|
Góc học tập dành riêng cho bé gái theo gợi ý của liondecor.vn |
Tận dụng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh dài ngày, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng An (giáo viên ở thị xã Hương Thủy) dành hẳn thời gian này để chuẩn bị năm học mới cho các con. Năm nay, các con của anh chị - một nữ sinh lớp 10 và một bé trai cuối cấp tiểu học, đều có món quà vô cùng ý nghĩ, đó là được ba mẹ dành tặng một góc học tập của riêng mình. Chị Hồng An chia sẻ: “Rất tình cờ, mình được một chị đồng nghiệp chia sẻ cho một bộ bàn ghế học sinh còn rất đẹp nên hai vợ chồng thống nhất đầu tư thêm một bộ bàn ghế nữa để tạo góc học tập riêng biệt và đúng độ tuổi với các con. Ngay từ đầu, cả hai chị em đều rất háo hức với ý định của ba mẹ nên đã tham gia rất tích cực, từ việc bày tỏ ý tưởng sẽ để gì lên bàn, dán gì lên tường và cả việc chọn vị trí để đặt bàn học. Nhờ vậy, việc chuẩn bị góc học tập cho các con đầu năm học này ở nhà mình đã rất rộn ràng, vui vẻ”.
Kết quả, bàn học của cậu trai lớp 5 nhà chị An đơn giản chỉ là thời khóa biểu treo tường, hộp bút, đèn học. Nhưng cậu vui đến tít mắt: “Con có cả cái bàn thật rộng để có thể bày giấy vẽ và cả bàn cờ vua để chơi nhé!”, cùng lời hứa nhanh nhảu: “Con sẽ làm bài tập thật ngoan”. Trong khi đó, bàn học của cô chị thì lại được thêm một vài món đồ nhỏ xinh, như có thêm hộp đựng bút để bàn, ngăn để tập sách vở nho nhỏ và mấy cuốn sách yêu thích. Con bảo, con sẽ chăm thêm một cây lan chi để bàn. Cây sẽ giúp con “dịu mát” hơn những khi bài vở căng thẳng.
|
Góc học tập của bé trai nhà chị Hồng An |
Theo gợi ý của các chuyên gia thiết kế nội thất, việc trang trí góc học tập đẹp và khoa học để truyền cảm hứng học tập cho các con không quá khó. Chỉ cần hiểu con và thêm một chút khéo léo là bất cứ ba mẹ nào cũng có thể thực hiện được. Trong đó, có một số chi tiết mà ba mẹ cần lưu ý là quan tâm đến các tiêu chí về diện tích, màu sắc, vật liệu được sử dụng cho góc học tập của con, cũng như sử dụng những đồ dùng, vật dụng phù hợp với giới tính, lứa tuổi và nhu cầu của con.
Một số lưu ý cần nhớ khi ba mẹ trang trí góc học tập cho con được gợi ý là: Tránh để góc học tập của con bừa bộn; tránh để không gian quá rộng; hạn chế những màu sắc quá sặc sỡ hay những vật dụng rườm rà; chú ý đến các nguồn ánh sáng và quan trọng nữa là tránh bố trí bàn học của con đối diện với cửa ra vào, tránh không gian dưới gầm cầu thang hay nơi qua lại của nhiều người…
Từ kinh nghiệm của mình, anh Triển - chồng chị An cũng bày tỏ lúc đầu hai vợ chồng định để bàn học của con trai ở khu vực giữa phòng khách và phòng ngủ của ba mẹ, gần lối dẫn lên cầu thang, với hy vọng cả ba mẹ và chị đều dễ thấy bạn ấy trong tầm mắt. Nhưng sau cân nhắc kỹ thì lại hiểu đó là một trong những vị trí “thất sách” nhất. Học tập ở đó sẽ khiến cu cậu hầu như luôn bị phân tâm vì sinh hoạt chung của mọi người, bí bách, cũng như cảm thấy luôn bị kiểm soát.
Các con hài lòng với những góc nhỏ của riêng mình, chị An cũng vui theo: “So với nhiều bạn thì chắc là góc học tập của các bé nhà mình không thể đẹp bằng. Nhưng vẻ như bắt đầu năm học này, cả nhà mình đều vui khi thấy các con đã có được một không gian riêng theo sở thích. Hy vọng, sự khởi đầu vui vẻ này sẽ giúp tinh thần học tập của con cũng ngày càng tăng cao, cũng như con sẽ có ý thức tự lập tốt hơn trong việc giữ cho thế giới của riêng mình luôn gọn gàng, sạch sẽ”.