ClockThứ Bảy, 27/05/2023 09:27

“Còn sức khỏe là còn hiến máu”

TTH - Là người thường xuyên hiến máu, chính tôi cũng giật mình khi nghe Trương Thị Huyền Trang có 40 lần hiến máu chỉ trong 6 năm học tại Trường đại học (ĐH) Y - Dược, ĐH Huế. Nữ sinh viên 24 tuổi luôn vui vẻ khi ai nhắc đến chuyện hiến máu bằng câu trả lời: “Em còn sức khoẻ là còn hiến máu”.

Hơn 300 cán bộ, sinh viên tham gia hiến máu tình nguyệnSinh viên y dược vượt chỉ tiêu trong hiến máu, xung kích tình nguyệnTrao “giọt vàng” hy vọng

leftcenterrightdel
 Huyền Trang - nữ sinh viên đã có 40 lần hiến máu

Giấu mẹ hiến máu

Bước vào năm học thứ nhất bậc ĐH, Huyền Trang mới bắt đầu hiến máu. Khác với nhiều người, Huyền Trang đến với công tác xã hội này không chút lo sợ, mà bằng sự tò mò. Trang thật lòng: “Cũng không phải bắt đầu bằng ý nghĩ hiến máu giúp người như cách nói hoa mỹ. Em đi hiến máu để trải nghiệm xem thế nào, có mệt và đau không(?)”.

Sau lần hiến máu đầu tiên, Huyền Trang thấy sức khỏe ổn và gọi về quê nhà ở Thanh Hóa khoe với mẹ. Bất ngờ, Trang bị mẹ la, phản đối vì sợ ảnh hưởng sức khỏe. “Mẹ nói con gái con lứa mà hiến máu làm gì. Kể từ đó, em vẫn hiến máu, nhưng giấu mẹ. Mỗi lần mẹ hỏi, em cứ nói chỉ hiến một lần đó”, nữ sinh viên Trường ĐH Y - Dược nhớ lại.

Ba năm đầu học ĐH, Huyền Trang chỉ duy trì hiến máu ở mức định kỳ theo các đợt phát động. Thế nhưng, từ năm học thứ 4, có năm em đi hiến máu tận 12 lần. “Giai đoạn đó khoảng năm 2020, dịch COVID-19 khiến cho nguồn máu dữ trữ cực kỳ khan hiếm, trong khi nhu cầu bệnh nhân cần máu rất lớn. Mỗi tháng, em đi hiến 2 lần tiểu cầu và lập lại liên tục trong 2 - 3 tháng như vậy. Hiến nhiều em cũng lo, đặc biệt khi kết quả xét nghiệm thấy lượng tiểu cầu của bản thân giảm. Nhưng so sánh với số lượng tiểu cầu trong ngưỡng cho phép, em cảm thấy yên tâm và tiếp tục hiến”, Huyền Trang kể.

Đến với hiến máu bằng sự tò mò, Huyền Trang còn “thử” cảm giác mới khi hiến máu trong một dịp đặc biệt. Năm 2020, khi theo đoàn tình nguyện của Trường ĐH Y - Dược vào TP. Hồ Chí Minh tham gia chống dịch COVID-19 ở quận Bình Tân và làm việc trong khu cách ly, thấy rất nhiều bệnh nhân cần máu mà nguồn máu dữ trữ cạn kiệt, Trang xung phong cùng anh chị em bác sĩ khác đi hiến máu. Trang kể, để hiến được đợt đó vất vả lắm, phải đi xe máy tới chỗ hiến 5-6km nhưng qua rất nhiều chốt kiểm soát dịch. Khoảng cách ngắn, nhưng cứ sợ không thể hiến. Tuy nhiên, lần đó, Trang đã để lại ngân hàng máu sống ở TP. Hồ Chí Minh những giọt máu quý giá của mình.

Hiến máu nhiều lần, Huyền Trang cũng dễ dàng hơn khi vận động hiến máu tình nguyện, đặc biệt là hiến tiểu cầu. Nữ sinh viên sinh năm 1999 kể: “Em có người bạn thân cũng từng hiến máu toàn phần cứ đi theo hỏi hiến tiểu cầu có mệt không, đau không, ở lại bệnh viên lâu không. Khi thấy em đưa ra bằng chứng số lượng hiến máu, bạn bất ngờ. Sau đó, chẳng biết có phải nhờ tác động của em không nhưng bạn ấy đã tham gia hiến tiểu cầu”.

Sau một thời gian giấu mẹ để hiến máu, chính mẹ của Huyền Trang cũng công khai ngược trở lại với con gái là mình mới đi hiến máu. Từ đó, nữ sinh viên Trường ĐH Y - Dược mới đỡ vất vả trong hành trình giấu giếm mẹ làm công tác xã hội.

“Còn sức, cứ hiến”

Lịch sử 40 lần hiến máu của Huyền Trang trong 6 năm học khiến nhiều người nghe qua sẽ giật mình, nhưng hoàn toàn đảm bảo sức khỏe. Theo TS.BS. Đồng Sĩ Sằng, phụ trách Trung tâm Huyết học Truyền máu - Bệnh viện Trung ương Huế, thời gian để hiến tiểu cầu có thể nhiều lần trong năm, thời gian nghỉ giữa các đợt hiến máu tiểu cầu có thể ngắn hơn hiến toàn phần nên số lượng hiến máu có thể nhiều và những trường hợp như Huyền Trang rất đáng trân trọng. Mới đây, với thành tích hiến máu và góp phần xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vững mạnh, Trương Thị Huyền Trang đã được trao tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp nhân đạo".

Huyền Trang chia sẻ, cứ còn sức em sẽ còn hiến máu. Song, điều mong muốn lớn nhất là lan tỏa tinh thần hiến máu đến bạn bè, người thân, hàng xóm hay những người mà Trang quen biết, đặc biệt là hiến tiểu cầu.

Trong các ngày hội hiến máu, các đợt hiến máu vệ tinh Huyền Trang cùng câu lạc bộ Ngân hàng máu sống Trường ĐH Y - Dược đã vận động được hàng trăm bạn trẻ, sinh viên tích cực tham gia hiến máu, mang về hàng nghìn đơn vị máu trong năm. Tuy nhiên, dù nhiều người đã hiến máu toàn phần nhưng vẫn còn băn khoăn về việc hiến tiểu cầu. Từ hiểu biết và trải nghiệm của bản thân, em sẽ chia sẻ để mọi người cùng tham gia, nhằm hỗ trợ cho các trường hợp khẩn cấp cần máu.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
ĐẠI HỘI TIM MẠCH TOÀN QUỐC LẦN THỨ 19:
“Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Con đường bước ra thế giới”

Diễn ra trong các ngày từ 13 đến 15/12, Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 19 có chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới: Con đường bước ra thế giới” do Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức. Đây không chỉ là dịp để các nhà khoa học chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, mà còn là cơ hội cập nhật các tiến bộ kỹ thuật và giải pháp mới nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao chất lượng sống của người dân.

“Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Con đường bước ra thế giới”
Tiếp nhận gần 500 đơn vị máu

Sáng 8/12, Câu lạc bộ Ngân hàng Máu sống Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế tổ chức ngày hội hiến máu “Giọt hồng sẻ chia” lần I năm học 2024 - 2025. Đây là chương trình thường niên được câu lạc bộ tổ chức định kỳ mỗi năm hai lần, tiếp nhận bình quân 400 - 600 đơn vị máu từ các bạn tình nguyện viên.

Tiếp nhận gần 500 đơn vị máu

TIN MỚI

Return to top