|
|
Việc đầu tiên của công nhân khu trọ trước khi về phòng là lau sàn nhà bằng nước để làm mát phòng |
Vật vã vì nóng
11h30, khu nhà trọ ở tổ 10, phường Phú Bài hầm hập hơi nóng. Dù chiếc quạt bật hết công suất, song căn phòng hơn 10m2 của anh Đỗ Ngọc Trung, công nhân Công ty CP Sợi Phú Anh vẫn không khỏi bí bách, ngột ngạt. Đôi mắt uể oải, tỏ rõ sự mệt mỏi, anh Trung kể, anh làm ca đêm từ 6h chiều đến 2h sáng.
Ở công ty, anh mong được về để ngủ, nhưng về đến phòng, nóng quá lại ngủ không được. Đầu giờ sáng, anh đã phải dậy tắm.
“Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa này công nhân ở trọ như tôi đều ám ảnh bởi nắng nóng. Những năm trước để tránh sức nóng của phòng trọ, chúng tôi đã chọn tăng ca để ở lại nhà máy vào giờ cao điểm. Năm nay, hầu hết các công ty đều thiếu đơn hàng, chúng tôi đành vật vờ “xông hơi” tại phòng trọ”, anh Trung tâm sự.
|
|
Giữa trưa khu nhà trọ lợp fibro xi măng ở phường Phú Bài hầm hập hơi nóng |
Cạnh dãy trọ anh Trung, anh Lê Trọng Anh 33 tuổi, công nhân Công ty CP Dệt may Phú Hòa An, hết đi ra ngồi ngoài cửa rồi lại nằm lên giường trong căn phòng trọ chật hẹp. Anh thở dài: “Nóng quá, không ngủ được, tôi đành phải dùng điện thoại để giải trí, gắng quên nóng”.
Sức nóng từ mái lợp fibro xi măng nén xuống, từ tường nhà hắt vào như muốn “nướng” mọi thứ ở bên trong các căn phòng của khu nhà trọ ở thôn 1B, xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy. Thấy chúng tôi, chị A Viết Thị Thỏa ra hiệu nhỏ nhẹ. Thì ra, chồng chị Thỏa đang ngủ. Chị chia sẻ: “Chồng làm ca đêm về lúc 2h20 sáng nhưng mất ngủ vì nóng quá. Sáng nay, mượn được quạt hơi nước của phòng bên nên tranh thủ ngủ, 6h tối đi làm lại”. Vợ chồng chị Thỏa đều làm công nhân khu công nghiệp Phú Bài, do công ty ảnh hưởng thiếu đơn hàng, ngoài tiền lương, các khoản tiền thưởng hầu như không có. “Gần một tháng nay, nắng gắt muốn mua thêm cây quạt mới nhưng chưa tích cóp đủ tiền”, chị bộc bạch.
Thắt lưng buộc bụng
Nắng nóng, lại ở trong diện tích chật hẹp, nhưng dụng cụ chống nóng hầu hết tại các phòng trọ chỉ là quạt điện. Xa xỉ lắm mới có quạt hơi nước. Một phần lương thấp không có tiền lắp điều hòa, một phần những người thuê trọ phải sử dụng giá điện kinh doanh nên sợ tốn tiền điện. Anh Trung cho biết: “Năm trước, có một vài phòng trong khu trọ anh có lắp điều hòa, nhưng từ đầu năm đến nay, công ty không có tăng ca, nay tiền điện lại tăng nên cũng chẳng ai dám dùng”.
Toàn bộ đồ dùng sinh hoạt, bếp nấu ăn, nhà vệ sinh, giường ngủ… của vợ chồng chị Hoàng Thị Châu và 2 đứa con nhỏ chỉ vẻn vẹn trong diện tích 20m2, chị thuê với giá 8 trăm ngàn đồng/tháng. Để bảo vệ sức khỏe gia đình mùa nắng nóng, tháng vừa rồi, chị Châu ki cóp mua quạt điều hòa 4 triệu đồng. “Có quạt mới, giấc ngủ của cả nhà đỡ chập chờn, nhưng tiền điện lại tăng bằng nửa tiền phòng. Cuộc sống công nhân các khu trọ khó khăn, tôi chỉ mong được giảm giá điện, nước để đỡ vất vả”, chị Châu bày tỏ.
Trở về khu trọ sau khi kết thúc ca làm việc từ 2h đến 10h sáng, thay vì lăn ra ngủ, anh Nguyễn Duy Trí múc nước dội toàn bộ phòng. Anh kể, từ ngày nắng nóng, mỗi ngày anh lau phòng hai lần để làm mát phòng. Mấy năm trước, mùa nóng nắng này, anh em khu trọ hay tránh bằng cách ra quán cà phê ngồi, nhưng năm nay, không có tiền thu nhập tăng ca nên ai cũng lo tiết kiệm, mới mong đủ trang trải cuộc sống”, anh Trí nói.
Theo bà Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh, công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là người dân tại địa phương. Lượng công nhân thuê trọ nhiều nhất là công nhân khu công nghiệp Phú Bài, tập trung trên địa bàn phường Phú Bài và xã Thủy Phù. Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài Công ty Scavi Huế thì chưa có công ty nào xây dựng nhà ở cho công nhân. Hiện Công đoàn Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh đã có kế hoạch khảo sát nhu cầu nhà ở cho công nhân để đề xuất xây dựng nhà ở tập trung cho công nhân trong thời gian tới.
Ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh thông tin, LĐLĐ tỉnh đang huy động mọi nguồn để chăm lo đời sống cho công nhân lao động. Trong đó, ưu tiên công nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bị cắt giảm việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Riêng tháng công nhân vừa qua, LĐLĐ tỉnh trao tặng 11 Mái ấm công đoàn trị giá 320 triệu đồng; trao 250 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, thực hiện quyết định của Tổng LĐLĐ Việt Nam về hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ tổng cộng 257 đoàn viên, người lao động với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng.
“Chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị cơ sở vận động thêm nhiều nguồn khác để cùng chăm lo đoàn viên, người lao động”, ông Trần Quang Vinh cho biết.