ClockChủ Nhật, 13/12/2020 12:55

"Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây"...

TTH - Nhiều năm rồi ruộng đồng lại có dịp… “no nước”. Bây giờ, không ít diện tích ruộng lớp phù sa vẫn nằm im dưới con nước, còn những nơi nước rút, hạ tầng hư hỏng, đất ruộng bồi lấp…

A Lưới cần nguồn giống và khắc phục thủy lợi sau lũ

Nhiều tuyến đường nội đồng trên địa bàn tỉnh hư hỏng sau lũ

Dấu vết sau con nước

Khi những cơn lũ kinh hoàng qua đi, trong điện thoại Chủ tịch UBND xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) Nguyễn Văn Khoa bảo rằng, chưa thể thống kê được hạ tầng nông nghiệp của địa phương bị thiệt hại như thế nào, đất vẫn ngập nước, màu bạc xám của con nước vẫn bao trùm ruộng lúa, nương rau của người dân.

Quảng Thành - nơi nổi tiếng là rốn lũ của không chỉ Quảng Điền mà cả tỉnh. Chỉ cần mưa lớn vài ngày, nước sẽ quá đầu gối, nông dân sẽ thở dài nhìn cây trái chìm nghỉm. Hôm ấy, gặp ông Khoa, cuộc trò chuyện liên tục đứt quảng, hơi nóng phảng phất của ly trà đặc quánh tan nhanh. Đứng trên tầng 2, ông liên tục giục anh em đẩy nhanh tiến độ dọn dẹp cơ quan, trụ sở. Từng lớp bùn non nhão nhoẹt đã tạo thành “ma trận” nhếch nhác ở cơ quan công quyền. Vẫn biết điều này không mới ở cái vùng chưa mưa đã lụt này nhưng đến 3 lần dọn bùn trong một tháng, trụ sở UBND xã chỉ có mỗi việc đón lũ.

Làng rau Thành Trung, niềm tự hào nhiều năm nay của người dân Quảng Thành không còn màu xanh vốn có. Hình dung về cánh đồng rau bây giờ tựa như một túi nước vuông vức, một số nơi cao ráo, có những ngọn rau vươn mình lên khỏi mặt nước. Ông Trần Phú (thôn Kim Thành, xã Quảng Thành) nói, lũ tràn về, bùn đất theo con nước lấp đầy cánh đồng rau. Và đáng ra, nếu không có lũ, nông dân ở đây đã thu hoạch rau thêm 3 lần nữa. “Bây giờ lũ qua đi nhưng ruộng rau của tôi vẫn còn ngập nước, không thể nào gieo trồng được. Dân Quảng Thành bây giờ chỉ biết trồng rau ở vườn nhà, nhưng nguồn giống cũng đang khan hiếm. Khó chồng khó, khả năng trễ vụ so với mọi năm…”, ông Phú than thở.

Hệ thống thủy lợi tại xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) xuống cấp sau lũ

Theo khung lịch thời vụ, giữa tháng 12 này, hệ thống kênh mương, thủy lợi phải được phục hồi, đảm bảo gieo trồng cho vụ đông xuân sắp tới. Nhưng giờ thì thủy lợi nhìn đâu cũng thấy hư hỏng, có một số nơi, kênh mương “mất tích”, đường sá, đê nội nội đồng vẫn nằm dưới con nước. Nỗi ám ảnh về mùa vụ khó từ miền xuôi đến miền ngược. “Nước vẫn còn lênh láng thế kia, chắc khi nước rút, bùn đất sẽ dày cả mét. Hệ thống kênh mương một số đoạn nứt toác. Đường nội đồng bị tan chảy theo con nước. Để kịp khung lịch thời vụ, chắc chỉ có thể vá víu tạm thời mà thôi”, ông Nguyễn Văn Hạnh (xã Hương Toàn, TX. Hương Trà) hướng chỉ tay về diện tích đất sản xuất vẫn còn ngập nước nói.

Dẫu hệ thống thủy lợi của Thừa Thiên Huế được đánh giá khá hoàn thiện so với các tỉnh, thành miền Trung, nhưng như một “điệp khúc”, ruộng bồi lấp, thủy lợi hư hỏng vẫn diễn ra sau mỗi mùa bão lũ. Ở các xứ đồng, trước mỗi mùa vụ nông dân, xã viên căng mình nạo vét, gia cố. Sức người không địch lại thiên tai, dấu vết sau mỗi mùa cuồng nộ của lũ dữ là hàng tỷ đồng đã trôi theo dòng nước. Bài toán khắc phục đang trở nên gian truân. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới Văn Lập bảo rằng, năm nào cũng vậy, qua mùa lũ các địa phương miền núi lại âu lo. Lo về miếng cơm trong năm mới, lo về bài toán khắc phục hạ tầng sau khi bị lũ cuốn trôi. “Năm nay, công trình thủy lợi tại A Lưới hư hỏng rất nhiều, ruộng thì hàng trăm ha bị bồi lấp, thiệt hại cả chục tỷ đồng. Dẫu ngổn ngang nhưng cũng phải gắng sức phục hồi. Ở những chỗ hư hỏng nhẹ thì gia cố thủ công, nặng thì chờ kinh phí phục hồi. Ruộng của dân phải bằng mọi cách phục hồi để kịp gieo trồng vụ đông xuân để người dân còn có cái ăn trong những ngày giáp hạt”, ông Lập chia sẻ.

Sức người sẽ vượt nghịch cảnh

Biến đổi khí hậu - cụm từ dường như quá quen thuộc trong thời buổi hiện nay. LA - NINA gây mưa, và mưa liên tục. Giới chuyên môn cho rằng, chu kỳ của LA - NINA đang bị thu hẹp, thay vì 7 năm mới diễn ra một lần, bây giờ con số đó là 4, nghĩa là người dân vẫn còn phải hứng chịu nhiều đợt lũ lớn nữa trong tương lai. Và với nông dân, tần suất chìm nổi theo con nước dự báo sẽ còn lặp lại với tần suất dày đặc hơn.

Tại một talk show về biến đổi khí hậu tại Huế mới đây, TS. Nguyễn Ngọc Huy, người rất nổi tiếng với những dự báo về thiên tai trên trang mạng xã hội facebook bảo rằng, mọi sự biến động của thiên tai do nhiệt gây ra. Sự chênh lệch, gia tăng về nhiệt kéo theo nhiều biến động khác. Hiện tượng nóng lên toàn cầu tạo nên nhiều hiện tượng cực đoan khác, lũ lụt lịch sử tại miền Trung là một trong số đó. Nghĩa là nóng lên toàn cầu gây nên nhiều hệ lụy, và nguyên nhân chủ quan là do người tác động trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt lên môi trường tự nhiên.

Bao đời nay, hầu hết người Việt Nam sống dựa vào nông nghiệp, ở Thừa Thiên Huế cũng không ngoại lệ. Không xuất hiện lũ mùa vụ năm sau sẽ gặp khó với sâu bệnh, chuột phá hoại mùa màng. Lũ về dày đặc, phù sa dày cả mét nông dân cũng khổ. Nhà nông học, T.S Lê Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nông học – Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế nói: “Trong nông nghiệp, cái gì cũng có chừng mực và độ hợp lý nhất định. Không có phù sa, nông dân gặp khó; phù sa nhiều cũng chưa hẳn đã hay”. Dẫu vậy, đối chiếu với thực tiễn bây giờ, TS. Dũng dường như không hề lo lắng. Ông bảo, đúng là hạ tầng bị thiệt hại nặng, thời tiết đang rất cực đoan nhưng sau dặm dài năm tháng “bám mặt cho đất, bám lưng cho trời”, nông dân biết làm gì để vượt qua nghịch cảnh.

“So với các nước tiên tiến trên thế giới, việc áp dụng công nghệ và cơ giới hóa ruộng đồng của chúng ta không bằng, nhưng về mặt con người, chúng ta đang vượt trội với kinh nghiệm làm nông nghiệp lẫn sức chịu đựng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm qua, đầu vụ chúng ta gặp nhiều trở ngại, song cuối vụ hầu hết là được mùa”, TS. Dũng nhận định.

Theo ông Dũng, thiên tai đã qua, nông dân cần có nền tảng cho vụ mùa mới, trong đó khâu giống và kỹ thuật canh tác qua từng thời điểm. Lũ lụt khiến nông dân mất đi cái “vốn dư” sẵn có, đó có thể là nguồn giống dự trữ, hay rộng hơn là chi phí để tái đầu tư cho mùa vụ. “Hỗ trợ giống cho nông dân phải thực về chất, đúng theo từng chất đất vùng miền. Và theo tôi, phải căn cứ vào dự báo thời tiết của các cơ quan chức năng đễ hỗ trợ các loại giống phù hợp. Nếu không, thời gian đến xuất hiện thêm các yếu tố cực đoan, nông dân sẽ một lần nữa thiệt hại”, TS. Dũng chia sẻ.

Khi công nghệ từng bước xâm lấn ruộng đồng, người ta nói nhiều đến nông nghiệp công nghệ cao, nhưng dẫu “cao” đến đâu thì ruộng của nông dân cũng không thể bỏ hoang, điều đó không chỉ lãng phí nguồn tài nguyên mà kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều ruộng rau của nông dân các địa phương như, Hương Chữ, Hương An, Hương Xuân (Hương Trà) thời điểm này đang từng ngày xanh tốt, nhưng cạnh bên nhiều diện tích đất vẫn đang chờ giống. Có giống, họ sẽ phục hồi lại “tài sản” đã bị nước nhấn chìm.

Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, các địa phương đang dốc toàn lực để hỗ trợ nông dân phục hồi sản xuất. Đồng thời, đề xuất đến Trung ương hỗ trợ thêm nguồn giống. Số diện tích ruộng bị bồi lấp chủ yếu ở các địa phương vùng cao sẽ hạn chế bỏ hoang bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ phục hồi hệ thống thủy lợi để đảm bảo sản xuất trong vụ đông xuân của nông dân…

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Không để đường sá hư hỏng, chia cắt khi mưa lũ

Đó là phương châm xuyên suốt của ngành giao thông vận tải (GTVT) tỉnh trong thời gian gần đây về phòng, chống lụt bão. Với phương châm đó, ngành GTVT thường xuyên rà soát, bổ sung phương án qua mỗi trận mưa, cơn bão để gia cố, phòng tránh hợp lý, giữ mạch giao thông thông suốt.

Không để đường sá hư hỏng, chia cắt khi mưa lũ
Không để dịch bệnh mùa bão lũ bùng phát

Ngày 7/11, Sở Y tế cho biết vừa ban hành công văn yêu cầu tăng cường phòng chống dịch trước, trong và sau các đợt mưa lũ đối với các đơn vị trực thuộc và 9 trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị, thành phố. Tinh thần chỉ đạo chú trọng việc không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Không để dịch bệnh mùa bão lũ bùng phát
Return to top