Công nhân mua hàng giảm giá tại hội chợ "Nghĩa tình công nhân"
Mong được thưởng tết như năm trước
Mới hơn 2h chiều, anh Nguyễn Tân, sinh năm 1993, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy đã về tới nhà. Không muốn nghỉ ngơi khi tết cận kề, anh Tân điện thoại liên hệ khắp nơi để tìm việc làm thêm. Gần 11 năm làm công nhân sợi, tại Khu công nghiệp Phú Bài, chưa khi nào gần tết anh Tân lại “rảnh” như năm nay.
Là người trẻ, lại có tay nghề và thâm niên làm việc, cuối năm những năm trước, anh liên tục tăng ca, có tháng lương anh 8-9 triệu đồng. “Năm nay, công ty ít việc hơn. Tôi chỉ được làm ngày 8 tiếng, hoàn toàn không được tăng ca, làm thêm, thu nhập chỉ còn hơn 6 triệu đồng/ tháng. Khoản thu nhập này không đáng là bao so với những khoản phải chi cho cuộc sống của gia đình anh hiện tại”, anh bộc bạch.
Sau một năm làm việc, thưởng tết luôn là khoản mọi công nhân đều quan tâm, mong chờ. Theo anh Tân, tết 2021, anh được nhận thưởng tết bằng 1 tháng lương. Ngoài ra, công ty anh phối hợp với tổ chức công đoàn để tặng các phần quà tết. Năm nay, công ty anh là một trong những công ty vẫn có đơn hàng đều đặn, đảm bảo mức lương và thu nhập trung bình cho công nhân. Tết Nguyên đán 2023, anh Tân chỉ hy vọng khoản thưởng tết vẫn như năm ngoái. “Mọi năm được làm việc, tăng ca đều thì có thể tích lũy được một khoản. Năm nay không tăng ca, công nhân chỉ trông chờ vào khoản tiền thưởng tết mà thôi”, anh Tân nói.
Sáng thứ 6, chị Phạm Thị Liên, 43 tuổi ở khu tái định cư phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy chuẩn bị đưa con trai ba tuổi đi học. Sau nhiều tháng, làm 4 ngày/tuần, thu nhập giảm gần 1 triệu đồng/tháng, đây là tháng đầu tiên chị Liên đi làm bình thường trở lại. Năm nay, công ty gặp khó khăn về đơn hàng, song tôi cũng mong được công ty thưởng tết để có thêm tiền mua thuốc cho con. Chị Liên kể, con chị bị sỏi mật. Mỗi tháng đi khám một lần, mỗi lần hết gần 1 triệu đồng, chưa kể 2 đứa con lớn còn ăn học. “Đơn thuốc của con, tôi luôn mang bên mình như để nhắc nhở bản thân, phải tằn tiện chi tiêu để dành tiền đi khám cho con”, chị Liên nói.
Hoàn cảnh này, chị Liên phải gồng gánh từ hơn 1 năm nay khi phát hiện con bị sỏi mật. Nhưng, hơn 3 tháng nay, nỗi lo lại nặng thêm, khi vợ chồng chị đều giảm giờ làm, giảm thu nhập. “Năm trước, tôi tự động viên mình và các con ăn tết chịu khó, sang năm hết dịch, ba mẹ ráng tăng ca, có thêm thu nhập sẽ bù lại sắm tết chu toàn hơn. Cả nhà về quê ngoại ở Nghệ An ăn tết sau nhiều năm chưa về. Ai ngờ, năm nay còn khó khăn hơn năm ngoái. Lời hứa lo cho con cái tết chu toàn hơn và dự định về quê ngoại ăn tết tiếp tục phải gác lại”, chị Liên thở dài.
Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh do thiếu đơn hàng, tập trung ở công ty sản xuất dệt may và chế biến gỗ. Trong đó, có 664 lao động phải giảm giờ làm, có 1.448 lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động. Các đơn vị liên quan đã chủ động kết nối, hỗ trợ tìm việc làm mới cho hơn 1.000 lao động. Thời điểm này, mong ngóng được công ty thưởng để có thêm chút ít trang trải dịp cuối năm là tâm trạng chung của hầu hết công nhân, người lao động (NLĐ).
Nhiều doanh nghiệp chưa công bố thưởng tết
Mang theo nỗi niềm thấp thỏm của những công nhân, chúng tôi liên hệ các DN, tổ chức công đoàn tìm hiểu chuyện thưởng tết cho công nhân lao động.
Trong năm, Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam (HBI) Huế, ngoài cắt giảm 1000 lao động, số công nhân còn lại phải giảm giờ làm trong 3 tháng liền, do công ty thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 12 này, toàn bộ công nhân Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam Huế đều đi làm bình thường trở lại. Nói về thưởng tết cho NLĐ, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty HBI Huế cho biết, tại Công ty HBI, ngay từ khi ký hợp đồng lao động, công ty đã đưa tiền lương tháng 13 vào hợp đồng. Vì vậy, tết năm nào NLĐ cũng được thưởng tết một tháng lương cơ bản, tương tự năm nay cũng vậy. Riêng công đoàn công ty năm nay sẽ tặng mỗi đoàn viên, NLĐ một phần quà trị giá 300 ngàn đồng.
Tại Công ty Phú Hòa An cũng duy trì thưởng tết cho công nhân, NLĐ như những năm trước, đó là một tháng lương thứ 13 và một phần quà của công đoàn trị giá 300 ngàn đồng.
Ông Lê Hồng Long, Giám đốc Công ty Phú Hòa An cho biết, năm nay, công ty gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, có nhiều tháng đơn hàng giảm từ 60 – 70% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty xoay xở nhiều giải pháp khác nhau nên từ đầu năm đến nay vẫn đảm bảo được việc làm và thu nhập ổn định cho 1.900 công nhân, NLĐ. “Kinh doanh phải chấp nhận rủi ro, có lúc này lúc khác. Ngay sau khi cân đối được ngân sách, chúng tôi đã công bố luôn tiền thưởng tết cho NLĐ yên tâm sản xuất”, ông Long nói.
Tuy nhiên số DN, công bố thưởng tết cho công nhân, NLĐ như 2 DN trên còn ít. Theo ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, chưa có nhiều DN công bố kế hoạch thưởng tết cho NLĐ, tuy nhiên theo dự đoán, một sỗ DN sẽ giảm tiền thưởng tết so với năm trước. Hiện các cấp công đoàn đang vận động DN, người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ tết tốt nhất cho đoàn viên, NLĐ.
Cũng theo ông Vinh, bản chất thưởng tết là dựa trên hiệu quả hoạt động của DN. Nếu DN hoạt động tốt và có lợi nhuận sẽ duy trì thưởng tết bởi đây không chỉ là tri ân mà còn là cách giữ chân NLĐ. Đối với những DN gặp khó mà vẫn thưởng tết cho NLĐ càng đáng quý, đáng trân trọng.
Bài, ảnh: Hải Thuận