cỏ.

Không chỉ dọc theo sông Hương, gần như khu vực công cộng nào có cỏ ông cũng nắm trong lòng bàn tay. Cắt chỗ này xong, ông lại đi chỗ khác, thời gian xoay vòng cũng là lúc cỏ thay nhau mọc lại. Càng về sau này, không riêng gì ông No, nhiều nông dân từ các vùng quê Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy… cũng đánh xe lên phố, tìm những khu có cỏ mọc tốt, xanh để làm thức ăn cho vật nuôi.

Chậm, có khi mất phần...

Dọc theo sông Hương, hướng lên phía thượng nguồn, nhiều bãi đất nhô ra sông cũng là điểm đến quen thuộc của giới săn cỏ. Cỏ nơi đây mọc dày, thành từng đám lớn, xanh ngắt. Hết người này đến người khác thay nhau cắt. Đôi bàn tay thoăn thoắt, anh Nguyễn Cạ (TX. Hương Thủy) mất chưa đầy 20 phút đã chất đầy hai bao lớn trước khi đưa lên xe, buộc chặt trong sự chờ đợi của đàn trâu ở nhà.

Nuôi trâu hơn 20 năm, anh bảo chưa khi nào thiếu cỏ như bây giờ. Phần đô thị hóa, diện tích thu hẹp khiến cánh đồng cỏ cũng ảnh hưởng trầm trọng. Chưa kể, mỗi mùa vụ, máy cắt lúa đánh nát rơm nên việc tích trữ thức ăn cho trâu, bò về mùa đông gặp nhiều khó khăn. “Rơm đã ít không nói, nhưng quan trọng hơn ăn rơm hoài cũng ngán, cần phải bổ sung chất xanh cho nó, có rứa mới mát da, mát thịt, béo tốt”, ông Cạ lý giải. Và cứ thế, gần 5 năm nay, ông rong ruổi khắp nhiều nơi để tìm cỏ cho trâu. Người ta thấy đám cỏ xanh tốt, mách miệng cho ông, dù có xa cũng phi xe tới.

Không chỉ dành cho trâu, bò, những người nuôi cá lồng cũng thường xuyên “săn” cỏ và xem đó như một phần thức ăn không thể thiếu cho những đàn cá của mình. Cứ thế, tranh thủ rảnh khi nào họ lại chạy lên phố, dọc theo những khoảnh đất trống để tìm… cỏ. Nhiều vài ba bao, ít cũng được một bao chất đầy. Những hộ nuôi cá lồng bảo rằng, ăn thức ăn công nghiệp hoài con cá khi to sẽ rất bở thịt, chính nhờ những đám cỏ mà con cá nhìn xanh và chắc hơn nên khi xuất bán, thương lái ưng ý.

Nhưng không phải ai cũng có duyên với cỏ. Có những người vừa thấy đám cỏ xanh rậm chưa kịp cắt, ngày mai khi quay lại hoặc sẽ bị người nông dân khác “hớt tay trên” hoặc bị nhân viên chăm sóc cây xanh cắt trụi lụi. “Có hôm tình cờ thấy đám cỏ lớn, nhưng hôm đó đi có việc nên không mang theo dụng cụ. Sáng sớm mai lại chạy lên thì thấy trọc lóc, cỏ bị đánh nát bởi máy cắt của người chăm sóc công viên”, anh Nguyễn Triển (TX. Hương Trà) kể lại với nụ cười hiền trong hành trình “săn” cỏ của mình.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương con trâu bạc nghĩa tình

“Người ta nói nhà nào nuôi trâu bạc là xui xẻo. Nhưng gần nửa đời người nuôi trâu, tôi quý giống trâu này lắm, nó dễ bảo và rất hiền. Trâu bạc với tui là tiền, là bạc, chứ không bạc nghĩa, bạc tình như người ta nói”, lão nông Phan Văn Phương ôm đầu con trâu bạc giữa bầy trâu của mình rồi trìu mến vuốt ve như tri kỷ.

Thương con trâu bạc nghĩa tình
Trâu khóc, người cũng khóc!

Nuôi trâu phục vụ cày bừa, phát triển kinh tế hộ gia đình thì ai cũng biết, nhưng chuyện “trâu khóc” mỗi khi bị bán, rời xa chủ nuôi chắc rằng không nhiều người biết đến.

Trâu khóc, người cũng khóc

TIN MỚI

Return to top