Trâu bạc giờ có giá trị hơn
Vâng lời gia chủ
Nhìn người đàn ông có màu da đậm, thân hình nhỏ gọn, giọng nói oang, ít ai nghĩ rằng ông Phan Văn Phương đã ở cái tuổi ngoài thất thập, hơn 40 năm gắn bó nghề chăn trâu, vui buồn kiếp dầm sương dãi nắng. Chừng ấy thời gian với nghề, nuôi hàng trăm con trâu nhưng trong tâm trí lão nông làng Vân Dương, nhớ nhất vẫn là hình ảnh những con “bạch ngưu”.
Ông kể, từng có 4 con trâu bạc qua bàn tay ông chăm nuôi. Con trâu bạc hiện đang nuôi vừa gần tròn tuổi và cũng là con trâu ông quý nhất và có lẽ là con trâu bạc cuối cùng trong nghề nuôi trâu của mình. “Mạ nó là con trâu đen. Trong một mùa nước lũ, sau khi thả rong giữa cánh đồng nhiều ngày gặp và giao phối với một trâu bạc giống đực không biết từ vùng nào lân lê tới”, ông Phương nhớ lại.
Trước đó, ông cũng từng chăm nuôi 3 con trâu bạc khác. Ông kể, theo dân gian, nhà nào nuôi trâu mà đẻ ra trâu bạc sẽ rất xui. Trâu bạc đi đâu mất mùa đến đó, gia đình gặp chuyện không hay. Vậy nên, khi trâu bạc vừa lọt lòng, người ta nên khuyên bán sớm, hoặc đưa ra cánh đồng tách biệt để nuôi. “Nhưng với tui, con trâu là đầu cơ nghiệp; “tậu trâu” vẫn là công việc quan trọng nhất của người nông dân. Con trâu bạc cũng như bao con trâu khác, thế là tôi quyết tâm nuôi và minh chứng điều đó với mọi người”, ông Phương tâm tình.
Hoàng hôn chuyển màu, đàn trâu vừa gặm cỏ, vừa lội dần vào con đập lớn theo bản năng để người chủ chăn về chuồng. Con trâu bạc nổi bật với màu sáng hồng vô cùng dễ thương. Không chỉ màu da, từng cọng lông cho đến cặp sừng và bốn chân cũng phủ màu bạc phơn phớt hồng hiền lành, trên thân nó có nhiều xoáy ốc, tạo nên sự độc đáo.
Nhiều đoàn khách đi qua cung đường này đã dừng lại, xin chụp hình với con trâu bạc của ông Phương. Thấy người lạ tới, nó đứng yên một cách hiền lành, thi thoảng nheo mắt, như biết cách tạo dáng trước ống kính. Cũng như nhiều con trâu khác, chỉ cần bảo “tới” là nó di chuyển, “hò đứng” là dừng lại và “hò rì” thì rẽ trái, rẽ phải thì “hò tắc”. Con trâu bạc này tiếp nhận nhanh hơn, rất vâng lời chủ nhân.
Vắng dần theo thời gian
Những ngày cuối năm, chúng tôi xuôi theo những cánh đồng Phú Vang, Hương Trà… với hy vọng tìm được nhiều manh mối về con trâu bạc. Những năm gần đây, công nghiệp hóa trong nông nghiệp khiến con trâu dần vắng bóng trên đồng ruộng. Sứ mệnh loài trâu dần chấm dứt, những đàn trâu thưa dần, con trâu bạc vì thế cũng vắng bóng.
Nhưng với người nông dân, ký ức và kỷ niệm về những con trâu bạc thì không bao giờ phai. “Xưa, vùng này rất nhiều trâu và trâu bạc cũng không hiếm. Trong bầy trâu tôi từng nuôi, có hai con trâu bạc. Nhưng hơn chục năm nay thì không hề có thêm con nào”, lão nông Phan No vừa nói lời giải nghệ với nghề nuôi trâu sau hơn 30 năm gắn bó, nhớ lại.
Ngày đó mọi thứ khó khăn, nghề nông tất cả dựa vào con trâu từ việc cày bừa, đạp rơm, kéo lúa, sức kéo chở các vật nặng… Lão nông tuổi ngoài 60 ở vùng trâu nổi tiếng Phú An, Phú Vang bảo rằng, trong số hàng trăm con trâu, hai con trâu bạc để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất.
Dù cách nhau nhiều năm, bởi hai trâu mạ khác nhau nhưng cả hai con trâu bạc có chung nhiều đặc điểm: trên thân có nhiều cặp xoáy đối xứng nhau, các chân khuỳnh ra, bước mạnh và nhanh… Vì thế, cả hai con trâu có sức mạnh khác thường, khoẻ hơn cả trâu đen, không nề hà công việc mà gia chủ giao cho.
“Nó là loài trâu không chỉ khoẻ mạnh mà còn nặng nghĩa nặng tình. Ngày chuyển nhượng nó cho người khác, cả hai con đều chảy nước mắt, như không muốn rời xa”, ông No xúc động kể lại. Và như lời ông ước nguyện, nếu có quay trở lại về nghề nông, nuôi trâu ông cũng chọn cho mình những con trâu bạc.
Từng có thâm niên nhiều năm tìm hiểu về trâu, PGS.TS. Nguyễn Tiến Vởn, nguyên giảng viên Khoa Chăn nuôi thú y – Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế khẳng định, hiện tượng trâu trắng mà dân gian gọi trâu bạc là một bệnh di truyền. Theo đó một số gen kiểm soát tạo sắc tố da (melanin) bị biến dị nên da không có sắc tố đen, trở thành trắng.
Tuy nhiên, bệnh bạch tạng ở trâu chưa có nghiên cứu được công bố nên chưa biết do biến dị những gen nào. Bệnh bạch tạng không chỉ có ở người và trâu mà còn thấy ở nhiều loại động vật khác như lớp thú, bò sát, cá, côn trùng… thậm chí cả ở thực vật cũng có hiện tượng này.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Vởn từng nghe không biết bao nhiều lần câu “trâu trắng đi đâu, mất mùa đến đấy”. Quan niệm đó có lẽ là do cái tên gọi khác của trâu trắng: trâu bạc. Theo cách lý giải của ông, trong tiếng Việt, chữ bạc có một nghĩa là chỉ sự phai màu từ đậm thành nhạt, từ đen thành trắng, một diễn biến theo hướng xấu. Vì thế, bạc với nghĩa tính từ phần lớn mang màu sắc tiêu cực: bạc bẽo, bạc tình, bạc ác… “Về mặt sức khoẻ, khả năng cày kéo, cho thịt… của trâu bạc không thua gì trâu đen. Thậm chí, nhiều thương lái lợi dụng, vớ vào những câu chuyện thêu dệt đó để ép giá những gia chủ có trâu bạc”, ông Vỡn “giải oan” cho trâu bạc và khẳng định rằng những “đồn thổi” đó không có căn cứ.
Bài, ảnh: PHAN THÀNH